“Luyện tập, luyện tập, luyện tập” để trở thành ‘những kẻ xuất chúng’
- Jeff Minick
- •
Có một câu chuyện vui thế này. Một du khách đến thành phố New York bị lạc đường khi tới xem một buổi hòa nhạc. Anh đã hỏi một người đàn ông mang bên mình hộp đàn violin rằng: “Thưa ông, ông có thể cho tôi biết cách đến nhà hát Carnegie Hall không?”. Người đàn ông mỉm cười và trả lời: “Luyện tập, luyện tập, luyện tập”.
Trong tác phẩm “Những kẻ xuất chúng: Câu chuyện thành công”, tác giả Malcolm Gladwell đã đặt ra một câu hỏi: “Làm thế nào một số người giành được danh tiếng và sự giàu có?”. Ông đã tìm thấy câu trả lời từ nhiều nguồn cơn khác nhau như văn hoá, hoàn cảnh sống, niềm đam mê và động lực, thói quen và kinh nghiệm, thậm chí là cả ngày sinh của họ.
Gladwell cũng chỉ ra một yếu tố để thành công là “quy tắc 10.000 giờ”, vốn được áp dụng rộng rãi bởi các doanh nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhiều người khác – những người đã cống hiến hết mình cho một mục tiêu hoặc một nghề nào đó, sau nhiều năm tìm tòi và rèn luyện khắc khổ, đã đạt được những tham vọng họ.
Giáo sư Anders Ericsson của Đại học Florida là một trong những người đầu tiên đưa ra quy tắc 10.000 giờ. Tuy nhiên, ông bổ sung thêm rằng một giáo viên hoặc người thầy giỏi có thể đóng vai trò to lớn trong thành công của học sinh. Một cô gái trẻ muốn trở thành bác sĩ nhãn khoa phải học tiếp 4 năm sau khi tốt nghiệp trường y và tiến gần đến con số kỳ diệu của Gladwell, nhưng nếu cô ấy may mắn được học từ những người thầy xuất sắc trong thời gian học tập đó, thì họ có thể góp phần quan trọng giúp cô vươn tới đỉnh cao trong lĩnh vực của mình.
Nhưng với phần còn lại chúng ta thì sao? Người bình thường chúng ta có thể áp dụng những nguyên tắc này hay không?
Những người xuất chúng bình dị
Anh Jim đến từ Texas, 36 tuổi, đã làm công việc thu gom rác được 16 năm. Năm ngày một tuần, anh đi khắp thị trấn của mình, đôi khi lái xe tải hoặc đeo đồ sau lưng để thu gom rác. Quy tắc 10.000 giờ không thực sự ảnh hưởng đến năng lực làm việc của anh. Jim đã học tất cả những gì anh cần biết trong năm đầu tiên. Kể từ đó, anh đã có thành tích đáng ngưỡng mộ, nhận được nhiều lần tăng lương và trợ cấp sức khỏe, và có kế hoạch làm việc cho đến khi nghỉ hưu.
Mỗi tối khi trở về với gia đình, Jim đều dành một chút thời gian trước hiên nhà, gảy đàn guitar và hát. Anh ấy đã học chơi đàn từ hồi trung học và được một người phụ nữ mà anh ngưỡng mộ hướng dẫn chơi trong vài năm. Những buổi thực hành khoảng nửa giờ trước hiên nhà 4 và 5 đêm mỗi tuần không mang lại cho anh 10.000 giờ luyện tập, nhưng anh chơi không tệ, biết đánh nhiều bài hát, một số bài hát anh tự viết và mang lại niềm vui cho gia đình của anh cùng góa phụ sống bên cạnh.
Sarah, vợ của Jim, mất mẹ từ rất sớm lúc mới 14 tuổi. Cô đã dành 6 năm tiếp theo để giúp cha nuôi dạy 4 đứa em, đã tốt nghiệp trung học và lấy bằng cao đẳng về giáo dục mầm non. Cô làm việc tại một trường Montessori địa phương cho đến khi sinh con đầu lòng, và sau đó trở thành một bà mẹ dạy trẻ tại nhà. Hàng ngày cô rèn luyện việc làm mẹ và giáo dục, với hy vọng sẽ nuôi dạy con mình thành những người tốt cho thế giới.
Jim và Sarah sẽ không bao giờ có được thành tựa mà Gladwell đã kể về những nhân vật nổi tiếng vào trong tác phẩm “Những kẻ xuất chúng”, nhưng chúng ta vẫn có thể đặt câu hỏi hỏi: Cuộc đời họ có phải là một câu chuyện thành công hay không?
