Đại đa số người ngốc nghếch đều có thói quen này
- Mộc Lan
- •
Người ta nói, người mà từ đầu đến cuối trong lời nói đều muốn thắng người khác là hành vi trí tuệ cảm xúc thấp nhất. Việc thắng nhất thời có thể áp đảo được người khác nhưng lâu dài sẽ không bao giờ chiếm được sự tôn trọng.
Trong cuộc sống, không ai trong chúng ta tránh khỏi việc bị phản bác hay phê bình. Nhưng những người ngốc nghếch thường có thói quen ăn miếng trả miếng và luôn muốn chiếm thế thượng phong, trong khi những người khôn ngoan sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét nội tâm khi đối mặt với những ý kiến trái chiều.
Trong đời người, việc có thể khắc chế ham muốn phản bác của bản thân chính là một loại bản lĩnh.
Thắng được một lúc, nhưng lại thua cả đời
Bạn đã bao giờ thấy ai đó như thế này: Bất kể bạn nói gì, phản ứng đầu tiên của họ là nhắm vào bạn và bác bỏ. Cho dù quan điểm có đúng hay không, miễn là lời nói có thể thắng được người khác, họ sẽ dương dương tự đắc và cảm thấy vô cùng cao ngạo.
Trên thực tế, việc tranh cãi về mọi thứ sẽ chỉ tự đoạn mất đường lui và đẩy mình xuống vực sâu bất lợi.
Vào thời nhà Minh, có một học giả tên là Vương Phổ, vì bản tính thích bắt bẻ người khác, nên ông ta thường hay tranh luận với Hoàng đế Chu Nguyên Chương.
Nhiều lần, ông bị giáng chức về nhà vì dám khi quân phạm thượng. Nhưng bởi vì Hoàng đế Chu Nguyên Chương rất quý trọng tài năng của ông, nên ngay sau đó ông vẫn được triệu hồi về Bắc Kinh để đảm nhiệm chức giám sát Ngự sử.
Những tưởng rằng tính khí của Vương Phổ sẽ được kiềm chế, nhưng điều bất ngờ là sau khi đảm nhiệm chức giám sát Ngự sử chưa được bao lâu, ông đã công khai phản bác Hoàng đế Chu Nguyên Chương trước triều đình. Lúc này Hoàng đế vô cùng tức giận nên đã tống ông ra pháp trường để hành quyết, cốt là để làm giảm đi nhuệ khí của ông ta.
Khi ấy Vương Phổ không những không sợ hãi mà còn cao giọng nói: “Bệ hạ thăng ta làm giám sát, giờ đây lại làm nhục ta đến mức này, ta hôm nay chỉ muốn mau chóng chết đi.”
Hoàng đế nghe vậy, tức giận vô cùng, thấy rằng ông cố chấp khó sửa đổi, liền ra lệnh hành hình ngay lập tức, cuối cùng Vương Phổ cũng đã bỏ mạng trong tình cảnh này.
Có người nói rằng: “Tranh luận chính là sát thủ hủy hoại cuộc sống hạnh phúc”.
Tranh luận với những người thân thiết sẽ khiến mọi người thờ ơ và xa lánh, tranh luận với người ngoài sẽ chỉ làm gia tăng sự tức giận và thù hận.
Vị cha lập quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin từng nói: “Nếu bạn luôn tranh luận và phản bác, có thể bạn sẽ giành chiến thắng, nhưng chiến thắng này là vô cùng ngắn ngủi và trống rỗng. Bạn vĩnh viễn không bao giờ có được sự cảm mến của người khác.”
Tranh cãi quá nhiều không những không khiến mọi người nể phục bạn mà còn khiến bạn rơi vào cạm bẫy của cuộc sống. Học cách khắc chế bản thân là cách tốt nhất để có thể tồn tại trên đời.
Không tranh cãi là sự khôn ngoan thực sự
So với thao thao bất tuyệt thì im lặng có giá trị hơn rất nhiều. So với việc luôn làm ầm ĩ và hiếu thắng thì im lặng rút lui là cử chỉ vô cùng sáng suốt.
Trong thời kỳ của Hoàng đế Hán Vũ, Công Tôn Hoằng từ một thường dân áo vải trở thành tể tướng là đều có liên quan lớn đến thái độ đối nhân xử thế của ông.
Công Tôn Hoằng là người có kiến thức sâu rộng, mỗi khi bàn bạc việc gì đều nói rõ sự việc để Hoàng đế tự mình lựa chọn, tuy thường bị quan lại phản đối và bài xích nhưng ông không bao giờ tranh cãi.
Lại bởi vì ông sống vô cùng tiết kiệm và đạm bạc nên Chủ tước đô úy Chi Ảm không thuận mắt, nói rằng ông đang che mắt thiên hạ, nhất định là có điều gì mờ ám. Nhưng nghe những lời này Công Tôn Hoằng cũng không giải thích gì cả.
Sau đó, Hán Vũ Đế hỏi ông: “Những gì khanh nói là đúng, nhưng khi bị các quan đại thần phê bình, tại sao khanh không thanh minh cho mình?”
Công Tôn Hoằng bình tĩnh đáp: “Những người hiểu thần thì coi thần là trung nghĩa, những người không hiểu thần thì coi thần là bất trung.”
Trước sự xúc phạm của người khác, Công Tôn Hoằng không bao giờ quan tâm mà lựa chọn im lặng và khoan dung, cho đến cuối cùng ông vẫn được phong làm tể tướng.
Triết gia Immanuel Kant từng nói: “Tôi tôn trọng bất kỳ người nào có tâm hồn độc lập, mặc dù có một số là tôi không đồng ý, nhưng tôi vẫn có thể cố gắng hết sức để thấu hiểu.”
