Chiều cao không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, từ cơ hội việc làm đến khả năng tham gia các hoạt động thể thao. Tuy nhiên, chiều cao cũng có những nhược điểm riêng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có cơ thể cao có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn. 

Du an moi 9
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sở hữu chiều cao vượt trội có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư hơn. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Báo cáo nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (World Cancer Research Fund) chỉ ra rằng có đủ bằng chứng cho thấy những người có trọng lượng cơ thể cao có nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư tụy, ung thư đại tràng, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư thận, ung thư da và ung thư vú cao hơn.

Trên trang web The Conversation, phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Queensland, Úc, bà Susan Jordan, cùng với nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Y tế Công cộng, bà Karen Tuesley, đã viết một bài báo cáo phân tích những lý do có thể dẫn đến vấn đề này.

Từ các dữ liệu trong dự án ‘Nghiên cứu trên một triệu phụ nữ’ (Million Women Study) của Vương quốc Anh, bà Jordan và bà Tuesley đã phân tích và đưa ra những con số rất ấn tượng, cụ thể như sau:

– Trong số 17 loại bệnh ung thư, có 15 loại có nguy cơ mắc cao hơn ở những người có cơ thể cao lớn. (Tức là, người càng cao thì khả năng mắc bệnh càng lớn).

– Ở phụ nữ, với mỗi 10 cm chiều cao tăng thêm, nguy cơ mắc bệnh ung thư sẽ tăng khoảng 16%. (Điều này cũng tương tự đối với nam giới).

– Trong số 10.000 phụ nữ có chiều cao trung bình khoảng 165cm, có 45 người mắc bệnh ung thư mỗi năm.

– Trong số 10.000 phụ nữ có chiều cao trung bình khoảng 175cm, có 52 người mắc bệnh ung thư mỗi năm.

– Đối với 22 trong số 23 loại ung thư, những người có chiều cao lớn hơn có khả năng mắc bệnh cao hơn.

Vì sao người có cơ thể cao lớn dễ mắc ung thư? 

Hai nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này có cơ sở sinh học vững chắc, chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa ung thư và chiều cao. Mặc dù họ vẫn chưa xác định được lý do cụ thể, nhưng đã đưa ra một số lập luận đáng chú ý như sau:

1. Người có cơ thể cao hơn có nhiều tế bào hơn

Giả thuyết đầu tiên cho rằng người có cơ thể cao hơn có nhiều tế bào hơn. Chẳng hạn, một người có cơ thể cao có thể có ruột già dài hơn và nhiều tế bào hơn, do đó nguy cơ phát triển ung thư đại tràng sẽ cao hơn.

Các nhà khoa học cho rằng ung thư phát sinh do sự tích lũy tổn thương gen, và tổn thương gen có thể xảy ra trong quá trình phân chia tế bào để tạo ra các tế bào mới. Số lần phân chia tế bào càng nhiều, khả năng xảy ra tổn thương gen và truyền sang các tế bào mới càng cao. Và khi tổn thương gen tích lũy càng nhiều, khả năng mắc ung thư cũng càng tăng.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học vẫn không rõ liệu chiều cao có liên quan đến kích thước của tất cả các cơ quan hay không. Ví dụ, những phụ nữ cao hơn có vú hoặc buồng trứng lớn hơn không?

2. Đồng nhất yếu tố tăng trưởng

Thuyết thứ hai là có một yếu tố chung khiến con người cao lên, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Yếu tố chung này có thể là một loại hormone được gọi là ‘insulin-like growth factor 1’ (IGF-1). Hormone này giúp trẻ em phát triển và sau đó tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và phân chia tế bào ở người lớn.

Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng những người có mức IGF-1 cao hơn có nguy cơ mắc ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn, nhưng không phải tất cả các loại ung thư đều như vậy. Có thể cả hai yếu tố này (số lượng tế bào nhiều hơn và mức IGF-1 cao hơn) đều đóng vai trò.

Làm thế nào một người có cơ thể cao có thể tự thoát khỏi “bản án” ung thư?

Nếu bạn có chiều cao vượt trội hơn người khác, nguy cơ mắc bệnh ung thư có thể sẽ cao hơn. Điều này nghe có vẻ bất công và khó chấp nhận. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng chúng ta vẫn có cơ hội để khắc phục tình trạng này ở một mức độ nhất định.

Bà Jordan và bà Tuesley nhấn mạnh rằng, trước tiên, bạn cần lưu ý những điều quan trọng sau: Thứ nhất, nguy cơ ung thư tăng lên chỉ liên quan một chút đến chiều cao. Thứ hai, có nhiều biện pháp bạn có thể thực hiện để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư. Quan trọng hơn, những biện pháp này thường có tác động lớn hơn rất nhiều so với ảnh hưởng của chiều cao.

Cụ thể, bạn có thể cải thiện lối sống của mình bằng cách:

– Cố gắng ăn thực phẩm lành mạnh.

– Tập thể dục thường xuyên.

– Duy trì cân nặng hợp lý.

– Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng.

– Thực hiện các bài tập hít thở nhằm cung cấp oxy cho tế bào.

– Nạp đường tự nhiên (trả nợ đường cho tế bào).

– Hạn chế uống rượu, bia.

– Không hút thuốc lá.

Nếu bạn làm được những điều này, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các phương pháp sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại tràng. Điều này giúp bạn phát hiện sớm bệnh và không bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị.

Trước đây, The Epoch Times cũng đưa tin rằng, Nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Y tế Cựu chiến binh Rocky Mountain (Rocky Mountain Regional VA Medical Center) ở Mỹ cho thấy, những người cao hơn có nguy cơ mắc bệnh lý thần kinh ngoại vi (peripheral neuropathy) cũng như nhiễm trùng da và xương cao hơn.

Tuy nhiên, có một tin vui là đối với các bệnh như tim mạch, huyết áp cao và cholesterol cao thì những người cao sẽ có nguy cơ mắc thấp hơn những người khác.