Đũa tre là một trong những dụng cụ ăn uống phổ biến nhất trên thế giới, thế nhưng việc sử dụng loại đũa này cũng tạo ra rất nhiều rác thải. Một doanh nhân trẻ ở Vancouver của Canada đã sử dụng loại đũa dùng 1 lần này để sáng tạo mô hình kinh doanh thành công bằng cách tạo ra các sản phẩm kinh tế tuần hoàn như đồ trang trí nhà cửa, đế lót ly và đồ dùng nhà bếp v.v…

doanh nhan tre
(Ảnh: Felix Böck/ChopValue)

Anh Felix Böck (32 tuổi) từng theo học ngành kỹ thuật gỗ tại Đức, sau đó anh đã lấy học vị tiến sĩ về cấu trúc tre tại trường Đại học British Columbia của bang Vancouver (UBC). Anh thường hay suy nghĩ về cách làm thế nào để vận dụng tài nguyên gỗ một cách hữu hiệu hơn. Trong thời gian theo học tại Vancouver, chàng tiến sĩ yêu thích món sushi Nhật này đã nảy ra ý tưởng vận dụng đũa tre ăn sushi nhờ lời khuyên của vợ sắp cưới.

Anh Felix phát hiện ra chỉ riêng tại Vancouver, người ta đã vứt đi đến hàng trăm nghìn chiếc đũa tre mỗi tuần, hơn nữa ở đây cũng không có hệ thống tái chế dành riêng cho loại đũa này. Vì vậy nên anh đã sáng lập ra thương hiệu thiết kế bền vững hoàn toàn sử dụng đũa tái chế để làm ra các sản phẩm kinh tế tuần hoàn mang tên ChopValue.

dua tre
(Ảnh: Felix Böck/ChopValue)

Công ty này chủ yếu sử dụng đũa tái chế để tạo ra đồ dùng gia đình, đồ dùng văn phòng bền và thời trang, ngoài ra công ty còn cho ra mắt các sản phẩm khác như đế lót ly, kệ sách, bàn làm việc, giá đỡ máy tính, giá đỡ điện thoại v.v… Tính đến nay, thương hiệu ChopValue đã tái chế hơn 40 triệu chiếc đũa tre từ các quán ăn, doanh nghiệp hoặc trung tâm thương mại nhằm tránh việc chúng bị vận chuyển đến các bãi chôn rác.

Ban đầu, công ty ChopValue chỉ thu thập và tái chế đũa tre từ các quán ăn ở Vancouver, sau này họ đã thành lập các điểm thu hồi tái chế tại các khu ẩm thực, trung tâm mua sắm, sân bay và trường đại học…

Những chiếc đũa tái chế sẽ được đưa đến “nhà máy vi mô” (Microfactory), ở đó chúng sẽ được sàng lọc và làm sạch kỹ lưỡng, sau đó được ngâm trong dung dịch nhựa tổng hợp gốc nước. Sau quá trình xử lý diệt khuẩn cao áp ở nhiệt độ cao 200 độ C trong vòng 5 giờ đồng hồ, cuối cùng những chiếc đũa này sẽ được tạo thành những ‘viên gạch’ rồi đánh bóng, ép thành ván để sản xuất đồ nội thất và đồ trang trí.

dua tre 1
(Ảnh: Felix Böck/ChopValue)

Chuỗi sản phẩm cuối cùng của công ty ChopValue còn bao gồm cả đồ dùng nhà bếp, đồ trang trí tường, bàn ghế, cầu thang, dụng cụ tiện lợi v.v… Để chế tạo đồ nội thất kích thước lớn, họ còn phát minh ra một loại máy ép thủy lực đặc biệt để ép số lượng lớn đũa tre thành “vật liệu công trình mới có quy cách đồng nhất” để làm mô-đun cơ bản rồi lắp ghép thành đồ nội thất mới, còn phần dư thừa có thể dùng làm thành các sản phẩm nhỏ như đế lót ly và các miếng domino…

Vào tháng 6 năm nay, công ty này tuyên bố đã nhận được khoản đầu tư lớn lên đến 3,15 triệu đô la. Khi đó, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Felix cho biết: “Vòng đầu tư này đã cho thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm kinh tế tuần hoàn của chúng tôi. Chúng tôi sẽ vận dụng khoản đầu tư này để mở rộng hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước của công ty, phát triển mạng lưới nhượng quyền kinh tế tuần hoàn quốc tế và sử dụng khái niệm nhà máy vi mô độc đáo của chúng tôi để ra mắt nhiều sản phẩm trên thị trường hơn.”

dua tre 2
(Ảnh: Felix Böck/ChopValue)

Anh Felix nói với trang The Epoch Times rằng: “Hiện nay các nguồn tài nguyên từ đô thị của nhiều cộng đồng đều có tiềm năng phát triển sản phẩm mới, thế nhưng chưa được sử dụng hữu hiệu, bước đầu tiên của chúng tôi là phải xây dựng được các nhà máy vi mô tại các cộng đồng này. Chúng tôi sẽ thực hiện mục tiêu này bằng việc hợp tác cùng các đối tác nhượng quyền thích hợp, chúng tôi rất mừng khi được mở rộng quy mô công ty cùng họ.”

“Đến khi đó, chúng tôi mới có thể đảm bảo mở rộng bền vững dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có và nhu cầu thị trường.”

Ngoài Canada, công ty ChopValue còn có các nhà máy vi mô tại Mỹ và Singapore, hiện nay có khoảng 20 địa điểm mới đang được phát triển và dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào mùa xuân năm 2020.

Theo anh Felix, “Chúng tôi lựa chọn hình thức nhượng quyền kinh doanh như một công cụ phát triển thương hiệu của mình để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ ở địa phương. Họ hiểu rõ cộng đồng địa phương hơn những người đến từ phương xa như chúng tôi.”

dua tre 3
(Ảnh: Felix Böck/ChopValue)

Minh Ngọc (Theo Epoch Times)

Xem thêm: