4 bí quyết giúp nhà lãnh đạo xây dựng hình ảnh đáng tin cậy và truyền cảm hứng
- Minh Minh
- •
Tất cả các nhà lãnh đạo và quản lý đều cần biết cách xây dựng hình ảnh đáng tin cậy. Họ cần làm việc tốt, biết cách giao tiếp hiệu quả và truyền cảm hứng cho tập thể cùng tốt lên.
Thật khó để xác định sự hiện diện, hình ảnh của một nhà lãnh đạo là gì. Nó giống như một định nghĩa cũ về nghệ thuật – bạn biết nó khi bạn nhìn thấy nó – nhưng bạn không thể nói rõ “nó” là gì.
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Verra Mobility – David Roberts – sự hiện diện của một lãnh đạo là sự kết hợp độc đáo giữa các kỹ năng, phong cách, hành động và phản ứng trong việc dẫn dắt nhân viên và phát triển công ty.
John Quincy Adams đã từng nói: “Nếu hành động của bạn truyền cảm hứng cho người khác, đủ để họ muốn mơ ước nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, làm nhiều hơn và trở nên giỏi hơn thì bạn là một nhà lãnh đạo”.
Dưới đây là 4 bí quyết giúp bạn cải thiện sự hiện diện, hình ảnh của mình với tư cách là một nhà quản lý hoặc lãnh đạo.
1. Nuôi dưỡng kết quả và danh tiếng của bạn
Để có một hình ảnh đẹp, trước tiên người quản lý, lãnh đạo cần thể hiện được bản thân là một người có khả năng làm việc xuất sắc. Thực hiện tốt vai trò của mình là điều kiện tiên quyết giúp nhận được sự tôn trọng từ nhân viên. Liên tục đạt được kết quả xuất sắc là nền tảng cho tất cả các đặc điểm hiện diện khác của người quản lý. Bạn chỉ có thể trở thành một nhà lãnh đạo đáng tin cậy và tràn đầy cảm hứng khi biết cách làm tốt công việc của mình.
Theo ông David Roberts – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Verra Mobility cho biết những người có khả năng điều phối công việc để mang lại kết quả tốt đều có điểm chung là rất đáng tin cậy. Ông thường sử dụng cụm từ “hoàn thành” (done done) để đánh giá độ tin cậy. Khi một việc được đánh dấu là “hoàn thành” thì có nghĩa là nó không cần phải chỉnh sửa hay nhận xét gì thêm nữa. Nó đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng. Tạo ra kết quả “hoàn thành” là cách tốt nhất để xây dựng hình ảnh đáng tin cậy. Là một nhà quản lý, lãnh đạo, càng đạt được điều này một cách đều đặn, nhất quán thì danh tiếng về độ tin cậy sẽ càng tăng cao.
2. Nhà lãnh đạo, quản lý giúp đỡ người khác hành động
Những người ngồi ở vị trí quản lý, lãnh đạo được trả lương để hướng tới tương lai. Điều đó có nghĩa là bạn có trách nhiệm trao quyền cho những nhân viên phù hợp để cùng nhau đạt mục tiêu chung. Nhân viên nhìn vào quản lý như một hình mẫu để học hỏi. Vậy nên cách bạn hành động, tư duy phải thể hiện được bạn là người có khả năng điều phối một tập thể, chứ không chỉ làm tốt công việc của một mình mình.
Một trong những chìa khóa quan trọng nhất giúp thúc đẩy hành động là khả năng đặt câu hỏi phù hợp. Các câu hỏi đưa ra cần đảm bảo có chiều sâu, mang tính thăm dò, có kết thúc mở, để các thành viên trong nhóm có cơ hội đóng góp ý kiến. Ví dụ: Quy trình nào đang gặp lỗi và chúng ta có thể cải thiện hoạt động ở đâu? Mục tiêu chiến lược tiếp theo của chúng ta là gì? Tôi nên làm gì với tư cách là một nhà quản lý để có thể trở thành một tấm gương tốt? Tôi cần triển khai những chiến lược gì để giúp nhóm phát triển? Việc đặt câu hỏi một cách chu đáo và tỉ mỉ cũng sẽ giúp bạn tránh đưa ra các quyết định vội vàng. Quyết định đường lối hoạt động đúng đắn ngay từ đầu sẽ giúp bạn và nhóm của bạn tiết kiệm được thời gian quý báu sau này.
Nếu muốn truyền đạt kiến thức và cảm hứng hành động cho nhân viên, các nhà quản lý cần có khả năng tóm tắt tình huống một cách hiệu quả. Các quản lý cần có kỹ năng trình bày ngắn gọn, hướng nhân viên đến mục tiêu mong muốn của công ty, nêu rõ kết quả đạt được có ý nghĩa và tác động như thế nào đến tương lai của tổ chức. Khả năng tóm tắt một cách đầy đủ và cô đọng là một kỹ năng thực sự cần thiết nếu bạn muốn tỏa sáng với tư cách là một nhà quản lý hoặc lãnh đạo.
3. Hoàn thiện giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp có ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của một nhà quản lý, lãnh đạo. Cần lựa chọn từ ngữ thật cẩn thận khi nói chuyện với người khác. Theo tác giả Kim Scott, bạn có thể giao tiếp hiệu quả bằng cách nói những gì cần nói chứ không phải những gì bạn nghĩ nên nói. Tất nhiên, không nên mắng mỏ mọi người trong cuộc họp hoặc cho phép các nhân viên chỉ trích lẫn nhau. Nhiệm vụ của bạn là giúp mọi người bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, tôn trọng lẫn nhau. Cần khéo léo chỉ ra sai lầm của họ mà không khiến họ cảm thấy xấu hổ khi phải đối mặt với các đồng nghiệp sau này.
Để phân biệt những gì cần nói và những gì có thể nói, hãy tự hỏi bản thân xem liệu suy nghĩ của mình có đang phục vụ cho mục tiêu mà mình đang hướng tới hay không. Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy chán nản, nhưng hãy nhớ rằng, ở vị trí của một quản lý, bạn nên nói với nhân viên những lời hữu ích, ý nghĩa, thực tế. Hãy nói chuyện một cách thẳng thắn và khiêm tốn, đồng thời chú ý lắng nghe ý kiến của người khác.
4. Nhà lãnh đạo, quản lý công nhận đóng góp của mọi người
Là một nhà quản lý hoặc lãnh đạo, tất nhiên bạn là người mang hình ảnh của đội nhóm hoặc công ty, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thành quả của công việc đều được ghi công cho một mình bạn. Muốn làm một nhà quản lý tốt, cần đặt nhân viên của mình lên hàng đầu. Cần phải công nhận những đóng góp của họ, có như vậy mới xây dựng được một môi trường làm việc lành mạnh và tích cực.
Xuất hiện đều đặn trong các cuộc họp không giúp cho hình ảnh của bạn đẹp lên. Cách thể hiện bản thân hàng ngày như thế nào mới là cái mà mọi người nhìn vào để đánh giá sự hiện diện của bạn.
Sự hiện diện của một nhà quản lý, lãnh đạo bao gồm chuyên môn, hành động và kỹ năng giao tiếp bên ngoài phòng họp. Kết quả làm việc tốt, biết cách hợp tác với mọi người, nói chuyện thẳng thắn và khiêm tốn, tất cả những điều này sẽ góp phần giúp hình ảnh của bạn đáng tin cậy hơn trong mắt mọi người. Không ai có thể làm giúp bạn những việc này cả. Hãy nhớ rằng, sự hiện diện hay hình ảnh của một nhà quản lý, lãnh đạo không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục lâu dài. Cần tự mình thực hiện công việc một cách cẩn thận và thể hiện bản thân một cách thuyết phục để nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Từ khóa nhà lãnh đạo truyền cảm hứng đáng tin cậy