Nghiên cứu: Virus corona tồn tại trên vải trong khoảng 3 ngày
- Phan Anh
- •
Một nghiên cứu mới đây được thực hiện tại Anh đã phát hiện ra loại virus tương tự như virus corona gây bệnh COVID-19, có thể tồn tại trên một số loại vải phổ biến được sử dụng trong ngành y tế và truyền sang các bề mặt khác.
“Khi đại dịch bắt đầu, chúng ta có rất ít hiểu biết về việc virus corona có thể tồn tại bao lâu trên vải sợi,” Tiến sĩ vi sinh vật học Katie Laird tại Đại học De Montfort (DMU) ở Leicester cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Bà tiếp tục: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy 3 trong số các loại vải được sử dụng phổ biến nhất trong việc chăm sóc sức khỏe có nguy cơ lây truyền virus. Nếu y tá và nhân viên y tế mang đồng phục của họ về nhà, họ có thể để lại dấu vết của virus trên các bề mặt khác.”
Tiến sĩ Laird – người dẫn đầu nhóm nghiên cứu – đã làm việc cùng với Tiến sĩ virus học Maitreyi Shivkumara và nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Lucy Owen.
Nghiên cứu của các nhà khoa học liên quan đến việc thử nghiệm một mô hình của virus corona có cấu trúc và mô hình tồn tại rất giống với virus Trung cộng, bằng cách thêm các giọt nhỏ trên polyester, polycotton và 100% cotton, sau đó theo dõi sự ổn định của virus trên các chất liệu vải khác nhau.
Các nhà khoa học cảnh báo trong nghiên cứu được công bố trên trang web của DMU rằng kết quả nghiên cứu cho thấy trong 3 loại vải được sử dụng trong thử nghiệm, polyester có nguy cơ lây truyền cao nhất – ngay cả sau thời gian 3 ngày (72 giờ) với khả năng truyền sang các bề mặt khác.
Virus corona sử dụng trong cuộc thử nghiệm tồn tại đến 24 giờ trên các mẫu vải 100% cotton bị nhiễm bẩn bởi các giọt nhỏ và chỉ 6 giờ trên polycotton – một sự pha trộn giữa polyester và cotton với tỷ lệ của mỗi chất liệu khác nhau, 65% cotton và 35% polyester là sự kết hợp phổ biến nhất.
Sau khi kết thúc nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học bắt đầu tìm cách an toàn nhất để giặt quần áo nhằm loại bỏ hoàn toàn virus làm vải nhiễm bẩn.
“Bước tiếp theo của công việc của chúng tôi là đánh giá nguy cơ kiểm soát việc nhiễm trùng khi giặt đồng phục y tế bị nhiễm virus corona,” Tiến sĩ Laird cho hay.
Bà nói thêm: “Khi chúng tôi đã xác định được tỷ lệ sống sót của virus corona trên mỗi loại vải, chúng tôi tập trung vào việc xác định phương pháp giặt an toàn nhất để loại bỏ virus.”
Đối với loại vải dệt y tế được sử dụng phổ biến nhất, loại 100% cotton, nghiên cứu cho thấy sau khi sử dụng chất tẩy rửa và nhiệt độ trên khoảng 67 độ C, virus đã bị loại bỏ hoàn toàn.
Nghiên cứu cho biết: “Khi nghiên cứu về khả năng chịu nhiệt của virus, các phát hiện cho thấy virus corona ổn định trong môi trường nước lên đến 60 độ C, nhưng bị bất hoạt ở khoảng 67 độ C.”
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã xem xét nguy cơ lây nhiễm chéo và nhận thấy không có nguy cơ lây truyền virus khi các vật dụng sạch được giặt chung với những vật bị nhiễm bẩn.
“Mặc dù chúng ta có thể thấy từ nghiên cứu rằng việc giặt những vật liệu này ở nhiệt độ cao, ngay cả trong máy giặt gia đình, có thể loại bỏ được virus, nhưng nó không loại bỏ nguy cơ quần áo bị nhiễm bẩn và để lại dấu vết của virus corona trên các bề mặt khác trong nhà hoặc xe trước khi chúng được giặt,” Tiến sĩ Laird cảnh báo.
“Nghiên cứu này đã củng cố khuyến nghị của tôi rằng tất cả đồng phục y tế nên được giặt tại bệnh viện hoặc tiệm giặt là công nghiệp,” nhà vi sinh vật học đưa ra lời khuyên.
“Các phương pháp rửa này đã được điều chỉnh và các y tá cũng nhân viên y tế không phải lo lắng về việc có khả năng mang virus về nhà.”
Tiến sĩ Laird cho biết những phát hiện của nghiên cứu đã được chia sẻ với các chuyên gia trong ngành công nghiệp trên khắp Vương quốc Anh, Mỹ và Châu Âu và đã nhận được phản hồi tích cực.
Bà cho biết: “Các hiệp hội dệt may và giặt là trên toàn thế giới hiện đang thực hiện các thông điệp chính của chúng tôi trong hướng dẫn của họ liên quan đến hoạt động giặt là chăm sóc sức khỏe, nhằm ngăn chặn thêm sự lây truyền của virus corona.”
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa virus corona COVID-19