Mối quan hệ và thời gian chúng ta có
Phương châm “Luyện tập, luyện tập, luyện tập” cũng có thể áp dụng cho các mối quan hệ với gia đình và bạn bè của chúng ta. Chúng ta có thể không nghĩ tới chuyện này, nhưng càng dành nhiều thời gian cho bạn bè, người thân hoặc vợ/chồng mình, chúng ta càng có nhiều cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ với họ. Tất nhiên, các mối quan hệ của chúng ta có thể không hoàn hảo, nhưng nếu có đủ “sự luyện tập”, chúng ta có thể yêu thương và được yêu thương. Bằng cách dành thời gian cho người khác, cho dù đó là người mà chúng ta mới gặp và cảm thấy thu hút, hay một người bạn lâu năm, bằng cách rèn luyện việc kết nối, thì từng phút, từng giờ và từng ngày đều là những viên gạch xây nên một ngôi nhà mà ta và họ chia sẻ cùng nhau.
Vậy nên, quy tắc 10.000 giờ có liên quan ở đây. Giống như những người xuất chúng của Gladwell đã phải mất thời gian, năng lượng và niềm đam mê để giành được danh tiếng, chúng ta cũng có thể cống hiến bản thân cho những người ta yêu mến, rèn luyện và học nghệ thuật yêu thương trên suốt chặng đường đời.
Khoảng 20 năm trước, nền văn hóa của chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dành thời gian chất lượng cho những người chúng ta yêu quý, đặc biệt là con cái của chúng ta. Để tìm cách giúp đỡ và hướng dẫn những phụ nữ phải ra ngoài làm việc, các nhà báo và người tư vấn đã viết rất nhiều bài báo về cách tận dụng tối đa thời gian ở bên con cái. Tham dự các buổi tập và trận đấu bóng của chúng, giúp đỡ và khuyến khích chúng làm bài tập ở trường, ngồi lại và lắng nghe chúng, và bạn có thể bù đắp cho chúng những giờ còn thiếu vì phải đi làm bên ngoài.
Những khoảng thời gian chất lượng đương nhiên là tốt, nhưng chúng ta cũng nên chú ý tới tầm quan trọng của số lượng thời gian. Cái buổi chiều bạn tán dóc nói chuyện tầm phào với một người bạn – tưởng như không có gì đặc biệt – nhưng lại thực sự có giá trị. Bạn đang “rèn luyện” tình bạn của hai người. Cái buổi tối bạn và hôn thê của mình cùng đọc sách trên ghế sofa, thỉnh thoảng dừng lại để đọc to một đoạn hay ho mà bạn muốn chia sẻ, hay đơn giản là thảo luận về một vài vấn đề cuộc sống, sẽ bồi bổ cho cuộc hôn nhân của bạn, dù chỉ bằng những liều nho nhỏ tưởng chừng như không đáng kể.
Những người thầy
Giống như Jim và Sarah đã học được một số kỹ năng từ những người thầy của họ, chúng ta cũng có thể làm được điều tương tự, ngay cả trong các mối quan hệ. Chúng ta có thể không thuê ai đó dạy chúng ta những điều cơ bản về chơi guitar hoặc bí kíp giáo dục mầm non, nhưng nếu chúng ta chú ý, sự khôn ngoan của người khác có thể nâng cao cơ hội thành công của chúng ta trong các mối quan hệ. Ví dụ, khi nói chuyện với một cặp vợ chồng 60 tuổi, một cặp vợ chồng mới cưới có thể học được rằng điều quan trọng nhất trong một cuộc hôn nhân là tôn trọng đối phương.
Một số người nhìn vào những mẫu đàn ông và phụ nữ nhất định, và muốn bắt chước hành động và đức tính của họ. Họ thấy một cô con gái chăm sóc cho người mẹ ốm yếu của mình, hoặc một cậu con trai làm tất cả những gì có thể cho một người cha bị bệnh mất trí nhớ, và họ lấy đó làm tấm gương để noi theo. Xin nhắc lại một lần nữa, mặc dù có thể không nghĩ như vậy, nhưng họ đang rèn luyện bản thân và vì vậy trở thành những con người tốt hơn.
Chúng ta có thể tìm thấy những người thầy ở khắp mọi nơi nếu chúng ta chịu tìm kiếm họ.
Rèn luyện, Theo đuổi, Đam mê
Mặc dù Gladwell viết “Những kẻ xuất chúng” để giải lý do tại sao một số người thành công một cách phi thường, nhưng thực tế là chúng ta cũng có thể làm như vậy. Để học ngoại ngữ, để trở thành họa sĩ nghiệp dư, để đồng cảm nhiều hơn với người khác: tất cả những điều này đòi hỏi sự luyện tập, ý chí và niềm đam mê theo đuổi mục tiêu, cũng như sẵn sàng tìm kiếm những người thầy có thể giúp chúng ta trên đường đời.
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng viết: “Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy thực hành lòng từ bi. Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy thực hành lòng từ bi ”.
Luyện tập có thể không làm cho chúng ta trở nên hoàn hảo, nhưng nó có thể mang lại cho chúng ta những khả năng và kho báu không thể lường trước được.
Tác giả Jeff Minick, The Epoch Times
Mai Hiền biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Bí quyết thành công rèn luyện chuyện cổ tu luyện Xuất chúng