Sau cái chết của vợ, người đàn ông dành 22 năm mở đường cứu sinh xuyên núi
- Minh Khuê
- •
Ban ngày, người đàn ông này đi làm mưu sinh rồi ban đêm lại đi mở đường. Bị gia đình phản đối, bị chính quyền địa phương bắt giam, ông Manjhi vẫn quyết tâm mở một con đường xuyên núi để người dân không bao giờ phải gặp bi kịch đau thương như vợ ông nữa.
Ông Dashrath Manjhi xuất thân trong tầng lớp lao động nghèo sống ở làng Gehlaur, thuộc bang Bihar, Ấn Độ. Thời trẻ ông Manjhi kết hôn với một cô gái trong làng có tên là Falguni Devi. Sau đó ông đến làm việc và sinh sống tại các mỏ than ở Dhanbad. Sau 7 năm lao động khổ cực, ông trở về nhà để làm một công nhân lao động bình thường và gây dựng gia đình. Để nuôi vợ con, ông phải làm việc rất vất vả chỉ để kiếm 1 đô la mỗi ngày.
Năm 1959, cuộc đời ông Manjhi có một bước ngoặt khi vợ ông gặp tai nạn ngã từ trên vách núi xuống. Lúc đó bà đang trên đường mang thức ăn và nước uống đến cho ông. Khi được một người dân trong làng báo tin, ông Manjhi đã chạy đi tìm vợ và thấy bà đã nằm dưới chân vách đá. Bệnh xá gần nhất cách đó hơn 64 km, đường núi lại hiểm trở nên vợ chồng ông không thể tới được, không có sự chăm sóc y tế, ông buộc phải chứng kiến sự ra đi của vợ.
Cái chết thương tâm của vợ đã thôi thúc ông Manjhi làm điều gì đó để thay đổi điều kiện sống khó khăn của người dân nơi đây. Trong 22 năm sau đó, ông Manjhi đã đào một con đường xuyên qua núi bằng chính đôi tay của mình với đục và búa. Cách làm của ông là đun sôi nước, đổ lên đá rồi bắt đầu đục vào những vết nứt trên đá. Ban ngày, ông cày ruộng để kiếm tiền, ban đêm ông bắt tay vào phá đá mở đường.
Dashrath Manjhi, a penniless Laborer in India, lost his wife to an accident on a treacherous mountain path. Dashrath single handedly spent 22 years carving a safe road through that same mountain with a hammer and chisel, daily tauntings from villagers steeling his resolve. 1/2 pic.twitter.com/eeRvFjUnwW
— Science girl (@gunsnrosesgirl3) June 20, 2020
Ông hy sinh bản thân mình vì không muốn người dân gặp phải hoàn cảnh thương tâm như vợ ông. Thế nhưng, hành động cao đẹp của ông không được gia đình ủng hộ. Bố ông tức giận vì cho rằng con trai đang ngó lơ các nghĩa vụ cần làm cho xã hội và gia đình. Thậm chí chính quyền địa phương còn từng bắt giam ông, nhưng ông quyết tâm không từ bỏ.
Có năm, gia đình ông chuyển lên thành phố sống để tránh hạn hán ở Gahlour nhưng ông vẫn nhất quyết ở lại để tiếp tục làm đường. Sau khi chứng kiến nghị lực và lòng quyết tâm của ông Manjhi, dần dần trong làng có rất nhiều người đã giúp đỡ ông, họ cùng nhau vượt qua khó khăn để tạo ra con đường an toàn dùng cho tương lai.
Năm 1982, ông hoàn thành dự án của mình. Con đường dài 110m, rộng 9.14m xuyên núi đã thay đổi đời sống của người dân địa phương. Giờ họ có thể di chuyển dễ dàng, có thể tiếp cận với dịch vụ y tế mà không cần vòng lên núi cao nguy hiểm.
View this post on Instagram
Năm 2007, ông Manjhi qua đời vì bệnh ung thư túi mật nhưng điều kỳ diệu ông để lại thì vẫn được người đời ngưỡng mộ mãi mãi. Năm 2015, cuộc đời ông Manjhi đã được dựng thành bộ phim mang tên “Người núi” (The Mountain Man).
Minh Khuê (Theo All That’s Interesting)
Xem thêm:
Từ khóa Người tốt việc tốt nghị lực Câu chuyện cảm động Mở đường