“Mẹ ơi, con muốn nghỉ việc” – Lá thư bộc bạch của nữ nhà văn
- Ngọc Trúc
- •
Sau khi bố qua đời, mẹ luôn kiên trì sống một mình. Tôi ngồi trên chuyến xe lửa đến phía Nam để về quê thăm người thân, cả quãng đường tôi cứ nghĩ làm thế nào để nói với mẹ rằng tôi đã nghỉ việc giáo viên rồi….
Từ khi còn bé, tôi được bố mẹ kỳ vọng sẽ làm một giáo viên, trong quỹ đạo đã được sắp sẵn ấy, những gì tôi nhìn thấy trong đời lại chẳng phải là những gì tôi thật sự muốn. Cho đến khi có hai đứa con, tôi xin nghỉ vài năm để lo cho con, tôi nhìn thấy bản thân, tìm lại chính mình từ việc chăm sóc con cái. Đột nhiên tôi nhận ra, sáng tác văn học là điều mà tôi yêu thích nhất, tôi cũng không thể tiếp tục quay lưng với chính mình được nữa.
Mẹ có nghe thấy tiếng lòng của con không?
Con không muốn: thuận tay phải, làm giáo viên
Về đến quê nhà, mẹ tôi vẫn tươi cười như thường lệ, gương mặt gầy gò của mẹ hiện rõ sự tang thương và những nỗi vất vả. Việc bố tôi đột ngột qua đời trong một cuộc phẫu thuật là một sự đả kích không nhỏ đối với mẹ. Nghĩ đến lần này quay về còn phải nhắc đến việc mình đã nghỉ việc, tâm trạng phức tạp khiến tôi không nói nên lời.
Nhưng mẹ nói trước: “A Văn này, con nghỉ sinh đến khi nào? Mau quay về trường đi dạy đi, mẹ khó khăn lắm mới nuôi được con học đại học, nếu con nghỉ việc, mẹ sẽ rất buồn”, “Dạ, còn nửa năm nữa, nửa năm sau rồi tính ạ”. Tôi lo lắng nói rồi vội vàng xắn tay áo giúp mẹ thái rau.
“Ôi dào! A Văn à, sao bây giờ mà con vẫn thái rau bằng tay trái vậy? Vẫn chưa sửa à?”. Mẹ nhắc tôi mà không biết rằng, từ nhỏ đến lớn, đây là một nỗi đau đối với tôi.
Khi còn nhỏ, tôi thuận tay trái nhưng bị người lớn đánh vào ngón tay ép đổi tay, kết quả là đến nay tôi viết chữ bằng tay phải, nhưng các việc khác vẫn dùng tay trái. Trong sự mâu thuẫn xung đột cực đoan của việc thuận tay trái hay tay phải, khi còn nhỏ tôi nói không rõ ràng và thường không hiểu thế nào là phù hợp với mình.
“Mẹ ơi, mẹ có nhận ra con thái bằng tay trái cũng rất tốt không ạ?”. Tôi quyết định dùng cách này để đi vào chủ đề nghỉ việc. Nhưng mẹ liếc tôi và nói: “Mẹ thấy con vẫn nên đổi thành tay phải thì hơn, thấy con thái rau bằng tay trái mẹ sợ lắm.”
Tôi biết trong lòng mẹ thật ra muốn nói: “Thuận tay trái là thiểu số, dùng tay phải giống như mọi người sẽ có cảm giác an toàn hơn”. Thế nhưng tôi phải nói với mẹ ra sao đây, rằng thuận tay phải và làm giáo viên tuy ổn định và an toàn, nhưng không phải là cuộc đời mà tôi muốn.
Con muốn: được ôm, được tự do
Mẹ nói mẹ còn chưa đói nên kéo tôi cùng đi dọn dẹp. Mẹ vẫn đợi sau khi bố qua đời thì mới dám dọn dẹp tủ thuốc mà khi còn sống bố không thích người khác đụng vào, còn tôi thì giấu mẹ âm thầm vứt những thứ linh tinh nên bỏ đi từ lâu mà cứ luôn không nỡ vứt.
Đây là tình yêu sao? Vì sao chúng ta không thể dũng cảm nói ra những điều mình thích và không thích trước mặt những người chúng ta yêu thương?
