Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến ​​trong quý 4/2023 nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, phá vỡ những dự đoán khủng khiếp về suy thoái kinh tế vào năm 2023 sau khi Cục Dự trữ Liên bang tăng mạnh lãi suất, với mức tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 2,5%.

GettyImages 1143921532
Lạm phát đã chậm lại và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, khiến các nhà kinh tế lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ. (Ảnh: MARK RALSTON/AFP/Getty)

Về ước tính về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4, hôm Thứ Năm (25/1), Cơ quan Phân tích Kinh tế Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, GDP trong quý 4 tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,3%.

Con số này giảm so với mức tăng trưởng kinh tế quý 3 là 4,9%, nhưng cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò là 2,0%. Ước tính dao động từ 0,8% – 2,8%. Điều này cho thấy, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến khi Mỹ dễ dàng vượt qua một cuộc suy thoái mà nhiều người cho rằng là không thể tránh khỏi.

Tốc độ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 2,8% trong quý 4 năm ngoái, chỉ giảm nhẹ so với quý trước đó.

Chi tiêu của chính quyền các bang và địa phương cũng đóng góp phần lớn khi chứng kiến mức tăng 3,7%, bên cạnh mức tăng 2,5% trong chi tiêu của chính phủ liên bang. Tổng đầu tư của khu vực tư nhân tăng 2,1% và là một yếu tố quan trọng khác đóng góp vào quý 4 tăng trưởng mạnh mẽ.

Nền kinh tế đang mở rộng nhanh hơn mức mà các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) coi là tốc độ tăng trưởng phi lạm phát, khoảng 1,8%.

Tăng trưởng năm 2023 đã tăng tốc 1,9% so với năm 2022. Sự phát triển kinh tế đã khiến các nhà lãnh đạo ngành và một số nhà kinh tế từng hô hào về suy thoái từ giữa năm 2022 phải kinh ngạc.

Một phần của sự năng động kinh tế phản ánh khả năng phục hồi của thị trường lao động, được đánh dấu bằng tỷ lệ sa thải thấp và tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng.

Trong một báo cáo riêng hôm thứ Năm (25/1), Bộ Lao động cho biết, ban đầu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 20/1 của tiểu bang đã tăng thêm 25.000 đơn, lên mức 214.000 đơn được điều chỉnh theo mùa. Các nhà kinh tế đã dự kiến ​​​​sẽ có 200.000 đơn đăng ký trong tuần gần nhất.

Chi tiêu chính phủ tăng và lãi suất gần bằng 0 trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã cho phép một số doanh nghiệp và hộ gia đình duy trì mức lãi suất thấp, điều này cũng giúp ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Dự báo bi quan của các nhà kinh tế phần lớn dựa trên việc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ tăng lãi suất nhanh chóng để hạn chế nhu cầu. Hầu hết các nhà kinh tế đã rút lại lời cảnh báo suy thoái, và hiện đang dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm nay.

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) dự kiến ​​sẽ duy trì lãi suất chính sách hiện tại từ 5,25% đến 5,50% tại cuộc họp vào tuần tới.

Ngân hàng trung ương được cho là sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay, vì báo cáo GDP cũng cho thấy áp lực lạm phát đã suy yếu trong quý trước.

Kể từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất qua đêm chuẩn (mức lãi suất mà các tổ chức tín dụng sẵn sàng trả cho các khoản vay ngắn hạn trong thời gian từ ngày hôm nay đến ngày mai) lên 525 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại rằng nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức hơn ở phía trước, như việc người tiêu dùng có thể tiếp tục chi tiêu trong bao lâu khi tiền tiết kiệm giảm dần và gánh nặng nợ lãi cao chồng chất.

Chi tiêu thâm hụt của chính phủ cũng góp phần đáng kể vào tăng trưởng, với tổng số nợ liên bang ở mức 34 nghìn tỷ USD và còn tăng thêm. Thâm hụt ngân sách đã lên tới hơn 500 tỷ đô la trong 3 tháng đầu năm tài chính 2024.

Ngoài ra còn có những lo ngại khi chính trị khi Mỹ bước vào trung tâm của chiến dịch bầu cử tổng thống, cùng những lo ngại về địa chính trị với bạo lực ở Trung Đông và cuộc xung đột Ukraine.

Bình Minh (t/h)