Bloomberg: Ấn Độ tìm cách loại điện thoại cấp thấp Trung Quốc ra khỏi thị trường
- Lý Ngôn
- •
Ấn Độ đang cố gắng hạn chế các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc bán sản phẩm cấp thấp có giá dưới 12.000 rupee (150 USD), nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp liên quan của Ấn Độ đang chao đảo trong cuộc chiến về giá với các công ty Trung Quốc.
Theo Bloomberg dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho hay mục đích của nhà chức trách Ấn Độ nhằm đẩy những ‘gã khổng lồ’ trong ngành công nghiệp liên quan của Trung Quốc ra khỏi thị trường di động lớn thứ hai thế giới này. Họ nói rằng các thương hiệu lớn như Realme và Transsion Holdings đang bán phá giá để chống các nhà sản xuất Ấn Độ nên ngày càng gây nhiều lo ngại.
Do tính nhạy cảm của vấn đề nên nguồn tin từ chối tiết lộ thân phận.
Việc kiềm chế doanh nghiệp điện thoại di động Trung Quốc tại thị trường cấp thấp ở Ấn Độ sẽ làm tổn hại đến Xiaomi và các công ty khác của Trung Quốc. Những năm gần đây họ ngày càng phụ thuộc vào Ấn Độ để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi thị trường nội địa của họ ở Trung Quốc đã bị suy yếu do loạt chính sách phong tỏa vì COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).
Theo công ty theo dõi thị trường Counterpoint, tính đến tháng 6/2022 điện thoại thông minh dưới 150 USD chiếm 1/3 doanh số bán hàng tại Ấn Độ, trong đó các công ty Trung Quốc chiếm tới 80%.
Cổ phiếu của Xiaomi tiếp tục giảm giá, trượt 3,6% trong những phút cuối cùng của phiên giao dịch tại Hồng Kông vào thứ Hai (8/8). Mức giảm năm nay đã tăng lên hơn 35%.
New Delhi đã xem xét kỹ lưỡng tài chính của các công ty Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ như Xiaomi và các đối thủ Oppo và Vivo, kết quả dấy lên các vấn đề về thuế và rửa tiền. Chính phủ Ấn Độ trước đây đã sử dụng các chiến thuật không chính thức để ngăn chặn thiết bị viễn thông của các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE. Mặc dù không có chính sách chính thức cấm thiết bị mạng của Trung Quốc, nhưng các nhà mạng không dây được khuyến khích mua các thiết bị thay thế.
Động thái này sẽ không ảnh hưởng đến những công ty có điện thoại đắt hơn như Apple hoặc Samsung. Đại diện của Xiaomi, Real Me và Transsion Holdings đã không trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg. Người phát ngôn của Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ cũng không trả lời các câu hỏi của giới truyền thông.
Hồi hè năm 2020, Ấn Độ đã tăng cường sức ép đối với các công ty Trung Quốc. Tháng Sáu năm đó, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya. Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng kể từ đó. Ấn Độ đã cấm hơn 300 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm WeChat của Tencent Inc. và TikTok (phiên bản quốc tế của Douyin) của ByteDance.
Tuần trước cựu Bộ trưởng công nghệ thông tin Ấn Độ nói với Business Standard rằng các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc hiện bán phần lớn thiết bị ở Ấn Độ, nhưng sự thống trị thị trường của họ “không dựa trên sự cạnh tranh tự do và công bằng”.
Trước khi điện thoại di động thương hiệu Trung Quốc thâm nhập thị trường Ấn Độ, 4 thương hiệu điện thoại di động lớn của Ấn Độ là Micromax, Intex, Lava và Karbonn từng chiếm 40% thị trường nội địa. Tuy nhiên, sau khi Xiaomi, OPPO, Vivo và các thương hiệu điện thoại Trung Quốc khác gia nhập thị trường Ấn Độ để phát động cuộc chiến về giá và đầu tư mạnh vào tiếp thị thì điện thoại di động thương hiệu nội địa Ấn Độ đã rơi khỏi danh sách top 10 doanh số bán hàng.
Theo một cuộc khảo sát do Couterpoint Research công bố vào tháng Tư, các thương hiệu Trung Quốc chiếm hơn 65% thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ. Tính đến tháng 3/2019, các thương hiệu điện thoại địa phương ở Ấn Độ chỉ chiếm 13% thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ.
Nhưng bất chấp vị thế dẫn đầu của họ, hàng năm hầu hết các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc ở Ấn Độ thường xuyên báo lỗ, làm dấy lên những lời chỉ trích về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của họ.
Từ khóa xiaomi tẩy chay hàng Trung Quốc thị trường Ấn Độ Điện thoại Trung Quốc Oppo Vivo