Đại lý bán lẻ xăng dầu “đuối sức” kêu lỗ, Bộ Công thương tiếp tục kiểm tra
- Thiên Tùng
- •
Bộ Công thương Việt Nam chỉ thị lập 3 đoàn làm việc nhằm kiểm tra tình hình cung ứng xăng dầu, trước tình trạng nhiều nơi tiếp tục diễn ra việc cây xăng đóng cửa nghỉ bán… Chủ cửa hàng bán lẻ than càng bán, càng lỗ vì chiết khấu thấp từ doanh nghiệp đầu mối cung ứng.
Theo đó, ngày 30/8, Bộ trưởng Công thương – Nguyễn Hồng Diên quyết định thành lập 3 đoàn làm việc kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc trong dịp 2/9 sắp tới.
Thành phần bao gồm: mỗi đoàn 1 Thứ trưởng làm trưởng đoàn và đại diện của 4 đơn vị: Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ và Vụ Pháp chế.
Đoàn này tập trung kiểm tra tình hình các cơ sở kinh doanh xăng dầu như: thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… nhưng chỉ kiểm tra, giám sát những nơi thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu “găm hàng”.
Ông Diên cho biết trong quá trình kiểm tra, các đoàn làm việc “không được gây khó dễ cho các doanh nghiệp”, nhất là các doanh nghiệp hoạt động bình thường, chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng.
Nhân viên nào thuộc đoàn làm việc vào kiểm tra, giám sát có hành vi nhũng nhiễu, làm khó cho doanh nghiệp thì sẽ bị xử lý, Bộ Công thương khẳng định.
Nhiều cây xăng lại treo biển hết hàng, nghỉ bán
Một số cây xăng ở An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai… lại xảy ra tình trạng đóng cửa vì cho rằng nguồn cung nhỏ giọt, càng bán càng lỗ. Có 6 cây xăng ở huyện Tịnh Biên, An Giang treo biển hết hàng từ hôm qua (30/8). Chuỗi này thuộc 24 cửa hàng ở miền Tây do Công ty cổ phần dầu khí Đại Đông Dương phân phối nhiên liệu (mỗi tháng cung ứng một triệu lít), báo Vnexpress đưa tin.
Theo đại diện (không nêu danh tính) của Đại Đông Dương, nguồn cung khan hiếm một phần do 7 đầu mối xăng dầu vừa bị Bộ Công thương tước giấy phép nhập khẩu từ đầu tháng 7. Mặt khác, các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng cho hệ thống, đại lý của họ vì nắm bắt giá thị trường đang có hướng tăng.
Vị này cho biết thêm ngoài việc khan hàng, các thương nhân phân phối như Đại Đông Dương còn đang gồng lỗ, trung bình mỗi lít lỗ hơn 1.500 đồng đến 2.000 đồng. “Càng bán càng lỗ làm sao chúng tôi duy trì nổi”, ông nói.
Ông Huỳnh Văn Thạnh, chủ cây xăng Thạnh Lợi (huyện Chợ Mới), cho biết cửa hàng cũng hết dầu từ 2 hôm trước nhưng khi đặt hàng, đại lý thông báo phải đến ngày 6/9 mới cấp lại. Riêng mặt hàng xăng, cửa hàng phải mua theo “tiến độ” dẫn đến mua không đủ bán.
Ông Thạnh cho biết hiện mức chiết khấu mỗi lít xăng là 210 đồng, mua được nhiều nhất 3.000 lít một lần tức chỉ lãi 630.000 đồng trong khi chi phí thuê xe bồn là 900.000 đồng, tức chưa bán đã lỗ 270.000 đồng.
“Nếu tính thêm chi phí điện, nhân viên, mỗi ngày cây xăng lỗ 1,5 đến 2 triệu đồng. Lỗ từ Tết đến giờ nên các cửa hàng chịu không nỗi”, ông Thạnh nói – báo Vnexpress dẫn lời.
Theo số liệu của Cục quản lý thị trường An Giang, tính đến hôm 30/8, có 19 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, 36 cửa hàng hết hàng chiếm gần 10% đơn vị kinh doanh toàn tỉnh. Báo cáo cũng nêu khi kiểm tra thực tế có ghi nhận việc các cửa hàng hết nhiên liệu do khó mua hàng từ thương nhân phân phối.
Tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết tuần trước có khoảng 10 cửa hàng xăng dầu xin tạm đóng cửa vì lý do cá nhân, song không loại trừ việc họ muốn ngưng bán để cắt lỗ.
Theo báo Đồng Nai, vào sáng ngày 30/8, tại nhiều tuyến đường ở thành phố Biên Hòa có một số cửa hàng xăng dầu đã treo bảng “chờ nhập xăng”, tạm ngưng phục vụ, có trường hợp treo bảng thông báo tạm ngưng kinh doanh “để sửa chữa”.
Từ khóa bộ công thương Xăng dầu Dòng sự kiện cây xăng đóng cửa đại lý xăng dầu