Ngày 3/7/2017, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) và Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) thông báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức phê duyệt thương vụ chuyển giao toàn bộ hoạt động của CBA – Chi nhánh TP.HCM cho VIB. Có nhiều đồn đoán cho rằng đây là vụ rút vốn khỏi thị trường Việt Nam. Thực chất có phải vậy?

(Ảnh: baogiaothong.vn)
(Ảnh: baogiaothong.vn)

CBA bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2008, bắt đầu với chi nhánh tại TP. HCM. Năm 2010, ngân hàng này đầu tư vốn vào VIB với tỷ lệ sở hữu cổ phần 15%. Năm 2011, CBA tiếp tục đầu tư thêm 1.150 tỷ đồng vào VIB, tăng tỷ lệ sở hữu lên 20%.

Thực chất chủ trương nhận chuyển nhượng mảng hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ của CBA đã được các cổ đông VIB thông qua trong Nghị quyết phiên họp Đại hội cổ đông ngày 27/4/2017 nhưng không nêu rõ tên ngân hàng nào.

Về phía CBA sau khi chuyển nhượng mảng hoạt động kinh doanh tại TP.HCM cho VIB, họ vẫn sẽ duy trì văn phòng đại diện tại Hà Nội (được thành lập năm 1994) để thực hiện các giao dịch với cơ quan chức năng của chính phủ, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Có vẻ như quyết định rút khỏi mảng bán lẻ của CBA không phải là rút khỏi thị trường Việt Nam mà để bổ trợ mảng bán lẻ cho VIB – ngân hàng vừa mới lên sàn chứng khoán mà CBA là một cổ đông chính.

Được biết, VIB mới được cấp mã chứng khoán ngày 12/12/2016 và bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCOM ngày 9/1/2017. Việc VIB có đầy đủ các điều kiện lên sàn chứng khoán HOSE hay HNX nhưng lại lựa chọn giao dịch tại UPCOM cũng gây tranh cãi không nhỏ trong giới phân tích chứng khoán.

Một phía ủng hộ bước đi thận trọng của VIB, tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng VIB còn né tránh các yêu cầu minh bạch thông tin của một công ty niêm yết. Bên cạnh đó, room khối ngoại cũng được VIB bảo trì ở mức khiêm tốn 20,5%. Nếu trừ đi phần CBA nắm giữ thì thực chất room khối ngoại có khả năng giao dịch chỉ còn 0,5%.

Cũng có nghĩa là một nhà đầu tư chiến lược vẫn còn đang giấu mặt. Và có thể mức độ kiểm soát của CBA đối với VIB còn vượt trên tỷ lệ cổ phần CBA đang nắm giữ rất nhiều.

Liệu quyết định chuyển nhượng mảng bán lẻ của CBA cho VIB thời điểm này có phải là rút khỏi thị trường tài chính Việt Nam hay chỉ là bước đệm để ngân hàng này trở lại thị trường Việt Nam trong tương lai không xa dưới danh nghĩa của một ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết hay không? Nghi vấn này vẫn cần thời gian kiểm chứng.

Nguyên Hương

Xem thêm: