Cứ mỗi tháng hơn 90 nghìn lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp
- Nguyễn Quân
- •
Trong 9 tháng năm 2023, số lao động nộp hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp và số hồ sơ được chấp nhận đều tăng cao, lần lượt hơn 10% và 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động có việc làm quý 3/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, song tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra.
Thống kê của Bộ cũng cho thấy trong 9 tháng năm 2023, cả nước có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 772.000 người, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng sản xuất kinh doanh 9 tháng qua vẫn còn ảnh hưởng hậu COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), nhiều doanh nghiệp giải thể, thiếu đơn hàng, tạm dừng hoạt động, thậm chí giải thể.
Khu vực chịu ảnh hưởng mạnh là khối doanh nghiệp thâm dụng lao động trong các khu vực dệt may, da giày, đồ gỗ…, đã khiến số lao động bị giảm việc làm, mất việc gia tăng. Mất việc, không có thu nhập kéo theo số lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng.
Một lý do khác ông Thanh đưa ra là số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng do chính sách mở rộng đối tượng kéo theo số người nhận khoản bảo hiểm này cũng tăng lên. Tính đến hết tháng 9, cả nước có khoảng 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ước tính cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%.
Ngoài ra, theo ông Thanh giải thích, có nhiều lao động bị mất việc từ trước Tết, sau Tết vẫn là thời điểm trong thời hạn 3 tháng để giải quyết nhận trợ cấp thất nghiệp, nên kéo theo số người hưởng khoản trợ cấp này tăng.
Tuy nhiên, số liệu của Bộ LĐ-TB&XH thể hiện số người lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp và số lao động được nhận trợ cấp tập trung lớn trong quý 2. Tương quan trên trùng với thời điểm số lao động bị mất việc nhiều nhất trong 3 quý (quý 1/2023 có 149.000 lao động mất việc, quý 2/2023 là 217.800 người, quý 3/2023 là 118.400 người).
(*) Số liệu quý 1 và 2 là con số chính xác, căn cứ theo Bản tin quý của Bộ LĐ-TB&XH; số liệu của quý 3/2023 là tương đối, do lấy tổng của 3 quý (tương đối) trừ đi con số chính xác.
Số lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp trong quý 2/2023 – quý có số lao động nộp hồ sơ và nhận trợ cấp thất nghiệp lớn nhất kể từ đầu năm – phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ. Số lao động này chiếm 68,9% (cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với tỷ lệ của quý 1 là 67%).
Đáng lưu ý, đứng thứ hai là nhóm người hưởng có trình độ đại học trở lên (13,1%), sau đó lần lượt là nhóm sơ cấp (6,8%); cao đẳng (5,8%) và trung cấp (5,4%).
Cũng trong quý này, công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 45,9%. Cao thứ hai là nhóm hoạt động dịch vụ khác (30,9%). Tiếp đến là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (4,4%); xây dựng (2,7%); nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (2,6%).
Trong khi đó, 5 nhóm nghề có người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất gồm: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan (28,2%); thợ lắp ráp (7,8%); nhân viên bán hàng (2,7%); kỹ thuật viên điện tử (2,5%); kế toán (2,4%).
Từ khóa Dòng sự kiện lao động mất việc trợ cấp thất nghiệp