Doanh nghiệp kêu cứu khi ván bóc “rộng cửa” chảy sang Trung Quốc
- Sơn Nguyên
- •
3 tháng đầu năm 2021, riêng thị trường Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 32,61 triệu USD, chiếm khoảng 90% tổng giá trị xuất khẩu ván bóc của Việt Nam trong quý, vốn tăng tới 197% so với cùng kỳ năm 2020.
Chi hội Gỗ dán vừa gửi văn bản đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính có giải pháp kiểm soát thị trường xuất khẩu ván bóc trước những lo ngại nguồn cung trong nước khan hiếm, giá ván bóc làm nguyên liệu tăng, doanh nghiệp xuất khẩu trốn thuế…, truyền thông trong nước đưa tin.
Theo số liệu do Chi hội Gỗ dán phản ánh cung cấp, trong quý 1/2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng ván bóc đạt trên 36,11 triệu USD, tăng tới 197% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc nhập khẩu hơn 32,61 triệu USD, chiếm khoảng 90% tổng giá trị xuất khẩu.
Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng ván bóc tăng mạnh từ mức trung bình 5,5 triệu USD/tháng hồi đầu năm 2020 lên trên 13 triệu USD/tháng trong khoảng từ tháng 11/2020 đến hết tháng 3/2021.
Chi hội Gỗ dán cho biết xuất khẩu tăng làm tăng giá vào vì đây là nguyên liệu chính để sản xuất ván ép cho xuất khẩu. Theo phản ánh từ các hội viên, giá mua ván độn AB tại các vùng nguyên liệu chính như: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang,… đang dao động từ 3,2 – 3,75 triệu đồng/m3, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ván AB cao su trong khu vực Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai,.. được thu mua với giá 4,6 – 4,8 triệu đồng/m3.
Tình trạng trên không mới khi 5 năm trước, lượng ván bóc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng đột biến: trong 9 tháng năm 2016, lượng ván bóc xuất khẩu đạt 240.000m3, tăng gấp 2,4 lần lượng xuất khẩu trong cả năm 2015; đó là chưa kể ván ghép, gỗ dùng trong xây dựng tăng lên tới 67.000m3, gấp 6 lần sản lượng xuất khẩu của cả năm 2015 (11.000 m3). Tại thời điểm này, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend (Hoa Kỳ) tại Việt Nam cho rằng chính sách đóng cửa rừng tự nhiên ở Trung Quốc vào năm 2017 là một trong những nguyên nhân, theo TTXVN.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn tin rằng nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã thành lập nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ tại Việt Nam, nằm ở hầu hết các vùng có nguyên liệu gỗ cao su, keo, tràm, đặc biệt là Tây Nguyên. Có đến 90% lượng nguyên liệu gỗ tại Tây Nguyên đã được bán cho các doanh nghiệp Trung Quốc đó và họ trả tiền trực tiếp.
Hiện Chi hội Gỗ dán đề nghị hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng với giá FOB tối thiểu là 160 USD/m3; đối với ván bóc sản xuất từ cao su giá FOB tối thiểu là 200 USD/m3. Đề xuất tăng thuế xuất khẩu mặt hàng ván bóc (mã HS 4408) lên 25% tương đương sản phẩm gỗ xẻ thanh (mã HS 4407) hiện tại mức thuế xuất khẩu 25%.
Ngoài ra, cũng theo chi hội này, một số hội viên nghi ngại một số doanh nghiệp xuất khẩu ván bóc khai báo hải quan giá trị ván bóc thấp hơn giá trị thực tế của sản phẩm để giảm nộp thuế xuất khẩu. Hiện, mặt hàng này có thuế xuất khẩu 10%.
Thực tế các doanh nghiệp đang xuất khẩu ván bóc phần lớn là công ty thương mại nhưng trong hồ sơ xuất khẩu lại khai báo là doanh nghiệp sơ chế Veneer mua gỗ tròn trực tiếp từ nông dân để lẩn tránh việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, chi hội kiến nghị cơ quan quản lý kiểm soát hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu để bảo vệ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, giúp phát triển ngành gỗ dán.
Hồi đáp kiến nghị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết sẽ chuyển tiếp các ý kiến trên lên Bộ Tài chính.
Sơn Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa xuất khẩu sang Trung Quốc ván bóc gỗ nguyên liệu