Chúng ta sẽ làm chủ hay là công cụ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0?
- Nguyên Hương
- •
Gần đây, Cách mạng Công nghiệp 4.0 trở thành chủ đề được nhắc đến nhiều trong các hội thảo kinh tế, công nghệ; vừa truyền cảm hứng cũng vừa mang tính cảnh báo đối với các mô hình kinh tế hiện tại. Trong bài viết này, tác giả xin dùng bức tranh vận tải taxi để minh họa những gì đang thực sự diễn ra của cơn lốc 4.0 này.
Những gì đang diễn ra trong lĩnh vực vận tải hành khách mới chỉ là một quá trình số hóa, chưa thực sự chạm tới Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhưng cũng đã hết sức gay gắt giữa các chủ thể tham gia mô hình kinh tế hiện hành và mô hình kinh tế chia sẻ.
Chi phí của mô hình kinh tế chia sẻ khá tốn kém
Trước đây, việc gia nhập vào ngành vận tải hành khách tương đối khó khăn, nếu như một cá nhân sở hữu phương tiện vận tải (xe máy, ô tô) chỉ có khả năng tiếp cận một lượng nhỏ hành khách thông qua sự quen biết, vị trí đỗ, hỏi khách đi đường,… thì nay lại có thể tiếp cận một lượng lớn khách hàng thông qua phần mềm chia sẻ. Phần mềm chia sẻ này thực chất kết nối hành khách, phân bổ nhu cầu một cách hợp lý kèm theo một khoản phí áp cho lái xe. Ngoài việc kết nối, chủ phần mềm còn phải marketing để tạo cộng đồng sử dụng, như vậy mới có thể san sẻ chi phí duy trì hệ thống phần mềm vốn rất đắt đỏ.
Thực chất, nói về duy trì hai mô hình kinh tế, thì mức phí dành cho quản lý, môi giới khách là ngang nhau, nếu không nói là mô hình kinh tế chia sẻ trong thời điểm hiện tại là khá tốn kém. Ví dụ, phí môi giới khách qua bộ đàm là 6-10% tổng doanh thu khách hàng, phí môi giới khách qua phần mềm ứng dụng là 20-25% tổng doanh thu khách hàng. Nếu tính cả chi phí marketing, chi phí điện thoại 3G, điện thoại giao dịch của lái xe sẽ lên tới 30-40% tổng doanh thu khách hàng.
Mới đây, một phát ngôn gây sốc của ông Tạ Long Hỷ – Phó tổng giám đốc của Vinasun đã khiến cộng đồng mạng phản ứng trái chiều: “Vinasun không cần hợp tác với Uber. Chúng tôi đã có phần mềm của mình.” Phát ngôn này thực ra xuất phát trên quan điểm chi phí. Với sự cạnh tranh khốc liệt như hiện tại thì chuyển 20-25% doanh thu cước cho đối tác cung cấp phần mềm môi giới khách hàng quả là quá lớn.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thì các hãng vận tải vẫn phải tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng dịch vụ trên cơ sở tiết kiệm chi phí lâu dài.
Xác định đúng đối tượng chia sẻ
Sự thông minh của máy tính, không gian mạng không giới hạn giúp cho việc phân tích, phân bổ nguồn lực được thực hiện một cách hợp lý, tối ưu. Tuy nhiên, khi chuyển biến thành một giá trị vật chất, hành vi vật chất thì vẫn phải chịu sự chi phối của quy luật nguồn lực khan hiếm. Chính nguồn lực khan hiếm này sẽ xác định mô hình chia sẻ như thế nào? Tiêu chí nào cần được ưu tiên trong thuật toán xác định kết quả.
Ví dụ của thị trường vận tải taxi cho thấy thị trường này từ lâu đã bị khống chế số lượng bởi các cơ quan quản lý giao thông. Số lượng xe taxi ở Hà nội khoảng 19 ngàn xe và ở Tp.HCM là 12 ngàn xe. Lý do của việc khống chế số lượng là diện tích mặt đường có hạn, cần ưu tiên phát triển các phương tiện công cộng khác cũng như dành đường cho xe cá nhân. Như vậy, có thể nói nguồn lực khan hiếm chính của thị trường này là diện tích mặt đường.
Tuy nhiên, thuật toán chia sẻ của Uber, Grab đã không tính tới nguồn lực khan hiếm này. Kết quả nó mang lại khiến nhiều nhóm dân cư cảm thấy bất bình, các cơ quan quản lý giao thông đau đầu do chịu áp lực tắc đường càng ngày càng trầm trọng.
Tránh trở thành công cụ trong công nghiệp 4.0
Chuyến thăm Việt Nam của tỷ phú Jack Ma trong những ngày tiết thu tháng 11 thực sự gây cảm hứng cho rất nhiều start up trẻ. Ý tưởng, sự dám nghĩ dám làm và cam kết chất lượng là yếu tố thành công của Jack Ma. Nhưng Jack Ma và tập đoàn Alibaba sẽ đem tới Việt nam những gì? Phải chăng là những ứng dụng, những platform dựng sẵn để khuếch trương mạng lưới bán lẻ của tập đoàn quy mô toàn cầu này. Liệu các start up Việt nam sẽ nắm được đầu, lưng, đuôi hay chỉ là vệ tinh của con rồng Alibaba?
Trở lại câu chuyện của Uber, Grab. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi 2 năm, một lượng lớn xe hơi cỡ nhỏ đã được đầu tư để chạy Uber, Grab. Điều này được trình bày một cách hoa mỹ trong bản báo cáo đánh giá đề án thí điểm là thu hút một lượng lớn lao động tham gia vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Thế nhưng, tham gia ở góc độ nào, là người làm chủ công nghệ hay là công cụ của công nghệ? Làm thế nào để nhận thức đúng, đảo lại tình thế lại là câu hỏi cần suy xét kỹ.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Từ khóa vận tải cách mạng công nghiệp 4.0 Uber Grab