Trải qua hơn một thế kỷ ngủ yên trong lòng Đại Tây Dương ở độ sâu hơn 3.800m, con tàu Titanic sẽ sớm biến mất dưới sự bào mòn của vi khuẩn và các dòng hải lưu.

dam tau titanic
(Ảnh: Everett Collection/Shutterstock)

Một công ty thám hiểm đã tổ chức một nhóm các nhà khoa học thám hiểm đến vị trí mà con tàu Titanic chìm vào năm 1912 để tìm hiểu thêm về tình trạng hiện tại cũng như hệ sinh thái dưới nước mà xác tàu đắm sinh ra.

Đài CBS của Mỹ ngày 2/7 thông báo rằng xác tàu Titanic đang ở trong tình trạng tồi tệ: thân tàu thủng nhiều lỗ, đài quan sát biến mất hoàn toàn, lan can mũi tàu tiêu biểu nhất trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Kể từ khi xác tàu được phát hiện vào năm 1985, cột buồm của tàu Titanic đã bị sập. Phần boong nơi tập trung hành khách lúc xảy ra bi kịch cũng bị hư hỏng nặng. Các dòng hải lưu và vi khuẩn đã “ăn sạch” vỏ tàu, và một lượng lớn sắt bị mất đi mỗi ngày.

Một số chuyên gia tin rằng khi lỗ thủng lan rộng và thân tàu phân hủy, xác tàu sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng vài thập kỷ. Một nhóm nghiên cứu khoa học đã lên đường đến vùng biển Bắc Đại Tây Dương nơi tàu Titanic bị chìm để ghi lại sự xói mòn của tàu và nghiên cứu tác động của vụ chìm tàu ​​đối với hệ sinh thái dưới nước.

Stockton Rush, chủ tịch của OceanGate Expeditions, đơn vị tổ chức chuyến thám hiểm khoa học, cho biết: “Đại dương sẽ cuốn xác tàu đi. Chúng tôi phải ghi lại tất cả những điều này trước khi nó biến mất hoặc không thể nhận ra được”.

OceanGate cũng có kế hoạch ghi lại đời sống biển của khu vực này, chẳng hạn như cua và san hô. Ông Rush nói, hàng trăm loài được phát hiện ở quanh xác tàu.

Renata Rojas, 53 tuổi, ở Hoboken, New Jersey, cho biết cô bắt đầu nghiên cứu về hải dương học với hy vọng một ngày nào đó sẽ khám phá ra xác tàu. “Tôi cần phải tận mắt chứng kiến ​để biết rằng nó thực sự có thật”, cô nói.

OceanGate sẽ không lấy bất cứ thứ gì từ khu vực xác tàu nên cuộc thám hiểm này ít gây tranh cãi hơn nhiều so với kế hoạch của công ty tư nhân Mỹ RMS Titanic Inc. nhằm thu hồi Marconi – hệ thống vô tuyến được sử dụng để gửi tín hiệu cấp cứu của Titanic.

Soder, một nhà sử học nghiên cứu về tàu Titanic, tin rằng chuyến thám hiểm không có khả năng tạo ra những khám phá mới, nhưng sẽ mang lại kiến thức sâu hơn về sự phân bố của xác tàu.

Ed Kamda, cựu chủ tịch của Hiệp hội Lịch sử Titanic từng nói: “Thiên nhiên nên được phép lấy lại những gì thuộc về mình. Con tàu Titanic sẽ trở thành một vệt nâu dưới đáy biển, đó chỉ là vấn đề thời gian”.

Hoài Anh

Xem thêm: