Thứ Hai (ngày 10/2), tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) ở Paris, giám đốc AI của Google cho biết, nhiều tuyên bố về mô hình AI do công ty khởi nghiệp Trung Quốc DeepSeek công bố gần đây là sự phóng đại, DeepSeek thiếu sự đổi mới và chi phí bị đánh giá thấp.

Embed from Getty Images

Trang tìm kiếm DeepSeek hiển thị trên điện thoại di động và trang chủ DeepSeek hiển thị trên màn hình máy tính xách tay vào ngày 29/1/2025. Ảnh: (Leon Neal/ Getty Images)

Trong hội nghị thượng đỉnh, ông Demis Hassabis, CEO kiêm đồng sáng lập phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo DeepMind của Google, đã trả lời phỏng vấn của Bloomberg Technology rằng khi DeepSeek báo cáo chi phí đào tạo của mình, họ dường như chỉ báo cáo chi phí của khóa đào tạo cuối cùng.

Ông chi biết trên thực tế, trước khóa đào tạo cuối cùng, còn cần rất nhiều nguồn lực để tiến hành khám phá, thử nghiệm và đào tạo. Do đó, có thể họ đã đánh giá thấp tổng chi phí.

Tháng trước, DeepSeek đã gây chấn động thế giới khi phát hành một mô hình AI mà họ tuyên bố đã được đào tạo, với nguồn tài trợ ít hơn nhiều so với các đối thủ ở Mỹ như DeepMind và OpenAI. Nhưng nó sớm gây ra tranh cãi và nhanh chóng bị nhiều quốc gia chặn, vì những vấn đề nghiêm trọng về quyền riêng tư và bảo mật.

Ông Hassabis lưu ý rằng DeepSeek có vẻ như dựa vào một số mô hình của phương Tây để “chưng cất”, hoặc về cơ bản là đào tạo AI bằng cách tinh chỉnh đầu ra của các mô hình khác.

Ông cho biết DeepSeek là nhóm giỏi nhất mà ông từng thấy ở Trung Quốc, nhưng chưa thấy bất kỳ công nghệ mang tính đột phá nào, cũng như chưa thấy bất kỳ công nghệ hay phát minh mới nào so với trước đây.

Người đại diện của DeepSeek không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Công ty khởi nghiệp Trung Quốc này tuyên bố, chi phí tính toán để đào tạo mô hình của họ bằng chip Nvidia cũ là 5,6 triệu USD. Nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ về tuyên bố này.

Chính quyền Hoa Kỳ đã mở cuộc điều tra, xem liệu DeepSeek có lách lệnh cấm bằng cách mua chip Nvidia thông qua Singapore hay không.

Ngoài ra, trong một báo cáo nghiên cứu được công bố vào ngày 31/1, công ty nghiên cứu và tư vấn bán dẫn SemiAnalysis cho biết, riêng chi tiêu phần cứng của DeepSeek cho GPU đã vượt quá 500 triệu USD. Tổng chi phí vốn cho máy chủ của công ty này là khoảng 1,6 tỷ USD, trong đó có tới 944 triệu USD được sử dụng để chạy các cụm chip.

Công ty mẹ của Google là Alphabet là một trong số nhiều công ty lớn ở Thung lũng Silicon vẫn tiếp tục kế hoạch chi tiêu lớn sau khi mô hình DeepSeek ra mắt gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán.

Tuần trước, Alphabet đã công bố kế hoạch chi tiêu vốn trị giá 75 tỷ USD đến năm 2025. Số tiền này sẽ được dùng cho đơn vị điện toán đám mây và các dịch vụ như Gemini, một mô hình trí tuệ nhân tạo mà Google sử dụng trong tìm kiếm và các sản phẩm khác.

Cơ quan Tình báo Hàn Quốc: DeepSeek thu thập thông tin cá nhân quá mức

Ngày 9/2, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cáo buộc ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek của Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân quá mức, và lưu trữ dữ liệu của người dùng Hàn Quốc trên máy chủ Trung Quốc.

NIS cho biết vào tuần trước, họ đã gửi thông báo chính thức tới các cơ quan chính phủ tại Hàn Quốc, kêu gọi thực hiện các biện pháp phòng ngừa bảo mật trên ứng dụng DeepSeek.

Tuyên bố của NIS cho biết, không giống như các dịch vụ AI tạo sinh khác, nhật ký trò chuyện đã được DeepSeek xác nhận có thể chuyển nhượng. Vì nó chứa chức năng thu thập các mẫu nhập liệu bàn phím có thể xác định danh tính cá nhân và giao tiếp với máy chủ của công ty Trung Quốc như volceapplog.com.

Vì lo ngại về bảo mật, một số ban ngành của Hàn Quốc đã chặn quyền truy cập vào ứng dụng này bằng các thiết bị của chính phủ. Trước đó, Úc cũng đã ban hành lệnh cấm tương tự đối với công chức và nhân viên cơ sở hạ tầng quan trọng.

NIS cho biết DeepSeek cho phép các nhà quảng cáo truy cập không giới hạn vào dữ liệu người dùng và lưu trữ dữ liệu của người dùng Hàn Quốc trên các máy chủ ở Trung Quốc.

Theo luật pháp Trung Quốc, các công ty ở Trung Quốc phải cho phép Đảng cộng sản Trung Quốc truy cập thông tin này nếu đảng này yêu cầu.

NIS cũng cho biết, DeepSeek còn cung cấp các câu trả lời khác nhau cho cùng một câu hỏi mang tính nhạy cảm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ, khi được hỏi bằng tiếng Hàn về nguồn gốc của kim chi, ứng dụng này cho biết kim chi là món ăn Hàn Quốc. Trong khi khi được hỏi bằng tiếng Trung, ứng dụng này lại cho biết kim chi có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, nguồn gốc của kim chi đôi khi trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa người dùng mạng xã hội Hàn Quốc và Trung Quốc.

Người dùng cũng phát hiện ra rằng DeepSeek kiểm duyệt các câu trả lời cho các câu hỏi chính trị, như khi được hỏi về vụ đàn áp học sinh, sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, DeepSeek sẽ gợi ý thay đổi chủ đề: “Hãy nói về điều gì đó khác”.