Người đưa thư nghỉ hưu, hàng trăm người trong khu phố đến tạm biệt
- Minh Ngọc
- •
Hàng trăm người trong khu phố đã tổ chức một bữa tiệc để tạm biệt ông Floyd Martin (Mỹ) khi ông kết thúc chuyến hành trình 20 năm của mình. Câu chuyện diễn ra rất xúc động.
Ông Floyd Martin làm công việc đưa thư ở tiểu bang Georgia từ năm 1985. Trong suốt 20 năm qua, ông Martin đã làm việc trên cùng một tuyến đường ở thành phố Marietta và được tất cả mọi người ở đó yêu quý, thật sự rất yêu quý.
“Ông ấy thật sự là một phần của gia đình chúng tôi“, bà Sarah Bullington đã sống ở trong khu phố 11 năm qua, bà chia sẻ với tờ BuzzFeed News, “Ông ấy thật sự rất đặc biệt”.
Ông Martin cho biết điều tuyệt vời nhất của công việc này đó là tất cả mọi người mà ông đã gặp gỡ và kết bạn trong suốt những năm tháng ấy.
“Họ mời tôi ăn tối. Vào những ngày lễ, họ còn cố gắng để đảm bảo rằng tôi không cô đơn. Họ tặng quà cho tôi. Nếu xe của tôi bị hỏng, mà nó thường bị hỏng, họ sẽ xuất hiện để sửa giúp tôi. Họ luôn có mặt khi tôi cần.”
Vì vậy vài tháng trước, khi một số người sống trong khu phố biết được ông Martin đang định nghỉ hưu, họ biết rằng mình cần phải làm gì đó đặc biệt để tạm biệt ông.
Bà Becky Poole đã quen biết ông Martin 25 năm qua, bà cho hay: “Tôi biết rằng chúng tôi cần phải làm gì đó đặc biệt. Nhưng không ngờ mọi người lại tham gia nhiều đến vậy.”
Trên tuyến đường đi làm của ông Martin có khoảng 500 người sinh sống và nhóm tổ chức đã quyết định mời tất cả mọi người đến tham dự buổi tiệc chia tay. Họ đã nhờ mọi người trang trí hộp thư ở nhà mình vào ngày đi làm cuối cùng của ông Martin và sau đó cùng đến dự tiệc.
“Tôi đã có một cuộc họp nhỏ vào buổi tối cùng với vài người phụ nữ để lên kế hoạch. Chúng tôi chia khu phố thành từng khu, chúng tôi dắt chó đi dạo và để tờ rơi vào hộp thư nhằm thông báo với mọi người điều mà chúng tôi đang làm.”
Họ không biết có bao nhiêu người sẽ tham dự vào việc này, và vào sáng ngày thứ Năm, bà Poole khá lo lắng rằng có thể sự kiện sẽ nhỏ hơn bà mong đợi.
“Không chắc có bao nhiêu người sẽ trang trí hộp thư của họ. Khi đi bộ tôi đã nghĩ rằng, khu phố của chúng ta hợp tác không được tốt cho lắm.”
Nhưng 2 giờ sau, khi bà Poole lái xe xuống phố, mọi người đã trang trí hộp thư của họ rồi.
Nhóm tổ chức cho biết đây là lời tạm biệt dành cho người đã khiến cuộc sống của họ thêm ý nghĩa qua nhiều thế hệ.
“Tôi không nhớ khoảnh khắc đầu tiên khi chúng tôi gặp ông Floyd, nhưng vào năm thứ 3, ông ấy đã tác động lớn đến gia đình tôi khi con gái 3 tuổi của tôi muốn hóa trang giống như ông Floyd vào ngày hội việc làm ở trường, rồi sau đó ông ấy đã đến dự tiệc sinh nhật của cháu.”
Ông Martin đã cùng mọi người trên tuyến đường ông đi làm tổ chức những dịp sinh nhật, ngày lễ, mừng chiến thắng thể thao và lễ tốt nghiệp.
Bà Poole cho hay: “Ông ấy tặng quà tốt nghiệp cho các con của tôi. Bất cứ khi nào có cháu nào tốt nghiệp, ông ấy sẽ để 20 đô la vào hộp thư. Chỉ có ông ấy là như thế thôi, ông ấy yêu quý các con của chúng tôi.”
Ông ấy cũng yêu quý thú cưng của mọi người trong khu phố, cho mèo ăn và chăm sóc cho những chú cún. Bà Poole nói rằng: “Khi một trong những chú chó của chúng tôi qua đời, ông Floyd đã khóc. Ông ấy rất yêu quý nó.”
Theo năm tháng, mọi người trong khu phố đã trở nên thân thiết hơn với ông Martin chứ không chỉ đơn thuần là những lá thư.
“Tôi đã có một khoảng thời gian gặp khó khăn, ông ấy nhìn tôi và nói rằng ‘Nào, hãy nói cho Floyd biết có chuyện gì vậy’. Chúng tôi trò chuyện và rồi ông ấy dành cho tôi cái ôm ấm áp khiến tôi cảm thấy khá hơn.”
Ông Martin đối xử đặc biệt tốt với những người lớn tuổi. Bà Poole cho biết, khi mẹ của bà bị mắc chứng đa xơ cứng, bà rất hay ngã và ông Martin đã có mặt ở đó 2 lần để đỡ bà ấy đứng dậy.
Một người hàng xóm khác là cô Amanda Seals hiện đã 45 tuổi thì chia sẻ rằng bà của cô đã hát ca khúc ca ngợi ông Martin khi cô còn học đại học.
Theo lời cô Seals: “Bà của tôi đã lớn tuổi rồi. Bà bị lẫn và mắt mà nhìn rất rất kém, nhưng bà biết ai là ông Floyd.”
Ông Martin nói với tờ BuzzFeed News rằng có 4 người đưa thư khác đã giúp ông hoàn thành công việc vào hôm thứ Năm. Nhưng dù được mọi người giúp đỡ, ông vẫn đến dự tiệc trễ vì có quá nhiều người muốn trò chuyện cùng ông.
Khi ông đến nơi, “Mọi người vỡ òa trong tiếng reo hò”. Ông Martin cho hay: “Họ đã làm tôi khóc, tôi rất dễ khóc. Tôi luôn thể hiện cảm xúc của mình.”
Bà Bullington ước chừng có khoảng 350 người đã có mặt.
“Có thể thấy các thanh thiếu niên mặt buồn rầu xếp hàng khi ông Floyds đi ngang qua. Chúng không thích làm gì cả, nhưng chúng đã có mặt vào buổi tối cuối cùng để tạm biệt ông ấy.”
Câu chuyện về ông Martin được chia sẻ rộng rãi sau khi phóng viên Jennifer Brett của tờ Atlanta Journal-Constitution đăng tải trên twitter trong lúc đi theo ông Martin vào ngày làm việc cuối cùng của ông.
Ông chia sẻ với tờ BuzzFeed News rằng làm một người đưa thư không hề dễ dàng, nhưng những mối quan hệ mà ông đã xây dựng được thì hoàn toàn xứng đáng.
“Đây là một công việc khá khó khăn. Ban đầu, tôi không quen với tốc độ đưa thư, điều ấy khiến tôi phải mất một khoảng thời gian và tôi đã rất nản lòng. Tôi đã gọi cho mẹ mình và nói rằng ‘Con không làm được việc này’. Mẹ tôi đã bảo tôi, ‘Cố lên nào con trai.’”
“Bất cứ khi nào muốn từ bỏ, tôi đều nghe thấy những lời nói ấy. Vì vậy tôi đã tiếp tục và mọi chuyện ổn thỏa hơn. Tôi cố gắng hết sức 100%. Tôi tự nhủ rằng ‘Mình muốn làm tốt điều này, mình muốn làm tốt nhất.’”
Và điều đó đã thể hiện qua những gì mà ông làm được trên tuyến đường đi làm ở thành phố Marietta của mình.
“Có rất nhiều người từ bỏ và vào làm việc ở văn phòng có máy lạnh. Chỉ có vài người thật sự có lòng muốn phục vụ cho mọi người làm được lâu như ông ấy mà thôi. Chúng tôi rất biết ơn vì điều đó.”
Theo BuzzFeed News
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Cảm động Câu chuyện cuộc sống người Mỹ tình người Người đưa thư