Hoa Kỳ sắp từ bỏ việc quản lý Tập đoàn Internet cấp số và tên miền (ICANN) điều này sẽ tạo điều kiện cho chính quyền Trung Quốc nhảy vào và kiểm soát mạng lưới Internet.

(ảnh: Tumblr)
(ảnh: Tumblr)

Quyết định gây tranh cãi của Hoa Kỳ

Năm 2014, Hoa Kỳ thông báo sẽ từ bỏ quyền kiểm soát liên bang đối với mạng Internet bằng cách chấm dứt hợp đồng giữa Bộ Thương mại và Tập đoàn Internet cấp số và tên miền (ICANN), dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 1/10/2016.

Nhiều quan chức chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức và chuyên gia đã rung hồi chuông cảnh báo về kế hoạch từ bỏ kiểm soát ICANN của Hoa Kỳ, họ lo lắng rằng một nhà nước độc tài có thể thực thi những điều tương tự như Trung Quốc đang làm.

Một bài viết trên trang web của Thượng nghị sĩ Ted Cruz nhấn mạnh, “Nếu đề xuất này được thông qua, các quốc gia như Nga, Trung Quốc và Iran có thể kiểm duyệt ngôn luận trên Internet, kể cả ở Hoa Kỳ, bằng cách ngăn chặn truy cập vào các trang web mà họ không thích.”

Cuộc chạy đua của Trung Quốc từ 2 năm trước

Kể từ sau khi Hoa Kỳ ra thông báo trên năm 2014, Trung Quốc đã không che giấu động thái sắp tới của họ:

Tháng 11/2014, Li Yuxiao, một nhà nghiên cứu tại Học viện Không gian ảo Trung Quốc, đã nói rằng “Hiện tại là thời điểm để Trung Quốc hiện thực hóa trách nhiệm của mình. Nếu Hoa Kỳ sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát Internet toàn cầu, câu hỏi đặt ra là ai sẽ tiếp quản gậy chỉ huy và sẽ điều hành như thế nào?” theo truyền thông nhà nước China Daily đưa tin.

“Đầu tiên, chúng ta phải thiết lập mục tiêu trong lĩnh vực không gian mạng, sau đó suy nghĩ về các chiến lược, rồi sẽ tinh chỉnh luật pháp”, ông nói.

Trong hai năm qua, chính quyền Trung Quốc đã soạn thảo một một bộ luật độc tài kiểm soát mọi khía cạnh của Internet, đồng thời thành lập hoặc nắm quyền kiểm soát những tổ chức trong nước và quốc tế để thúc đẩy các luật kiểm soát Internet mới này.

Họ gây áp lực lên Liên Hiệp Quốc, lên các công ty nước ngoài có trụ sở tại Trung Quốc, thông qua các tổ chức được thành lập để gây ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty công nghệ lớn ở nước ngoài:

Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)

Chi nhánh Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Internet – Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), đã bị thúc ép để nắm lấy quyền kiểm soát ICANN, còn Trung quốc đang nỗ lực để kiểm soát ITU.

icann

ITU đã thu hút sự chú ý của quốc tế trong năm 2012, khi ITU tổ chức một hội nghị quốc tế bí mật để viết lại các quy tắc giúp chi phối Internet toàn cầu tại Hội nghị thế giới về Viễn thông quốc tế ở Dubai. Hội nghị đã bị chỉ trích nặng nề từ các trang web và các nhóm công nghệ. Cnet.com đăng một tài liệu bị rò rỉ, cho biết Tổ chức Liên Hiệp Quốc đề xuất đánh thuế Internet toàn cầu lên các nhà cung cấp nội dung gồm cả Google, Facebook, Apple và Netflix.

Vào tháng 1/2014, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên Hiệp Quốc đã bầu Houlin Zhao của Trung Quốc lãnh đạo tổ chức quản lý thông tin điện tử này.

Ủy ban Công nghệ 260:

Theo tờ Wall Street Journal, chính quyền Trung Quốc cũng đã bắt đầu kêu gọi các công ty, bao gồm tập đoàn Microsoft, tập đoàn Intel, Cisco và IBM vào Ủy ban Công nghệ 260. Ủy ban này sẽ giúp đỡ chính quyền Trung Quốc soạn thảo các quy tắc gồm mã hóa, big data và an ninh mạng, và xác định các công nghệ nào nên được “đảm bảo an toàn và có thể kiểm soát được” bởi chế độ Trung Quốc.

Luật An ninh Quốc gia:

Chính quyền Trung Quốc đã đề ra yêu cầu rằng tất cả các hệ thống cơ sở hạ tầng mạng trọng yếu và hệ thống thông tin cần được “đảm bảo an toàn và có thể kiểm soát được”, đây là một phần của Luật An ninh Quốc gia kiểm soát tất cả mọi thứ từ văn hóa đến chính trị, không gian quân sự, kinh tế, môi trường và công nghệ.

Xem thêm: Bi kịch xã hội Trung Quốc: Bị lừa từ lúc mới sinh cho đến lúc già

Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc

Vào ngày 25/3/2016, ĐCSTQ đã thành lập Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận của quốc gia (NPO), nhưng theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hiệp hội này đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Tiểu ban An ninh mạng và Thông tin, chủ trì bởi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và “chịu trách nhiệm định hướng và thực thi các chính sách an toàn thông tin, chính sách Internet và Luật.”

Bản báo cáo cho biết ĐCSTQ “đang thực hiện với một tốc độ chóng mặt để phát triển các tổ chức, cũng như các cơ chế pháp lý cần thiết để tăng cường quản lý mạng.”

Peter Sunde – nhà sáng lập The Pirate Bay đã từng nói rằng: “Tôi đã bỏ cuộc. Chúng ta đã thua cuộc chiến trên mạng internet.” Phải chăng tình cảnh hiện nay đã giống như vậy? Còn quá sớm để kết luận, chúng ta sẽ phải đợi tới ngày 1/10 để chờ xem những động thái mới trên Internet.

Theo Epoch Times
Hoàng Vũ (T/H)