Vi phạm cả 3 kịch bản, cổ phiếu Vietnam Airlines nguy cơ cao bị hủy niêm yết
- Đức Minh
- •
Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) niêm yết cổ phiếu trên sàn Chứng khoán TP.HCM có nguy cơ bị hủy tới đây vì vi phạm vào cả 3 trường hợp hủy niêm yết theo quy định: thua lỗ 3 năm liên tục, khoảng lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ và âm vốn chủ sở hữu.
- Vietnam Airlines ký kết hợp tác với Hàng không Trung Quốc
- Lỗ thêm lỗ, Vietnam Airlines tái cơ cấu “đứa con” Pacific Airlines
Theo Nghị định 155/2020 quy định: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ vướng vào cả 3 kịch bản hủy niêm yết kể trên. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào những con số trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, dự kiến được Vietnam Airlines công bố chậm nhất vào cuối tháng 3 sắp tới.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng vừa có văn bản nhắc nhở Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Mã: HVN) về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục cho thấy lợi nhuận sau thuế và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Theo báo cáo tài chính gần nhất, Vietnam Airlines có vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng, tương ứng với hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang lưu hành.
Hôm 19/1 vừa qua, Vietnam Airlines đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 cho thấy khoản lỗ sau thuế cả năm hơn 10.360 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.200 tỷ, lỗ lũy kế 34.200 tỷ đồng (vượt xa vốn điều lệ thực góp).
Hiện nay, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang trong diện kiểm soát theo quyết định ngày 1/6/2022 của HoSE vì âm vốn chủ sở hữu và thua lỗ hai năm liền.
Chứng khoán SSI cũng cho rằng cổ phiếu HVN có nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi HoSE và sẽ chuyển tới giao dịch trên thị trường UPCoM. Theo quy định của HoSE, để niêm yết trở lại, doanh nghiệp cần giải quyết hết khoản lỗ lũy kế.
Năm 2019, ngay trước khi đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) bùng phát, Vietnam Airlines có lãi hợp nhất hơn 2.530 tỷ đồng. Mức lợi nhuận kỷ lục từ khi thành lập là khoảng hơn 2.650 tỷ đồng, được ghi nhận vào năm 2017.
Như vậy, để xóa sạch số lỗ lũy kế 34.200 tỷ tại thời điểm ngày 31/12/2022, Vietnam Airlines sẽ cần khoảng 13 năm liên tiếp có lãi ngang với mức đỉnh trước dịch.
Vietnam Airlines cũng đang tìm kiếm các nguồn thu khác gồm thanh lý tàu bay, động cơ tàu bay và các khoản đầu tư tài chính. Việc thanh lý khoản đầu tư vào Cambodia Air đã giúp hãng này thu về hơn 860 tỷ đồng.
Kết phiên hôm 2/2, giá cổ phiếu HVN giảm 2,6% xuống còn 13.100 đồng/cp, ứng với vốn hóa trên thị trường hơn 29.000 tỷ đồng.
Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã triển khai gói “giải cứu” 12.000 tỷ đồng (Nghị quyết 194) dành cho Vietnam Airlines. Trong đó, bao gồm 4.000 tỷ đồng là Vietnam Airlines được vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại; 8.000 tỷ đồng từ việc phát hành 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua lượng cổ phiếu của Vietnam Airlines trong đợt này với giá trị khoảng 6.880 tỷ đồng. Sau phương án giải cứu trên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, chiếm 55,2% vốn; tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần, Tập đoàn Hàng không ANA (Nhật Bản) chiếm 5,62% và một số cổ đông nhỏ khác chiếm 8,04% còn lại. |
Đức Minh
Từ khóa Vietnam Airlines Dòng sự kiện Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam