Chính phủ đề xuất chuyển đổi sang đất ở không qua đấu giá: ‘Có lợi ích nhóm hay không?’
- Nguyễn Minh
- •
Một trong các nội dung cho Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở là cho phép nhà đầu tư sử dụng thêm các loại đất khác không phải là đất ở để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại mà không phải đấu giá, đấu thầu. Đề xuất này khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại khi yếu tố lợi ích nhóm, nguy cơ trục lợi chính sách… được đặt ra.
Sáng 6/1, Quốc hội Việt Nam thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều đối với 8 luật, gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là đề nghị của Chính phủ sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 75 (tương ứng sửa đổi Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại mà không phải đấu giá, đấu thầu. Điều kiện là các dự án đất này đã được quy hoạch, có trong kế hoạch sử dụng đất của cơ quan chức năng theo luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng… Đề xuất trên được đưa ra theo kiến nghị của 200 doanh nghiệp.
Trước đề nghị này, đại biểu Trần Văn Lâm – Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách (đại biểu đoàn Bắc Giang) nhận định đây là điều bất hợp lý, không công bằng khi người dân không có quyền chuyển đổi nhưng doanh nghiệp lại được. Chưa kể nếu được thông qua, quy định này sẽ tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp thâu tóm đất đai, thu gom đất và tạo nên hệ lụy kéo dài khi gom đất nông nghiệp quy mô lớn, gây tác động đến điều chỉnh quy hoạch.
Vẫn theo ông Lâm, việc doanh nghiệp được quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất mà không qua đấu giá có thể gây ra thất thoát ngân sách, và vì không đấu giá tạo chênh lệch giá, tiền sẽ chảy vào túi doanh nghiệp.
“Nếu việc sửa chỉ đáp ứng 200 nhà đầu tư nhưng không đánh giá kỹ lưỡng sẽ tạo hệ lụy khi hàng nghìn, hàng vạn dự án đất đai tới đây xu thế chuyển dịch thế nào, cứ mua bán đất nông nghiệp và làm thủ tục đầu tư mà không đấu thầu đấu giá sẽ ra sao? Liệu có lợi ích nhóm hay không khi thực tế cho thấy có yếu tố lợi ích nhóm rõ ràng, luật thông qua phục vụ cho 200 nhà đầu tư này?” – ông Lâm đặt câu hỏi. Do đó, ông Lâm cho rằng nên để nội dung này lại, không cần sửa vội vàng.
Cùng chung quan ngại, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (đại biểu đoàn Sóc Trăng) đặt câu hỏi có hay không nguy cơ trục lợi chính sách khi luật được thông qua. Ông Tùng nêu khi luật này được ban hành có thể dẫn đến tình trạng nhà đầu tư đổ xô đi thu gom đất chưa phải là đất ở, chờ quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được duyệt rồi sẽ bán đi để thu lợi. “Đó là trục lợi chính sách, chúng ta phải dự báo trước vấn đề này để có đánh giá và quy định cho rõ”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, “đấu giá có thể thu được giá cao hơn, nhưng cũng đặt ra những vấn đề như ở Thủ Thiêm vừa qua, giá cao vô cùng bất thường. Nếu quy định được giá đất sát với thị trường, chênh lệch sẽ không quá lớn”. Ông Tùng đề cập tiếp đến bất cập của Luật Đất đai khi khi giá đất theo Luật Đất đai chưa thực sự sát với thực tiễn nên việc bồi thường, nộp tiền sử dụng đất để chuyển mục đích sử dụng chưa thật sát.
Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp (đại biểu tỉnh Bình Định), cho biết quy định hiện nay là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, hoặc có quyền sử dụng đất trong đó có một phần là đất ở thì được triển khai dự án nhà ở thương mại. Trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhưng hoàn toàn không có đất ở, thì không được phép triển khai đầu tư dự án (theo quy định khoản 1, điều 23 của Luật Nhà ở) mà vẫn phải đấu giá, đấu thầu theo quy định.
Ông Ba cho rằng Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn do đây là chủ trương lớn, tác động tới lượng lớn dự án mà chủ đầu tư hoàn toàn không có mét đất ở nào nhưng vẫn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm dự án.
Ông Ba nói hợp lý nhất là sửa đổi đồng bộ Luật Đất đai vì liên quan tới vấn đề giá đất, trình tự thủ tục… “Nếu không đấu thầu, đấu giá mà giá vẫn sát thị trường là lý tưởng, song thực tế rất khó khăn, trong khi với trường hợp này thì sẽ không còn đấu giá, đấu thầu nữa”, ông Ba nói.
Giải thích về sự cần thiết của việc sửa luật theo hướng trên, đại diện Chính phủ trình Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long dẫn số liệu rằng hiện có 130 dự án TP.HCM, trên 80 dự án ở Hà Nội “tắc” vì quy định không được chuyển đổi đất để đầu tư dự án xây nhà ở thương mại, khu đô thị.
Hai ngày trước, trong phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 4/1 về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đến bất cập huy động trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Phớc nói có nhiều trường hợp doanh nghiệp thua lỗ, có vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn. “Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường”, ông Phớc nói.
Trả lời thêm bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Phớc so sánh 1 m2 đất ở đường Nguyễn Huệ (ở trung tâm TP) có giá trung bình 1,5 tỉ đồng/m2, trong khi Thủ Thiêm là khu vực mới, đang còn xây dựng, hoang vắng lại có giá 2,4 tỷ đồng/m2. Theo ông Phớc, “không phù hợp, giá không thực” khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần.
Nguyễn Minh
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm chuyển đổi sang đất ở Luật Nhà ở Luật Đất đai đấu giá đất