Cuộc đời “Nữ hoàng cử tạ” giúp Đài Loan đạt HCV đầu tiên tại Olympic 2020
- Hạ Chi
- •
Phá ba kỷ lục Thế vận hội, nữ vận động viên Kuo Hsing-chun suýt chút nữa phá luôn kỷ lục thế giới mà chính mình đã lập năm 2019 để mang về cho đoàn thể thao Đài Loan huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận hội Tokyo 2020.
Kuo Hsing-chun, một thành viên của tộc người Amis bản địa tại quốc đảo Đài Loan đã tham gia vào nội dung cử tạ nữ hạng cân 59kg và giành huy chương vàng với mức cử giật 103kg và cử đẩy 133kg, tổng cử 236kg. Ở nội dung này, nữ vận động viên Hoàng Thị Duyên của Việt Nam giành vị trí thứ 5 với mức tổng cử 208kg.
Chiến thắng này bổ sung thêm vào bộ sưu tập thành tích của cô Kuo chiếc huy chương vàng Olympics, bên cạnh các huy chương vàng tại Đại hội Thể thao Thế giới, Đại hội Thể thao Châu Á, Vô địch Thế giới và Vô địch Châu Á, đồng thời giúp Đài Loan thành tâm điểm quốc tế khi căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc đại lục đang ở mức cao nhất lịch sử.
Con đường đến với thành công thể thao của cô Kuo đã tạo ra sự quan tâm và niềm cảm hứng, đặc biệt trong cộng đồng người dùng mạng xã hội Đài Loan, những người đã chia sẻ các thông tin về câu chuyện cuộc đời và tính cách của cô.
Từ ‘kẻ may mắn sống sót’ tới “Nữ hoàng cử tạ’
Kuo Hsing-chun (Quách Hạnh Thuần) sinh ra thiếu cân, bị dây rốn quấn quanh và thai sai vị trí. Việc này khiến mẹ cô đã phải mất 10 tiếng mới sinh ra được cô. Tên của cô, Hạnh Thuần, là từ đồng âm với một từ khác mang nghĩa “kẻ may mắn sống sót.”
Cha của Hạnh Thuần bỏ gia đình sau khi cô sinh ra, trong khi mẹ phải đi làm việc ở một thành phố khác suốt thời gian dài. Bà ngoại là người đã nuôi nấng cô.
Hoàn cảnh gia đình cô lúc đó rất khó khăn. Họ không đủ sức trả tiền thuê nhà, nên phải rời đi và chuyển tới sống cùng một người họ hàng. Họ còn không có tiền ăn sáng.
Nhưng những trải nghiệm và áp lực đó đã giúp Hạnh Thuần phát triển khả năng tư duy logic và lo xa. Đầu tiên, cô tập luyện các môn điền kinh và đã khóc trong nhà tắm khi đánh rơi gậy trong một cuộc thi tiếp sức. Ngày hôm sau, huấn luyện viên môn cử tạ hỏi cô có muốn tham gia thi đấu cử tạ hay không.
Mặc dù không có kinh nghiệm gì trong môn này, nhưng Hạnh Thuần vẫn giành được vị trí đầu tiên. Cô đã tìm ra mục tiêu mới của mình.
Để hỗ trợ gia đình, Hạnh Thuần tập trung hết mình cho thể thao. Tới năm học cấp 3, cô nhận được các học bổng và giải thưởng cho vận động viên thể thao để đủ tiền trang trải học phí và mang một ít tiền về cho gia đình.
Cô gặp một chấn thương khi đang luyện tập cho Á vận hội năm 2014, 70% cơ đùi của cô tổn thương khi bị tạ rơi vào chân. Tuy vậy, với sự giúp đỡ của huấn luyện viên, các bác sỹ và đồng đội, cô đã vượt qua điều bất hạnh này và quay trở lại.
Cuộc sống không chỉ có mỗi chiến thắng các cuộc thi, mà là giúp đỡ người khác cùng chiến thắng
Huy chương vàng Olympics đã mang về cho Hạnh Thuần 23 triệu đô la Đài Loan, tương đương 850.000 đô la Mỹ. Trao đổi với truyền thông, cô cho biết sẽ dành một ít để hỗ trợ gia đình, phần còn lại chuyển cho các tổ chức từ thiện. Điều này phù hợp với phương châm sống của cô: “Cuộc sống không chỉ có chiến thắng các cuộc thi, mà là giúp đỡ người khác cùng chiến thắng.”
Là thành viên của bộ tộc Amis, Hạnh Thuần cùng ca sỹ đồng tộc Afalean Lu bước trên thảm đỏ của Giải thưởng Giai điệu Vàng năm 2020. Cả hai cùng mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Mặc dù được gọi là “Nữ hoàng cử tạ”, Hạnh Thuần còn có các sở thích khác. Cô rất thích chơi piano, vì nó giúp cô giải tỏa căng thẳng. Cô cũng quyết tâm đọc sách nhiều hơn, để giúp biểu đạt bản thân tốt hơn.
Những dân mạng nói tiếng Hoa ở cả Đài Loan và Đại lục cũng đăng các bình luận về sự khác biệt giữa Hạnh Thuần với các nữ vận động viên khác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đào tạo để thống trị thể thao. Mặc dù mạnh mẽ, nhưng Hạnh Thuần vẫn giữ được nét nữ tính của mình, điều thường biến mất trong số các vận động viên nữ của Đại lục.
Những vận động viên này thường được cho sử dụng steroids và hoóc môn từ nhỏ, khiến họ mạnh mẽ giả tạo đủ để giành các huy chương và vẫn vượt qua các bài kiểm tra doping. Tuy vậy, điều này khiến dáng vẻ và cư xử của họ bị nhiễm phần nam tính quá nhiều khi so sánh với các đồng nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan. Một số thậm chí còn bị vô sinh. Người ta tự hỏi liệu chiến thắng của họ đem lại lợi ích hay tự hào cho ai khác ngoài ĐCS Trung Quốc?
Như một người dùng Twitter ở Trung Quốc nói: “Họ không nhận được sự hài lòng từ thể thao, họ chỉ như những công cụ tuyên truyền mà thôi.”
Hạ Chi (Theo Vision Times)
Xem thêm:
Từ khóa cử tạ Olympic 2020 câu chuyện cuộc đời