7-Eleven sẽ đóng cửa 444 cửa hàng ở Bắc Mỹ
- Bình Minh
- •
Mới đây, trong báo cáo tài chính mới nhất của mình, Seven & I Holdings, công ty mẹ của ‘gã khổng lồ’ ngành cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, tiết lộ do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, công ty sẽ đóng cửa 444 cửa hàng ở Bắc Mỹ.
Những lý do cho quyết định này rất phức tạp và đa dạng. Công ty cho biết, sự kết hợp giữa tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại, lượng khách hàng giảm, áp lực lạm phát và doanh số bán thuốc lá giảm mạnh đã góp phần vào tình trạng này.
Mặc dù danh sách đóng cửa hàng cụ thể chưa được công bố, nhưng xét đến việc 7-Eleven có hơn 13.000 cửa hàng ở Mỹ, Canada và Mexico, số lượng đóng cửa lần này chiếm khoảng 3% hoạt động kinh doanh ở Bắc Mỹ của hãng.
Quy mô kinh doanh của 7-Eleven tại Nhật Bản thậm chí còn lớn hơn, với hơn 21.000 cửa hàng.
Trong thông báo, Seven&I Holdings cho biết mặc dù hiệu quả chung của nền kinh tế Bắc Mỹ vẫn tốt, chủ yếu nhờ sức tiêu dùng của nhóm thu nhập cao, nhưng thái độ tiêu dùng của nhóm thu nhập thấp và trung bình ngày càng trở nên thận trọng.
Sự thay đổi này trong hành vi của người tiêu dùng được phản ánh trực tiếp qua dữ liệu hoạt động của 7-Eleven. Trong tháng 8, lưu lượng hành khách giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và có xu hướng giảm trong 6 tháng liên tiếp. Là nguồn doanh thu chính của các cửa hàng tiện lợi, doanh số bán thuốc lá đã giảm mạnh 26% kể từ năm 2019.
Trước tình hình này, 7-Eleven cho biết, sẽ tiếp tục đánh giá và tối ưu hóa danh mục kinh doanh của mình. Công ty nhấn mạnh, quyết định đóng cửa các cửa hàng là một phần trong chiến lược tăng trưởng tổng thể, và hứa sẽ tiếp tục mở các cửa hàng mới ở những khu vực có nhu cầu tiêu dùng mạnh.
Các chuyên gia trong ngành đã đưa ra những giải thích riêng về kế hoạch đóng cửa cửa hàng. Ông Neil Saunders, nhà phân tích tại GlobalData Retail, tin rằng đây là một sự điều chỉnh thích hợp được 7-Eleven thực hiện để duy trì lợi nhuận và hoạt động hiệu quả.
Ông cho rằng giá thực phẩm tăng đã khiến người tiêu dùng mua ít hơn. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến lượng khách hàng và doanh số bán hàng ở một số cửa hàng giảm. Ngoài ra, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ thương mại điện tử và các cửa hàng giảm giá cũng ảnh hưởng đến 7-Eleven.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, mô hình kinh doanh dần lỗi thời của 7-Eleven mới là nguyên nhân chính khi nhiều người đến đây không phải vì hết thứ gì hay cần mua gấp thực phẩm gì mà chỉ để giải trí, thư giãn trong lúc bơm xăng hoặc đơn giản là để mua thứ gì đó không quan trọng.
Đặc biệt việc Couche-Tard nâng giá đấu thầu thu mua lại 7-Eleven lên 47,2 tỷ USD càng khiến nhiều chuyên gia lo lắng hơn cho tình hình của chuỗi siêu thị này.
Điều này khiến chiến lược phủ sóng dọc các trạm xăng ở Bắc Mỹ hay len lỏi vào từng ngóc ngách ở các thị trường Châu Á trở nên bất hợp lý. Chi phí mặt bằng tăng cao cùng sự sụt giảm tiêu dùng khiến 7-Eleven hụt hơi trong cuộc đua cùng các siêu thị khác.
Bất chấp nhiều thách thức phải đối mặt, 7-Eleven cho biết sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực thực phẩm của Hoa Kỳ. Thực phẩm hiện là mặt hàng có doanh số cao nhất của công ty, và là chìa khóa để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới nhất về mức độ hài lòng của người tiêu dùng cho thấy, 7-Eleven tụt hậu so với các đối thủ chính của mình.
Theo khảo sát Chỉ số hài lòng của người tiêu dùng Mỹ (ASCI), Wawa nhận được số điểm cao nhất là 82 điểm cho món bánh sandwich đặc sản của họ, trong khi 7-Eleven chỉ cao hơn vị trí cuối cùng là Shell 1 điểm.
Từ khóa Kinh tế Mỹ Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven 7-Eleven