Người đàn ông không tay trở thành “thợ may bằng chân”
- Ngọc Trúc
- •
Không phải ai cũng biết sử dụng máy may, đối với một người khuyết tật cánh tay thì đây càng là một việc khiến người ta khó tưởng tượng. Nhưng người đàn ông Ấn Độ không tay này chẳng những có thể dùng máy may một cách thành thạo mà còn có thể mưu sinh bằng nghề này và trở thành một “thợ may bằng chân” nổi tiếng ở địa phương. Ý chí của ông cuối cùng đã thay đổi suy nghĩ của người dân trong làng về mình.
Ông Madan Lal (45 tuổi) ở bang Haryana thuộc phía Bắc Ấn Độ bị khuyết tật cánh tay bẩm sinh. Nhưng điều này không hề khiến ông suy sụp, bằng nghị lực phi thường, ông chẳng những học được cách sống độc lập, mà còn trở thành thợ may và có thể mưu sinh bằng nghề này.
Ông Madan chia sẻ khi trả lời phỏng vấn của đài Barcroft TV rằng: “Tôi sinh ra đã không có hai cánh tay, nhưng thời thơ ấu tôi không cảm thấy gì cả. Khi đó ông bà chăm sóc tôi, giúp tôi làm những việc lặt vặt trong cuộc sống.”
Tuy được chăm sóc rất tốt ở nhà, nhưng ra ngoài xã hội, do khuyết tật nên ông Madan bị rất nhiều người kỳ thị.
Ông Madan cho hay: “Khi tôi còn nhỏ, hầu như tất cả trường học đều từ chối cho tôi được học vì tôi bị khuyết tật. Giáo viên từ chối không cho tôi đăng ký học. Tôi rất thất vọng và quyết định chứng minh với họ tôi làm được bằng cách đạt được một vài thành tựu. Gia đình tôi không gánh nổi học phí của tôi, tôi nghĩ mình phải làm gì đó thì mới sống được.”
Vào năm 23 tuổi, ông Madan quyết định trở thành một thợ may, nhưng việc thực hiện ước mơ này lại đầy khó khăn. Đầu tiên chính là rất khó để tìm được một người chịu dạy ông, bởi vì mọi người đều nghĩ rằng ông không thể thành công, ông không thể dùng được máy may.
“Tôi đã từng đến rất nhiều nơi cũng như gặp rất nhiều thợ may. Tôi cầu xin họ dạy tôi một chút, như vậy tôi mới có thể học hỏi được. Nhưng tất cả mọi người đều cười cợt tôi. Họ đều nói rằng không có cánh tay, tôi không thể may quần áo được.”
Hết lần này đến lần khác, ông Madan đều ra về tay không. Nhưng ông trời không phụ lòng người, cuối cùng đến một ngày ông đã tìm thấy một người thợ may ở Fatehabad đồng ý dạy cho ông. Người thợ may này ban đầu cũng nghi ngờ khả năng của ông Madan và từ chối dạy ông: “Anh không có hai cánh tay, làm sao may được?”
Ông Madan khẩn cầu: “Xin ông hãy cho tôi một cơ hội”. Thế nên người thợ may đã đồng ý. Chỉ mất từ 10-15 ngày, người thợ may này đã bắt đầu nói với ông Madan rằng: “Anh sẽ thành công.”
Học chưa đến một năm, ông Madan đã trở thành một thợ may và tự mở một tiệm may trong làng. Điều này có ảnh hưởng to lớn đến cả cuộc đời ông.
Vào ngày khai trương, ai nấy đều có thể cảm nhận được tâm trạng của ông Madan. “Ngày hôm ấy, tôi đã quên đi mọi nỗi đau mà mình từng trải qua. Đây là ngày đẹp nhất trong đời tôi. Nhìn thấy mọi người đến tiệm của tôi hỏi thăm tôi. Cả làng đều rất vui mừng, họ giống như gia đình của tôi vậy.”
Nhưng ban đầu vẫn có một số người nghi ngờ kỹ năng của ông Madan. Ông cho hay, có một số người cười cợt ông, họ không tin ông sẽ dùng chân để may quần áo, họ lo ông dùng chân may sẽ làm hỏng quần áo của họ. Nhưng dần dần, ông bắt đầu được mọi người tin tưởng. Sau này, rất nhiều người đã đến tìm ông để đặt may. “Đây chính là tình yêu và sự ủng hộ mà tôi có được từ mọi người. Không còn như xưa, tôi đã được mọi người tin tưởng.”
Trong đoạn video dưới đây, bạn sẽ thấy cách mà ông Madan dùng đôi chân linh hoạt của mình để thao tác máy may, cắt, đo, cạo râu, rửa mặt, gội đầu… một cách thuần thục. Bạn có cảm thấy vui mừng cho ông Madan và kinh ngạc với tất cả những gì mà người đàn ông không tay này có thể làm được?
Ngọc Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Ấn Độ khuyết tật nghị lực sống phi thường nghị lực