Nếu đã ở hai vị trí khác nhau, thì không cần tranh cãi. Nếu đã ở hai tầng thứ khác nhau, thì không cần so tài.
Người quân tử cùng mà không cùng, tuy đứng cùng chỗ nhưng vẫn có sự khác biệt. Người nhân hậu có thể hướng ra ngoài mà hòa hợp, bao dung.
Trên thế giới này, sẽ luôn có những người không hài lòng và phản đối bạn. Nếu cứ luôn tranh cãi thì khó tránh khỏi việc tâm can tổn thương, lại còn khiến người khác chán ghét. Nhưng khi gặp chuyện mà không tranh cãi, thì đây không phải là đuối lý và nhu nhược, mà chính là tôn trọng người khác, đồng thời bảo toàn bản thân.
Người có trí tuệ thật sự sẽ không kiên quyết tranh luận hay thuyết phục người khác mà chỉ giữ thái độ im lặng.
Kẻ yếu tự mắc kẹt, người mạnh tìm lối thoát
Có người nói: ‘“Trong đối nhân xử thế, phản bác là bản năng, trầm tĩnh là bản lĩnh.”
Trước những lời nhận xét thiếu thiện chí, việc phản bác và giải thích theo thói quen thường chỉ bộc lộ sự nông nổi và thiếu hiểu biết.
Biết cách suy nghĩ kỹ trước khi nói, nói chậm và xem xét nội tâm mới có thể biến điều bình thường trở thành điều phi thường.
Có một câu như thế này: “Nếu nhìn vào sự thấp kém của con người thì không có ai trên đời này có thể để ta làm bạn, nếu nhìn vào điểm tốt của con người, thì tất cả mọi người trên thế giới đều có thể là thầy của ta.”
Khi đối mặt với những lời chỉ trích và nghi ngờ, người ngu ngốc sẽ bác bỏ một cách vô thức và đẩy mình đến bờ vực của sự khốn khổ. Ngược lại, những người thông minh sẽ trước tiên suy ngẫm về vấn đề của bản thân và tìm ra câu trả lời từ trong chính nội tâm của mình.
Khi một người có dũng khí tự nhìn nhận khuyết điểm của chính mình, thì người ấy cũng sẽ có đủ khả năng để phát triển bản thân.
Những người thực sự thông minh sẽ từ trong tâm mà tự tu dưỡng bản thân
Phản bác vô ích sẽ không giúp cải thiện năng lực của chúng ta. Chỉ bằng cách không bào chữa, chúng ta mới có đủ thời gian để hoàn thiện bản thân.
Ông Thẩm Tòng Văn không chỉ là một nhà văn vĩ đại nhất của Trung Quốc hiện đại, mà còn là một nhà nghiên cứu di tích lịch sử. Nhưng trong những năm đầu sự nghiệp, ông cũng gặp phải rất nhiều tranh cãi và những lời chỉ trích.
Một số người nhạo báng ông là một nhà văn không có tư tưởng, trong khi những người khác lại chề cười các bài viết của ông là nông cạn, thiển cận. Nhưng ông không dựa vào lý lẽ để phản bác mà đã làm ngơ trước những lời chỉ trích. Sau đó, ông bắt đầu chuyên tâm vào việc nghiên cứu các di tích lịch sử.
Một người khác nói ông rằng: “Cả ngày chỉ chơi với hoa và cây cỏ, không làm công việc chính đáng.”
Nhưng ông cũng không quan tâm, không giải thích và chỉ tập trung vào việc của mình. Thói quen thường ngày của ông là đi ngủ lúc 12 giờ, sáng dậy lúc 5 giờ để nghiên cứu. Cuối cùng, sau 15 năm, ông đã hoàn thành cuốn sách “Nghiên cứu về trang phục cổ đại Trung Quốc” và có những thành tựu xuất sắc trong việc nghiên cứu các di tích văn hóa.
Trong Đạo Đức Kinh có một câu nói: “Người tranh luận là bất thiện, người giỏi thật sự thì không tranh luận.”
Trước những phản bác của người khác, giải thích nhiều cũng vô ích. Nếu bạn coi đó là lời nói gió bay, không lọt tai cũng không động tâm thì tuyệt nhiên tất cả đều không làm bạn tổn thương.
Người thực sự khôn ngoan sẽ không rơi vào bẫy của người khác, họ sẽ từ trong tâm mà tự tu dưỡng bản thân mình. Hãy tập trung vào hành động và đào sâu vào khả năng của bạn. Khi bạn lên đến đỉnh núi, bạn sẽ thấy mọi lời nói bên ngoài bất quá cũng chỉ như mây khói thoáng qua.
Luận đàm
Học trò hỏi: “Thưa thầy, bí quyết của hạnh phúc là gì?”
Thầy đáp: “Không tranh luận với kẻ ngốc”.
Trò lại nói: “Con không đồng ý với quan điểm của thầy.”
Thầy trả lời: “Đúng vậy, con nói đúng!”
Tranh cãi theo thói quen là một bản năng; nhưng có thể kiềm chế bản thân lại là một loại năng lực.
Người khờ khạo thích tranh luận và tự chặn đường lui của mình. Người lương thiện lại ít nói, không tranh cãi và có khả năng bao dung vạn vật.
Lão Tử giảng: “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”, nghĩa là mình không đi tranh giành, thì trong thiên hạ cũng sẽ không ai đi tranh giành với mình.
Theo Quốc học văn hóa
Từ khóa khôn ngoan Ngốc nghếch im lặng Tranh cãi