Nguyên nhân “tỷ phú rách rưới” quyên góp hết tài sản của mình
- Thiện Tâm
- •
Ông từng quyên góp 588 triệu USD cho trường đại học Cornell, 125 triệu USD cho trường đại học California và 60 triệu USD cho trường đại học Stanford.
Ông từng đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ để cải tạo, xây mới 7 trường đại học ở Ireland và 2 trường đại học ở Bắc Ireland.
Ông từng gây Quỹ từ thiện “Hành động vì nụ cười” để cung cấp phí phẫu thuật cho các em nhỏ bị sứt môi và hở hàm ếch ở các quốc gia đang phát triển.
Ông từng quyên góp một số tiền lớn nhằm khống chế thiên tai và bệnh tật ở Châu Phi.
Ông là Chuck Feeney.
Chuck Feeney, một người Mỹ, được gọi là “James Bond trong giới từ thiện”. Trong hơn 30 năm, ông đã luôn bôn ba khắp các nơi trên thế giới, theo đuổi một sứ mạng bí mật đó là âm thầm quyên góp toàn bộ tài sản hơn 8 tỷ đô la của mình với mục tiêu “không nợ nần không vướng bận gì để đi gặp Thượng Đế!”.
Tới nay, ông đã quyên góp hết toàn bộ tài sản vào các lĩnh vực giáo dục, khoa học, y tế, chăm sóc người già và nhân quyền cho các quốc gia trên thế giới thông qua Quỹ từ thiện Đại Tây Dương (Atlantic Philanthropies) do chính ông thành lập. Điều này đã giúp ông trở thành người quyên góp nhiều nhất trên thế giới.
Chuck Feeney sinh ra trong một gia đình người Ireland bình dân theo đạo Thiên Chúa ở New Jersey. Ông cũng là người sáng lập của tập đoàn miễn thuế toàn cầu DFS. Ông không thích đồ ăn xa xỉ, đi lại cũng chỉ dùng phương tiện công cộng, tàu điện ngầm hoặc taxi.
Chuck Feeney sinh năm 1931 ở thành phố Elizabeth thuộc tiểu bang New Jersey. Cha ông là con trai của một người Ireland di dân, là nhân viên ở một công ty bảo hiểm. Mẹ ông, bà Madeline là một y tá. Cha mẹ của ông Feeney đều thích giúp đỡ người khác, đến nay ông vẫn còn nhớ rõ mỗi buổi sáng khi đi làm mẹ ông đều sẽ đưa một người hàng xóm tàn tật đến bến xe buýt.
Thiên tài kinh doanh
Năm 1948, Feeney gia nhập không quân Mỹ, trở thành một người lính liên lạc, phục vụ ở Nhật Bản và Hàn Quốc 4 năm. Sau khi giải ngũ, ông dùng học bổng do quân đội cấp để theo học ngành quản lý nhà hàng khách sạn của trường đại học Cornell. Do học bổng mỗi tháng chỉ có 110 USD, không đủ chi tiêu nên ông và một người bạn đã cùng nhau bán sandwich, thu nhập cũng khá ổn. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1956, Feeney lại tiếp tục theo học chính trị học tại đại học Grenoble ở miền nam nước Pháp.
Sau khi tốt nghiệp, Feeney không về nước ngay mà có hứng thú đối với hạm đội hải quân Mỹ ở Đại Tây Dương. Khi đó binh lính trong hạm đội thường xuyên đến trú ở khu vực Villefranche-sur-Mer. Ông xây dựng trại hè ở đó, chủ yếu là để phục vụ con em của các tùy binh.
Không lâu sau đó, ông lại bắt đầu buôn bán các mặt hàng miễn thuế như rượu Brandy, thuốc lá, máy thu âm cho binh lính trong hạm đội. Tuy kinh doanh ngành này cạnh tranh rất kịch liệt, nhưng Feeney có ưu thế của riêng mình. Ông dựa vào thân phận từng là quân nhân của mình để làm quen với các binh lính trong hải quân, thường xuyên vào được quân khu để buôn bán trực tiếp. Ông còn nghe ngóng được nơi hạm đội đến tiếp theo để chuẩn bị trước.
Trong khoảng thời gian này, ông đã gặp bạn học cũ ở trường đại học Cornell là Robert Miller. Hai người họ bắt đầu hợp tác, mở rộng thêm lĩnh vực buôn bán thành xe hơi, nước hoa và đá quý v.v.. Năm 1960, hai người đã thành lập tập đoàn miễn thuế toàn cầu (DFS). Họ mở cửa hàng đầu tiên ở hai nơi mà hải quân Mỹ thường hay đến là Honolulu và Hồng Kông. Đến năm 1964, họ đã có hệ thống cửa hàng ở 24 quốc gia, số nhân viên lên đến hơn 200 người.
Olympic Tokyo năm 1964, chính phủ Nhật Bản ban hành chế độ hạn chế người dân đi du lịch. Người Nhật cầm tiền tiết kiệm của họ ồ ạt ra nước ngoài giành mua hàng hóa. Trong thời gian Nhật đóng quân, Feeney đã học được ngôn ngữ và truyền thống của người Nhật, ông tuyển các cô gái Nhật xinh xắn làm việc ở cửa hàng miễn thuế, bày bán những sản phẩm mà người Nhật thích mua làm quà như rượu Brandy, thuốc lá và túi da. Ông còn cho tiền các hướng dẫn viên du lịch để họ trực tiếp đưa khách đến các cửa hàng miễn thuế.
Bởi vì quá dễ kiếm được tiền của người Nhật, Feeney đã nhờ các chuyên gia phân tích xem điểm nóng du lịch tiếp theo là ở đâu. Khi nhà phân tích nói có thể đảo Saipan sẽ trở thành điểm nóng tiếp theo thì Feeney nhận ra ở đó lại không có sân bay. Năm 1976, DFS đầu tư 5 triệu đô la để xây dựng sân bay Saipan, từ đó thu lại nhiều lợi nhuận cho tập đoàn.
DFS phát triển vô cùng nhanh chóng. Cổ tức của Feeney trong cuối năm 1967 chỉ có 12.000 đô la, đến năm 1977 đã tăng lên đến 12 triệu đô la. Lúc này, DFS đã phát triển thành tập đoàn miễn thuế lớn nhất thế giới.
Năm 1988, tạp chí Forbes của Mỹ đã phân tích trong một bài viết như sau, hàng năm, bình quân mỗi 0,009m2 cửa hàng của DFS thu được 20.000 đô la, quy đổi ra hiện tại thì vào khoảng 38.700 đô la, trong khi đó một cửa hàng chuyên bán táo thì chỉ thu được chưa đến 5.000 đô la.
Bài báo này cũng ước tính tài sản của Feeney vào khoảng 1,3 tỷ, đứng thứ 31 trong số các tỷ phú ở Mỹ. Nhưng bài báo có 2 sai lầm: một là tài sản cá nhân của Feeney nhiều hơn 1,3 tỷ đô, hai là số tài sản này đã không còn thuộc về ông nữa. Đầu năm 1984, Feeney đã chuyển 38,75% cổ phần trong DFS của ông dưới danh nghĩa của Quỹ từ thiện Đại Tây Dương.
Năm 1981, Feeney quyên góp 700.000 đô la cho trường đại học Cornell nơi ông từng theo học, từ đó những người muốn xin tiền của ông dồn dập kéo đến. Để quản lý khoản tiền quyên góp của mình tốt hơn, Feeney đã thành lập Quỹ từ thiện Đại Tây Dương theo lời khuyên của một người bạn.
Cách làm từ thiện khác biệt
Không giống với cách làm từ thiện của các tỷ phú khác, Feeney luôn cố gắng giấu đi những việc từ thiện mà ông đã làm. Để tránh quy định công bố thông tin về các tổ chức từ thiện của Mỹ, Feeney đã phải đến đăng ký ở quần ảo Bermuda cách xa Mỹ. Quỹ từ thiện cũng không do ông đứng tên. Thậm chí ông còn yêu cầu nhân viên của Quỹ từ thiện không được nói với gia đình họ nơi làm việc. Theo yêu cầu nghiêm ngặt của ông, các tổ chức được nhận quyên góp cũng không được nhắc đến tên ông. Có rất nhiều người nhận được quyên góp không biết số tiền ở đâu ra, dù có biết thì cũng phải ký cam kết giữ bí mật, theo đó nếu như để lộ ra ngoài thì sẽ dừng khoản hỗ trợ.
Từ trước đến nay, ông Feeney không hề dùng danh nghĩa của mình để đặt tên cho các thư viện hoặc bệnh viện là Quỹ từ thiện của ông quyên góp, ông luôn dành sự vinh dự này cho những người có địa vị khác cùng tham gia. Hiệu trưởng Frank Rhodes của trường đại học Cornell từng nói: “Tôi phải nghĩ hết mọi cách mới có thể khiến hội đồng quản trị tin rằng số tiền này không phải đến từ nơi bất chính, không phải là tiền của xã hội đen!”.
Feeney không hề tùy tiện rải tiền quyên góp, ông thể hiện sự sáng suốt của một thương nhân trong việc quản lý Quỹ từ thiện. Những nơi nhận được hỗ trợ của Quỹ từ thiện phải có bản kế hoạch chi tiết, nếu như hạng mục nào quá xa rời kế hoạch thì ông sẽ ngừng cung cấp quyên góp. Trong việc lựa chọn hạng mục, ông cũng tính toán các khoản đầu từ, ví dụ như “Hành động vì nụ cười” cung cấp phí phẫu thuật cho các em nhỏ bị sứt môi và hở hàm ếch ở các quốc gia đang phát triển là hạng mục mà ông thích nhất. Theo ông, chỉ cần bỏ ra 250 đô la cho một lần phẫu thuật là đã có thể thay đổi vận mệnh của người bệnh.
Giữa những năm 90, Feeney dự tính được không gian phát triển lợi nhuận của chuỗi cửa hàng miễn thuế đang giảm đi, vì thế ông quyết định rời khỏi DFS. Năm 1997, ông trùm hàng xa xỉ của Pháp, Bernard Arnoldo đã dùng 3,5 tỷ đô la mua lại DFS. Từ đó, rất nhiều các vụ mua bán buộc phải công khai thông tin, Feeney không còn giấu được nữa, lúc này công chúng mới biết được cổ phần của ông từ lâu đã chuyển sang danh nghĩa của Quỹ từ thiện Đại Tây Dương. Vì điều này mà Feeney bắt đầu được chú ý.
Giá trị quan của tỷ phú Chuck Feeney là: “Tôi sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”. Đây là một câu trong “Kinh Thánh – Sách của Job” và cũng là nhân sinh quan trong cuộc đời Chuck Feeney.
“Nhà từ thiện rách rưới”
Tuy rằng tài sản lên đến hàng tỷ, nhưng Chuck Feeney vẫn luôn xem nhẹ tiền bạc, sống một cuộc sống thanh đạm. Ông đeo một chiếc đồng hồ Casio 15 đô la, bởi vì “nó chạy cũng chuẩn như Rolex”. Ông không có siêu xe, bình thường đi lại đều chỉ dùng phương tiện công cộng, tàu điện ngầm hoặc taxi, bởi vì “đỗ xe trong thành phố khó khăn quá”. Ông có nhà ở cả thủ đô Dublin của Ireland, Brisbane (Úc) và San Francisco, nhưng những căn nhà này đều đứng tên Quỹ từ thiện. 75 năm trước, ông đi máy bay chỉ ngồi hạng thường, sau này do đầu gối lão hóa nên mới ngồi khoang hạng nhất, “bởi vì khoang trên đầu cũng đâu có đưa bạn đến trước được”. Quần áo ông mặc cũng không cầu kỳ, ông từng tự gọi mình là “nhà từ thiện rách rưới”.
Feeney luôn yêu cầu rất nghiêm khắc với 5 người con của mình, vào kỳ nghỉ họ đều phải đi làm thêm kiếm tiền ở khách sạn, nhà hàng và siêu thị. Năm con gái Bailey của ông mười mấy tuổi, có thời gian cô gọi rất nhiều những cuộc điện thoại đường dài. Feeney phát hiện ra hóa đơn điện thoại dài dằng dặc thì lập tức cắt đường dây điện thoại, đồng thời dán một bức bản đồ thành phố trong nhà, trên đó có đánh dấu những nơi có điện thoại công cộng. Các con của ông rất tán thành việc ông quyên góp ẩn danh. Con trai Leslie của ông nói rằng: “Điều này khiến chúng con không khác biệt với người bình thường”.
Chủ tịch và CEO Christopher G. Oechsli của Quỹ từ thiện Đại Tây Dương hiểu rất rõ sự “tiết kiệm” của Feeney. Khi hai người đi công tác ở Việt Nam, họ chỉ ở trong một khách sạn rất bình dân. Thế nhưng khi cần rộng rãi thì ông Feeney cũng không hề do dự. Ông đã từng để Oechsli về nước bằng máy bay siêu thanh Concord với giá vé không hề rẻ chỉ để ông này có thể kịp đón lễ cùng gia đình.
Giới truyền thông hỏi tỷ phú Chuck Feeney vì sao phải quyên góp hết.
Ông trả lời rất đơn giản, bởi vì “vải liệm không có túi”!
Thiện Tâm
Xem thêm:
- Chút suy ngẫm về chuyện “làm từ thiện” ngày nay
- 10 điều nên làm để cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn
- Làm việc thiện không cầu báo đáp, không cầu mà tự được
Mời xem video:
Từ khóa lương thiện Thiện niệm Lòng tốt tỷ phú lựa chọn của lương tri Chuck Feeney Người tốt việc tốt