Việt Nam sẽ áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc trong khoảng từ 19,38% đến 27,83%. Sắc thuế có hiệu lực áp dụng từ ngày 13/3.

thep can noeng
Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng thép cán nóng nhập khẩu tổng cộng gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023; trong số này Trung Quốc chiếm 74%. Ảnh: Trithucvn

Ngày 21/02/2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu.

Theo đó, mức thuế áp dụng với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc dao động từ 19,38% đến 27,83%, trong khi thép từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi điều tra do có tỷ lệ nhập khẩu không đáng kể, dưới 3% theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương. Quyết định này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày ban hành.

Số liệu từ cơ quan hải quan cho thấy lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) năm 2024 ở mức 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, ngay cả sau khi Bộ Công Thương khởi xướng điều tra từ tháng 7/2024, lượng thép HRC từ Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam với tốc độ chóng mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất trong nước.

Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại, hai doanh nghiệp sản xuất thép HRC lớn trong nước là Tập đoàn Hòa Phát và Formosa hiện có tổng công suất 8,6 triệu tấn/năm. Sản lượng này được phân bổ đều cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong khi nhu cầu trong nước lên tới 13 triệu tấn/năm. Như vậy thị trường trong nước vẫn cần thép nhập khẩu, tuy nhiên theo các chuyên gia cần kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ sản xuất trong nước. 

Nguyên Hương