Bộ Tài chính đề xuất áp giá sàn vé máy bay, dư luận phản ứng ra sao?
- Đức Minh
- •
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tán đồng với góp ý đề xuất áp giá sàn (giá thấp nhất) đối với vé máy bay vì cho rằng giá rẻ có thể khiến các hãng Hàng không chuyên nghiệp “thua cuộc”. Tuy vậy, người dân phản ánh đã phải gánh hàng loạt thuế phí khi đi máy bay dù cho có mua được vé 0 đồng như quảng cáo. Còn chuyên gia kinh tế cho rằng áp giá sàn đi ngược với pháp luật hiện hành.
- Vi phạm cả 3 kịch bản, cổ phiếu Vietnam Airlines nguy cơ cao bị hủy niêm yết
- Bộ GTVT: Đề xuất tăng trần giá vé máy bay nội địa tối đa lên hơn 6,6%
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hôm 6/4, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá sàn (giá thấp nhất) với vé máy bay nội địa, bên cạnh giá trần (tối đa) như hiện nay.
Ông Hòa cho rằng: “Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp có thể đưa ra chương trình khuyến mại nhưng giá vé không thể quá thấp để dẫn tới việc chịu lỗ để thu hút khách hàng. Do đó, giá vé máy bay cần phải nằm trong một khung tối đa và tối thiểu”, báo Dân Trí đưa tin.
Không phủ nhận ý kiến nếu áp giá sàn cho vé máy bay sẽ làm mất cơ hội để người dân được đi máy bay giá rẻ nhưng ông Hòa đánh giá mức độ ảnh hưởng tới khách hàng không lớn, bởi giá sàn cũng sẽ ở mức thấp chứ không cao. “Người dân muốn đi máy bay có giá rẻ thì cũng rẻ ở mức độ vừa phải, chứ không tới mức không mất gì”, ông Hòa nói.
Trong phần giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá kiến nghị về quy định giá sàn của đại biểu Hòa là “rất hay và hợp lý”.
“Cần phải có giá sàn để bảo vệ doanh nghiệp, tránh các hãng hàng không chuyên nghiệp bị đánh bại bởi các hãng hàng không giá rẻ, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền”, Bộ trưởng phát biểu, Tạp chí Kinh tế Việt Nam dẫn lời.
Nhận định vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết việc áp giá sàn vé máy bay là trái quy định pháp luật.
Theo ông Long, trên thị trường hàng không nội địa hiện nay có 6 hãng hàng không đang hoạt động. Trong đó Vietnam Airlines chiếm khoảng 35%, VietJet Air chiếm 36%, Bamboo Airways chiếm khoảng 13%. Như vậy, theo Luật Giá, thị trường hàng không nội địa vẫn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, báo Pháp Luật đưa tin.
Theo quy định pháp luật hiện hành, với doanh nghiệp bán hàng hoá, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường, nhà nước quy định giá trần (giá tối đa).
Còn đối với những doanh nghiệp mua hàng hoá, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước quy định giá sàn (giá tối thiểu).
Quy định như trên với mục đích để các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường không lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường để bán giá cao hơn giá trần, hoặc mua với giá thấp hơn giá sàn do Nhà nước quy định, có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc áp giá sàn vé máy bay gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người. Trong giai đoạn khó khăn này, ông Long cho biết càng cần duy trì mô hình giá vé rẻ để hỗ trợ người thu nhập thấp.
Bình luận trên tờ Dân Trí, độc giả Doan nguyen thanh nói: “Cả chuyến bay 200 ghế người ta khuyến mại vài ghế 0 đồng tại sao lại không được… Tôi thấy chả có gì phải cấm ghế 0 đồng hay đặt giá sàn làm gì cả. Hãng nào chất lượng không tốt là khách người ta không đi, kể cả giá 0 đồng hay 1 triệu đồng.”
Bạn Lê Xuân Vinh nhận định: “Dân giờ họ xem tổng chi phí khi bước chân lên máy bay, chứ ai chỉ dựa vào giá vé niêm yết đâu, đúng là không thể có giá 0 đồng, nhưng thật sự có chi phí lên máy bay 500.000 đồng.
Các bác chỉ lo cho anh Vietnam Airlines không cạnh tranh nổi thôi, tôi nghĩ không cần phải áp giá sàn, vì các hãng họ tự biết tính làm sao kinh doanh có lãi, và cũng để người dân được hưởng lợi, anh nào kinh doanh kém thì loại thôi, đó là quy luật kinh tế thị trường mà.”
Tài khoản Linh Bui cho biết: “Giá vé máy bay 199.000 đồng, nhưng khi mua khách phải trả phụ phí gấp 4 lần giá vé… Tôi không hiểu sao lệ phí sân bay lại cao như vậy ??? Thường thì khách chỉ đến sân bay rồi lên tầu bay tổng cộng có mặt tại sân bay khoảng 90 phút mà bị tính lệ phí ít nhất là 650.000 đồng cho 1 vé.”
Từ khóa Ông Hồ Đức Phớc Bộ trưởng Bộ Tài chính giá trần vé máy bay giá sàn vé máy bay