Tôi đã đủ lớn để thấy rõ thứ gì mà mẹ nên bỏ đi, nên buông xuống – đó là buông bỏ sự tổn thương về mặt tình cảm mà bố đã gây ra cho mẹ khi còn sống, buông bỏ quyền kiểm soát tương lai của con cái. Tôi đã đủ lớn để có thể quyết định tương lai của mình, chịu trách nhiệm với bản thân.
Tối đến, tôi đắp chăn ngủ cùng mẹ, cảm nhận được tình thân ấm áp mà mình hằng khao khát. Nhưng tôi lại trằn trọc không ngủ được.
Mẹ xoay người lại, dịu dàng vỗ vai tôi: “Liên tiếp sinh 5 đứa con, giường trong nhà không đủ lớn, vì thế từ nhỏ con luôn ngủ cùng chị họ, không được ngủ cùng mẹ.”
Lòng tôi hơi thắt lại, tôi quay người lại trực tiếp hỏi: “Tại sao lại là con?”. Mẹ cười nói: “Bởi vì con rất ngoan, dễ dỗ”. Nước mắt tôi trào ra, ôm mẹ òa khóc. Tôi rất muốn nói, dù tôi rất ngoan, nhưng vẫn cần được mẹ yêu thương, cần một tuổi thơ được ôm mẹ ngủ.
Tôi nghỉ việc, trở thành một bà nội trợ cũng là để chữa lành vết thương. Chỉ khi ở bên con, ôm con trong lòng, tôi mới cảm giác được mình quay lại tuổi thơ, bù đắp lại thiếu thốn tình thân.
Nhìn thấy mẹ tóc đã bạc trắng, cả những nếp nhăn hằn rõ năm tháng trên trán mẹ, lòng tôi xót xa không nói nên lời. Chuyến về nhà này, tôi chẳng hề nói chuyện mình đã nghỉ việc. Tôi quyết định viết thư.
Tôi, bay bằng đôi cánh của mình!
Mẹ: Con muốn làm gì thì làm đi!
Về đến Đài Bắc, tôi viết một lá thư gửi cho mẹ và các anh chị em khác để bày tỏ tâm trạng của mình khi nghỉ việc:
“Mẹ ơi, con luôn không có dũng khí để nói với mẹ rằng con đã nghỉ việc rồi. Con rất sợ mẹ tức giận, càng sợ mẹ đau lòng.
Tiết dạy cuối trước khi từ chức, học sinh đã tặng con một tràng pháo tay rất lâu mà không thể dừng được. Mẹ ơi, mẹ biết không? Dù con cố gắng trở thành một đứa con gái hiếu thảo, một giáo viên tốt, nhưng cũng không thể khiến con thôi khao khát trở thành một nhà sáng tác văn học.
Tính cách của con rất thật, con luôn dùng ánh mắt rất thật để nhìn cuộc đời mình. Với tính cách như thế này, con luôn chịu thiệt thòi khi ra ngoài xã hội. Nhưng con không sợ, không sợ ánh mắt thế tục. Điều con sợ là con cố gắng như thế, cố gắng cả đời mà không được sống là chính mình. Con nghỉ việc là vì con cái, gia đình, văn học và cuộc đời con là một. Con chỉ muốn sống một cuộc đời không hối tiếc mà thôi.
Con giống như chim ưng khao khát lớn lên, khao khát có được bầu trời của riêng mình, nhưng lại cứ mãi nhìn về tổ, không nỡ bay đi. Trước đây con không vâng lời, chỉ là muốn chứng minh mình đã độc lập, có thể tự quyết định. Nhưng khi con dần lớn lên thì mới hiểu ra chỉ khi dùng cách nhẹ nhàng để được mẹ hiểu và ủng hộ thì con mới thật sự trưởng thành…”
Tôi đã viết một lá thư dài 5 trang rồi gửi đi để mỗi người trong gia đình cùng lúc thấy được lời bộc bạch chân thành của tôi đối với mẹ.
Vài ngày sau tôi nhận được điện thoại của mẹ: “Đọc xong thư của con, mọi người đều khóc. Con muốn làm gì thì cứ làm đi!”
Tôi cười rất hạnh phúc, hai giọt nước mắt lăn dài trên má.
Cuối cùng tôi đã thấy được mẹ mở rộng bàn tay cũng như nhìn thấy bản thân mình để mở rộng trái tim, tung cánh bay cao!
Tác giả: Hoàng Thục Văn
Ngọc Trúc biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Bài học cuộc sống Câu chuyện cuộc sống Tình mẹ Ý nghĩa cuộc sống Câu chuyện cảm động Tình cảm gia đình