California sẽ thả 20 triệu con muỗi cấy vi khuẩn để… chống muỗi
Verily Life Sciences, một công ty con của tập đoàn Alphabet (nắm giữ Google) đã bắt đầu chiến dịch thả 20 triệu con muỗi ở hạt Fresno, bang California, Hoa Kỳ vào ngày thứ sáu 14/7.
Đây là những con muỗi đực, được nuôi trong phòng thí nghiệm và cấy vi khuẩn nhằm làm giảm số lượng muỗi đang ngày càng gia tăng ở khu vực này, cũng như các bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra.
Người dân cũng không cần phải lo lắng, vì muỗi đực vô hại đối với con người. Chúng được cho nhiễm một loại vi khuẩn làm trứng chết khi chúng sinh sản với muỗi cái ở ngoài tự nhiên. Các nhà khoa học hy vọng cách làm này sẽ giảm được số lượng muỗi trong khu vực.
“Nếu chúng tôi có thể chứng minh cách làm này có hiệu quả, tôi tự tin rằng đây sẽ là một ngành kinh doanh bền vững bởi vì gánh nặng do muỗi gây ra là con số khổng lồ,” Linus Upson, kỹ sư trưởng của Verily cho biết.
Các con muỗi đực không hút máu người và vi khuẩn Wolbachia cũng vô hại đối với con người. Mục tiêu là loại muỗi Aedes aegypti vốn lây truyền những loại virus như Zika, sốt xuất huyết Dengue.
>> Vaccine DNA: Bước tiến dài trong cuộc chiến chống Zika
Giống muỗi Aedes aegypti xuất hiện ở Fresno từ năm 2013, theo Bloomberg cho hay. Việc thả 20 triệu con muỗi không-sinh-sản (1 triệu con mỗi tuần, trong 20 tuần) là con số lớn nhất từ trước tới nay ở Mỹ.
Chương trình tương tự cũng đang được tiến hành ở Florida Keys (thả 40.000 con muỗi không-sinh-sản mỗi tuần).
Báo cáo cho biết đã có hơn 5000 ca nhiễm Zika ở Mỹ trong năm 2016. Đối với sốt xuất huyết Dengue, ở California có hơn 3000 bệnh nhân trong 3 năm qua.
Sau khi trở thành một bộ phận của tập đoàn Alphabet năm 2015, công ty Verily đã phát triển nhanh chóng, nghiên cứu nhiều dự án công nghệ y khoa và hợp tác với ngành y dược. Dự án “thả muỗi” này tuy không mang lại doanh thu trong tương lai gần, nhưng là một cơ hội để Verily thể hiện năng lực công nghệ trong lĩnh vực y tế.
Theo Foxnews, Bloomberg,
Phong Trần tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa tập đoàn Alphabet google bệnh truyền nhiễm California con muỗi