Nhiều gia đình mắc 6 sai lầm này khi chăm sóc trẻ sơ sinh
- Minh Minh
- •
Sơ sinh là giai đoạn ba mẹ phải đặc biệt chú ý đến cách chăm sóc cho con. Có rất nhiều nguồn hướng dẫn cho các bà mẹ mới sinh như sách vở, mạng xã hội, truyền miệng… Nếu không phân biệt được lời khuyên đúng đắn hay sai lầm, em bé và ba mẹ sẽ phải trải qua những tháng đầu đời vô cùng mệt mỏi.
Dưới đây là một số sai lầm của các gia đình mới có trẻ sơ sinh.
1. Lắc mạnh để ru ngủ
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đầu của bé vẫn chiếm khoảng 1/4 trọng lượng cơ thể trong khi não bộ lại chưa phát triển đầy đủ nên khi bị rung, lắc mạnh sẽ khiến khối não di chuyển theo quán tính và có thể bị va đập vào hộp sọ làm não bị sưng phù, gây ra các tổn thương mạch máu trong não. Chỉ trong 3 hoặc 5 giây rung lắc là não của trẻ đã có thể phải chịu những tổn thương. Tổn thương nặng có thể khiến trẻ chậm phát triển năng lực trí tuệ, giảm thị lực, rối loạn ngôn ngữ, động kinh, rối loạn kỹ năng định hướng và chậm hình thành nhận thức.
Hãy ru con ngủ một cách nhẹ nhàng các bậc cha mẹ nhé!
2. Để người khác thơm má con
Ở độ tuổi còn quá bé, hệ miễn dịch của trẻ khá yếu và dễ bị bệnh. Những việc như hôn, ôm ấp nên tránh vì có thể lây truyền các bệnh qua không khí. Đặc biệt những nhóm người sau cần giữ khoảng cách khi chơi với trẻ sơ sinh:
– Người dùng mỹ phẩm: Hầu hết các loại mỹ phẩm đều có chứa chì, thủy ngân hoặc các hóa chất khác. Vì thế, cha mẹ nên cố gắng tránh để cho họ hôn trẻ, cọ má trẻ, vì có thể gây viêm da tiếp xúc, nhiễm độc chì mãn tính, nổi mẩn đỏ và các bệnh về da khác cho trẻ.
– Người mắc bệnh cúm (hoặc do virus): Rõ ràng cơ thể của trẻ sơ sinh còn quá non nớt để chống lại sự lây lan của virus. Trường hợp nguy hiểm có thể khiến trẻ suy hô hấp, khó thở gây tử vong nên dù mất lòng mẹ cũng không được cho người bệnh đến thăm con nhỏ.
– Người bị bệnh răng miệng và hút thuốc lá: Đặc điểm của những người này là vi khuẩn tập trung ở khoang miệng. Họ không chỉ mang đến mùi hôi khó chịu khiến con dễ khóc mà còn làm lây lan các căn bệnh không tốt vào cơ thể nhỏ bé.
3. Không thay tã thường xuyên
Có 2 nguyên nhân khiến trẻ không được thay tã thường xuyên: ba mẹ tiết kiệm hoặc lười. Nếu để quá lâu, tã bẩn có thể gây ra hăm, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ. Trung bình, một đứa trẻ cần được thay tã sau mỗi 4 tiếng 1 lần cho dù là tã có bị bẩn hay không. Đặc biệt, ở những tháng đầu đời, thời gian thay tã cho trẻ sơ sinh cần được rút ngắn lại hơn thế nữa, cụ thể sau 2-3 tiếng bé sẽ cần 1 chiếc tã mới.
Đối với làn da mỏng manh của bé, việc đóng bỉm 24/24 sẽ dễ gây kích ứng cho da và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh hăm tã. Để phòng tránh, hãy cho bé “nude” một lúc sau khi thay tã và giữ cho làn da bé luôn khô thoáng. Khi bé bị nổi những mẩn đỏ, bạn cần thoa kem chống hăm hoặc thuốc mỡ mà bác sĩ đã chỉ định lên vùng da đó.
4. Cho con nằm gối cứng
Đầu của trẻ sơ sinh rất mềm, nhiệm vụ của các con lúc này chỉ có ăn rồi ngủ, nếu ba mẹ để con nằm gối cứng nhiều giờ, đầu con có thể xuất hiện những đốm phẳng. Theo thời gian, tình trạng này dẫn đến hội chứng đầu bẹt. Khi bị đầu bẹt, não của bé vẫn tiếp tục phát triển bình thường, chỉ là trong một hình dạng khác.
Để khắc phục tình trạng này, bạn cần mua gối mềm được thiết kế riêng cho trẻ sơ sinh, đồng thời không để con nằm ở một tư thế quá lâu. Nếu bé có xu hướng luôn nghiêng sang một bên khi ngủ thì bạn hãy xoay trở đầu bé lại hoặc kê thêm khăn trong nôi cho bé.
Bạn có thể di chuyển đồ chơi sang hướng khác của nôi để thu hút bé nhìn theo hướng đó. Hãy chú ý quan sát xem bé thích tư thế nào để biết cách xoay khi cần. Nếu bé có cơ cổ không đối xứng, bác sĩ nhi khoa có thể đề nghị cách trị liệu bằng cách tăng cường các cơ và cải thiện phạm vi hoạt động. Hoặc bác sĩ chỉ cho bạn một số bài tập cho con mà bạn có thể thực hiện ở nhà.
5. Không cho con ợ hơi
Vỗ lưng nhè nhẹ để trẻ ợ hơi là hành động cần thiết sau mỗi lần bú vì nó sẽ giải phóng không khí từ dạ dày và giúp bé thoải mái. Nhưng nhiều bậc cha mẹ lại quên cho bé ợ hơi. Một số dấu hiệu cho thấy con bị đầy hơi: đã bú no nhưng bé vẫn cứ quấy khóc hoặc vặn vẹo khó chịu, bé bị nôn trớ một ít sau khi uống sữa, ngủ được 30 phút thì bé bị nôn sữa ra ngoài, bé muốn uống sữa nhưng ngần ngừ không dám uống.
Để giúp con ợ hơi, sau khi con đã bú no, bạn hãy đặt bé lên vai trong 15-20 phút nhằm tránh hiện tượng nôn trớ. Nếu phải đặt con nằm xuống, bạn nên để bé nằm ở vị trí đầu cao hơn một chút so với thân người.
6. Cho con bú thừa hoặc thiếu
Các bác sĩ khuyên mẹ nên cho bé bú ít nhất 2 giờ/lần để đáp ứng nhu cầu và tạo thói quen bú cho trẻ. Mỗi lần bú mẹ, trẻ phải được duy trì được từ 20-30 phút vì khoảng 10 phút đầu tiên, trẻ chỉ bú được lượng nước là chủ yếu trong khi lượng sữa tiết ra sau đó mới thực sự mang nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Thông thường trẻ mới sinh ra cần 7 ml sữa /cữ bú. Khoảng 3 ngày sau sinh thì dạ dày trẻ bắt đầu phát triển, kích thước sẽ lớn dần dần, lúc này trẻ cần đến 20-25 ml sữa/cữ bú, một ngày trẻ thường bú khoảng 10-12 cữ bú.
Khi trẻ 1 tuần tuổi thì dạ dày đã phát triển hơn, kích thước to hơn và lúc này trẻ cần một lượng sữa nhiều hơn, gấp đôi lúc đầu khoảng 60 ml sữa/cữ bú, với 8-10 cữ bú mỗi ngày.
Khi trẻ trong khoảng 1-6 tháng tuổi, lúc này lượng sữa cần cho trẻ lại tăng thêm khoảng từ 90-150 ml sữa/cữ bú với tầm 8 cữ bú mỗi ngày.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Chăm sóc con trẻ sơ sinh chăm sóc trẻ sơ sinh Làm cha mẹ