EVN vẫn giữ 100% vốn tại 6 tổng công ty điện lực và truyền tải điện quốc gia
- Vĩnh Long
- •
EVN sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; Tổng Công ty Điện lực miền Trung; Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Tổng Công ty Điện lực TP.HCM; ngoài ra còn thêm một trung tâm điều độ hệ thống điện sẽ chuyển thành công ty vào năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017-2020” với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng.
Theo đề án, ngành, nghề kinh doanh chính của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng. Ngoài ra, EVN chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia, thực hiện xuất nhập khẩu điện năng, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.
Trong giai đoạn 2017-2020, Công ty mẹ – EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ tại:
- Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia;
- Tổng công ty Điện lực miền Bắc;
- Tổng công ty Điện lực miền Trung;
- Tổng công ty Điện lực miền Nam;
- Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội;
- Tổng công ty Điện lực TP.HCM;
- Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (chuyển thành công ty TNHH MTV trong giai đoạn 2019 – 2020 theo Quyết định số 168/QĐ-TTg).
EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đối với Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2.
Thực hiện cổ phần hóa đối với các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3, nhưng EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ các tổng công ty Phát điện đến hết năm 2019; năm 2020 tiếp tục xem xét thoái phần vốn nhà nước còn nắm giữ xuống dưới mức chi phối.
Đối với Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3, EVN sẽ thoái vốn sau khi hoàn thành dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.
EVN sẽ thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp sau: Công ty Tài chính cổ phần Điện lực; Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh – Công ty cổ phần; Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4.
Tính đến hết năm 2016, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 41.424 MW. Trong đó, EVN và các tổng công ty phát điện trực thuộc sở hữu 63,16% (26.164 MW), các nguồn ngoài EVN sở hữu 36,84% (15.260 MW). Ngoài việc sở hữu phần lớn công suất các nguồn điện, nắm giữ toàn bộ khâu truyền tải, phân phối và kinh doanh bán lẻ điện, EVN còn giữ vai trò là đơn vị mua điện duy nhất trên toàn quốc (“thị trường một – người – mua” (single buyer market). Mặc dù EVN không có toàn quyền quyết định giá mua điện từ nhà sản xuất, và giá bán điện đến người tiêu dùng – EVN phải xin ý kiến của Chính phủ, việc này vẫn gây sự kém cạnh tranh về phía bên bán trong khi việc kinh doanh điện mang tính độc quyền. |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa Độc quyền EVN giá điện