Với phương châm “Mua sắm như tỷ phú”, Temu tung ra các chiêu khuyến mại hấp dẫn với đủ các loại mặt hàng thượng vàng hạ cám nhằm hấp dẫn người tiêu dùng. Thế nhưng, sau một vài trải nghiệm mua hàng giá rẻ trên Temu, nhiều người tiêu dùng đã phải thốt lên rằng: Cẩn thận kẻo mua “rác” về nhà. 

r shutterstock 2282110957
Biểu tượng ứng dụng Temu. Công ty con Temu của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo có trụ sở tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa: yanishevska / Shutterstock)

Câu “Tiền nào của nấy” chưa bao giờ sai?

Temu thuộc sở hữu của PDD Holdings, một tập đoàn công nghệ lớn có trụ sở tại Trung Quốc. Đây cũng là công ty mẹ của Pinduoduo – một trong những nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Trung Quốc. Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, Temu đã mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam chỉ sau 2 năm ra mắt.

Tại Việt Nam, dù chưa được Bộ Công Thương cấp phép, nhưng gần 1 tháng xuất hiện, Temu đã gây ra cơn sốt với người tiêu dùng thông qua nhiều chính sách hấp dẫn như giảm giá lên đến 90%, miễn phí giao hàng, cho phép đổi trả hàng trong vòng 90 ngày… Temu cũng trở thành chủ đề bàn luận nhiều trên các diễn đàn mạng xã hội.

Theo số liệu từ SocialHeat – nền tảng lắng nghe mạng xã hội thuộc YouNet Media, từ ngày 25/9 đến 25/10, đề tài thảo luận về nền tảng Temu đã thu hút hơn 410.000 lượt tương tác từ hơn 7.100 bài đăng và 36.850 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.

Điều đáng nói, nhiều phản hồi của người tiêu dùng đã trải nghiệm mua sắm trên Temu kém tích cực, đa phần về chất lượng hàng hóa. Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn TMĐT này có thể không kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra.

Nhiều người bày tỏ hàng trên Temu không rẻ, thậm chí đắt hơn hàng cùng loại trên Shopee. Chị Thùy (Hà Nội) đã mua 11 món hàng trên Temu nhận xét, có nhiều món hàng soi giá thì đắt hơn Shopee. Còn về chất lượng thì đúng là tiền nào của nấy, nhiều món mua về không thể dùng được, chẳng khác nào rước rác về nhà.

Chia sẻ trên VTC News, anh Hoàng Quân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh đặt mua 3 chiếc áo may ô trên Temu vì thấy giá quá rẻ, chỉ 120k/3 chiếc. Nhưng khi nhận được hàng thì chỉ 2 cái mặc được, còn 1 chiếc kia thì lỗi đứt ở phần vai. Mặc dù được đổi trả miễn phí nhưng do không đáng bao tiền nên anh cũng không muốn đổi lại vì mất thời gian. Vì thế, tưởng rẻ hơn sàn khác mà thực ra lại không rẻ hơn chút nào, đã thế còn mua bực vào thân.

Nhiều người cũng chỉ vì ham rẻ mà mua, cho rằng nếu hàng không đúng như mẫu hoặc không dùng được thì bỏ đi cũng không tiếc vì số tiền không lớn.

Không chỉ là tiền nào của nấy, thậm chí, nhiều quốc gia đã phát hiện chất cấm trong các sản phẩm bán trên Temu.

Ngày 21/8, nhà chức trách Hàn Quốc đã phát đi cảnh báo, các mặt hàng dành cho phụ nữ bán ra từ một số công ty mua sắm trực tuyến phổ biến nhất thế giới có chứa chất độc hại, đôi khi cao gấp hàng trăm lần mức cho phép. Chính quyền Seoul phát hiện giày sandal của Temu có chứa chì trong đế giày với mức cao hơn 11 lần so với giới hạn cho phép.

Theo ABC News, mới đây, một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Australia đã phát hiện một số sản phẩm của Temu nguy hiểm khi sử dụng. Cơ quan này đã mua và thử nghiệm ngẫu nhiên 15 món đồ chơi từ Temu, hầu hết đều có nguy cơ gây chết người từ đồng xu và pin cúc áo.

Trước đó, vào tháng 5, nhóm người tiêu dùng tại Anh cũng phát hiện mối nguy hiểm trong máy sưởi kinh doanh trên Temu. Các mẫu mà họ thử nghiệm có khả năng gây cháy và không phù hợp để kinh doanh hợp pháp tại Anh.

Các xét nghiệm do chương trình truyền hình Dispatches của Anh ủy quyền cũng phát hiện nhiều sản phẩm dành cho trẻ em của Temu chứa kim loại nặng như chì, cadmium và antimon ở mức độ có thể gây ra các rối loạn nghiêm trọng về tâm thần và sinh lý.

Ham mua hàng giá rẻ, cẩn thận rước “rác” về nhà

Về việc Trung Quốc coi Việt Nam như thị trường tiêu thụ hàng giá rẻ hoặc kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là cách để Trung Quốc giảm thiểu chi phí tiêu hủy những loại hàng hóa này.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, với việc hàng giá rẻ Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Tabao, Shein, 1688… Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác” nếu không có biện pháp kiểm soát.

Thực tế cho thấy hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường, đặc biệt trên các sàn TMĐT, thường đi kèm với chất lượng thấp hoặc bị lỗi về kỹ thuật, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhiều nước và chúng được bán cho người tiêu dùng Việt Nam.

Việc người tiêu dùng vì ham hàng giá rẻ mà mua không kiểm soát, mua những thứ không có nhu cầu sử dụng cũng có nguy cơ mua rác về nhà. Bởi vì hàng giá rẻ thường đi kèm với chất lượng kém, không bền, nhanh bị loại bỏ nên làm tăng lượng rác, đặc biệt là những sản phẩm như ốp điện thoại, bình nước, thời trang, giày dép…

Việc đóng gói hàng hóa TMĐT thường sử dụng nhiều túi nilon, bao bì nhựa, xốp… làm tăng nguy cơ với môi trường do những rác thải này có thời gian phân hủy rất lâu.

Tỷ phú Warren Buffett nói: “Nếu bạn mua những thứ bạn không cần, bạn sẽ phải sớm bán đi những thứ bạn cần. Có lẽ, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ về nhu cầu sử dụng trước mỗi cú click chuột để tránh mua những thứ không cần thiết, không chỉ để bảo vệ túi tiền của bản thân mình”.

Phan Vũ (t/h)