Bloomberg: Cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo có thể bắt đầu từ tín dụng mua ô tô?
- An Nhiên
- •
Mới đây, trong một phân tích của mình, Bloomberg đã đưa ra một loạt các con số thống kê về tín dụng mua ô tô ở Mỹ và quan ngại về sự đổ vỡ tín dụng trong ngành công nghiệp này cũng như khả năng châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp.
Các yếu tố hấp dẫn như lãi suất thấp, giá xăng rẻ, mẫu xe thời thượng liên tiếp ra đời (nhanh hơn, thông minh, tiện dụng hơn…) khiến tiêu thụ xe hơi tăng mạnh ở Mỹ. Tuy nhiên, để sở hữu xe mới, người dân Mỹ hầu hết sử dụng “đòn bảy” tài chính (vay nợ) để mua xe, điều này khiến dư nợ tín dụng mua ô tô của nước Mỹ tăng mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng con số này đang ở mức đáng báo động.
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, khoản vay nợ mua xe của quốc gia này đã đạt mức kỷ lục trong quý IV/2016. Tình trạng người dân đổ xô mua xe dịp cuối năm đã đẩy khoản vay nợ mua xe lên tới 1,16 nghìn tỷ USD. Xe mới bán ra kèm theo những vấn đề về tín dụng xuất hiện rộng khắp ở các hãng từ Subarus ở tiểu bang Maine cho đến Teslas ở San Francisco.
Đây thực sự là một con số đáng báo động, đủ để nghi ngại về khả năng hình thành “bong bóng” trong ngành công nghiệp này. Thực tế, khoản nợ này có thể bao gồm cả chi phí của 43,4 triệu chiếc xe Ford F-150 – dòng xe cứ 8 người ở Mỹ thì có 1 người sở hữu. Trung bình, cứ mỗi tài xế được cấp bằng lái ở Mỹ sẽ nợ khoảng 6.100 USD chi phí cho chiếc xe.
Thị trường bất động sản cũng đã từng rơi vào tình trạng “bong bóng” và tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu quy mô lớn 10 năm trước đây. Song thị trường xe hơi lại khác rất nhiều so với thị trường nhà ở. Xe hơi là tài sản có tính thanh khoản cao hơn nhiều, dễ mua lại và cũng dễ bán đi. Thêm vào đó, chi phí dành cho xe ô tô thường thấp hơn các khoản thế chấp khác (như thế chấp mua nhà), và đa số mọi người đều có khuynh hướng sử dụng xe hơi nhiều. Do vậy, khi xét đến các khoản tài chính ưu tiên, khoản vay mua ô tô thường được ưu tiên hơn.
Thực tế, tình trạng trễ hạn thanh toán nợ xe hơi, cho dù đang tăng, nhưng vẫn thấp hơn so với lượng thanh toán trễ từ khoản vay sinh viên và nợ tín dụng. Do đó, khoản nợ vay mua xe hơi không phải là khoản tín dụng rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Nhưng Bloomberg cho rằng những nhà sản xuất của các hãng xe hơi lớn nên cẩn trọng. Ngoại trừ một số công ty tài chính mới khởi nghiệp, các nhà sản xuất ô tô chính là chủ nợ của những người mua (là những người vay có mức độ rủi ro cao nhất). Các hãng sản xuất luôn muốn thúc đẩy doanh số, và không giống như ngân hàng cho vay, trong trường hợp mọi chuyện suôn sẻ, các hãng sẽ thu được lợi nhuận cả từ khoản cho vay đó và từ sản phẩm xe của mình.
Gần đây, các nhà sản xuất xe hơi tập trung vào các dòng SUV và xe tải, vốn có khuynh hướng mang lại lợi nhuận biên cao hơn các dòng sedan và chi phí cũng cao hơn một chút. Việc hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng và kéo dài thời gian trả nợ lên đến 6 hoặc 7 năm đã giúp hoạt động kinh doanh xe hơi đạt kỷ lục với doanh số 17,55 triệu xe trong năm 2016.
Trong 2 năm qua, các tài xế Mỹ với điểm tín nhiệm ít hơn 620 đã vay 244 tỷ USD để mua xe. Đây là dư nợ tín dụng xe hơi cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trước đó, 2 năm 2006 và 2007 (giai đoạn trước khủng hoảng), người mua xe hơi cũng nợ lên đến 254 tỷ USD.
Vấn đề nằm ở chỗ: hồ sơ quản lý tài chính của nhiều lái xe không được tốt. Thời gian qua, các công ty xe hơi – những đơn vị hỗ trợ tài chính cho khách hàng mua xe – cung cấp khoảng 50% các khoản tiền cho vay, nhưng 3/4 số khách hàng này là những người không đủ điều kiện mua xe. Các hãng sản xuất xe hơi đã bắt đầu cảm nhận được rủi ro khi số lượng các vụ trễ hạn trả nợ gia tăng. FED cho rằng tình trạng nợ quá hạn gia tăng từ tín dụng xe hơi đang ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất ô tô.
Nói cách khác, mỗi khi nhân viên bán hàng thuyết phục ai đó mua một chiếc SUV hào nhoáng, họ thực sự có nhiều điểm chung với người mua: cả hai đều có thể sẽ phải trả giá cho việc mua bán này trong tương lai.
Theo Bloomberg
An Nhiên
Xem thêm:
Từ khóa khủng hoảng kinh tế