Làn sóng doanh nhân Đài Loan chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á
- Tư Vân
- •
Bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đã nổi lên làn sóng rút khỏi Trung Quốc. Có phân tích, Đài Loan được kỳ vọng sẽ trỗi dậy trong nền kinh tế toàn cầu khi các doanh nhân Đài Loan rời Trung Quốc và chuyển hướng tập trung vào Đông Nam Á.
Những nơi ảnh hưởng nặng nhất Trung Quốc
Tờ SCMP đưa tin, Côn Sơn – nơi tập trung các doanh nhân Đài Loan cách Thượng Hải khoảng một giờ lái xe là huyện có nền kinh tế mạnh nhất Trung Quốc. Xưởng đúc Foxconn nổi tiếng của Apple đã xây dựng cơ sở ở phía bắc Côn Sơn được 30 năm, nhưng từ đầu năm nay xuất hiện tin đồn Foxconn và các doanh nhân Đài Loan khác đã chuyển đến Việt Nam.
Hơn 17 năm qua, Côn Sơn phát triển rực rỡ nhờ làn sóng vốn Đài Loan đổ vào. Theo Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc, vốn đầu tư và doanh nhân Đài Loan đóng góp tổng cộng 30% GDP, 50% sản xuất công nghiệp, 60% đầu tư nước ngoài và 70% xuất nhập khẩu của Côn Sơn. Tính đến năm 2020 Đài Loan có hơn 5.300 công ty và khoảng 100.000 người định cư tại Côn Sơn. Như vậy, Côn Sơn sẽ có diện mạo ra sao nếu doanh nhân Đài Loan đều rút lui?
Một nơi khác là Tô Châu (thành phố cấp trên của Côn Sơn). Vào tháng 5 năm nay, truyền thông Đài Loan đưa tin 1/3 doanh nhân Đài Loan đã rời Tô Châu, trong khi 2/3 còn lại cũng đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Về vấn đề trên, người phát ngôn Ma Xiaoguang của Văn phòng Vấn đề Đài Loan của Trung Quốc bác bỏ rằng tin này là sai sự thật.
Tuy nhiên một doanh nhân Đài Loan rời Côn Sơn hồi đầu năm cho biết, một số nhà máy vẫn ở đó nhưng các ông chủ đã rời đi. Từ đầu năm nay khi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát biên giới, cho dù vẫn có những người trẻ Đài Loan chuyển đến Trung Quốc làm việc, nhưng điều đó dường như không đủ để bù đắp cho làn sóng di cư.
Trước đây Trung Quốc thường được coi là “công xưởng thế giới”, nhưng kể từ năm 2018 khi Tổng thống Mỹ thời ông Trump bắt đầu thúc đẩy các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, ngày càng nhiều khách hàng nước ngoài gây áp lực buộc các nhà sản xuất Đài Loan phải chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác tiêu biểu như Việt Nam. Sau khi dịch bệnh COVID-19 dịu bớt, “phi Trung Quốc” một lần nữa trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, theo đó xu thế doanh giới nước ngoài rời Trung Quốc được đẩy nhanh trên quy mô lớn hơn. Vì căng thẳng giữa Mỹ – Trung Quốc và vấn đề eo biển Đài Loan không ngừng leo thang, các đối tác trên khắp thế giới của các nhà xuất khẩu Đài Loan đã đòi hỏi thiết lập chuỗi cung ứng thay thế bên ngoài Trung Quốc.
Chuyên gia: Đài Loan sẵn sàng vươn lên trong nền kinh tế toàn cầu
Tờ Epoch Times dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Henry Wu (Đài Loan) cho biết, gần đây có rất nhiều thông tin và dữ liệu cho thấy các doanh nhân Đài Loan đang gặp khó khăn ở Trung Quốc, ngày càng nhiều doanh nhân Đài Loan bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc và đã hình thành một làn sóng lớn.
Ông Henry Wu phân tích rằng có 3 lý do quan trọng khiến doanh nhân Đài Loan rời bỏ Trung Quốc:
- Đầu tiên tất nhiên là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, do Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, vì vậy khách hàng Mỹ yêu cầu các công ty Đài Loan phải vận chuyển từ các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
- Thứ hai là chi phí lao động của Trung Quốc ngày càng tăng, yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, nhiều chính sách ưu đãi không còn, thêm vào là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cùng thực trạng môi trường kinh doanh của Trung Quốc dần xấu đi. Ngoài ra, kinh doanh ở Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác: quyền sở hữu trí tuệ bị đánh cắp, bị nhái thương hiệu, nhân viên bị khai thác, bị buộc phải chuyển giao bí mật công nghệ quan trọng, rủi ro về an toàn cá nhân theo luật chống gián điệp…
- Thứ ba là kinh tế vĩ mô Trung Quốc đang xấu đi và môi trường kinh doanh không còn hấp dẫn. Khi thị trường nhu cầu nội địa của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng giảm phát, các đơn đặt hàng xuất khẩu và sản xuất sụt giảm mạnh ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, tiêu dùng, thuế và thu nhập doanh nghiệp, đồng thời tác động sâu hơn đến thị trường bất động sản.
Ông Henry Wu cho rằng hiện nay, các doanh nhân Đài Loan đã đến mức không thể tồn tại nếu không rời Trung Quốc. Môi trường chung hiện nay là toàn cầu hóa đã bước vào giai đoạn 2.0, cần tổ chức lại chuỗi cung ứng. Dù bề ngoài Mỹ nói không muốn tách rời mà chủ yếu nhằm hạn chế rủi ro, nhưng trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm và công nghệ mới, vì có khả năng những công nghệ đó sẽ chuyển hướng sử dụng trong quân sự nên phải ngăn chặn. Về tài sản sinh học dân sự nói chung, Mỹ phải rút lui để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, như vậy đã kết thúc thời đại doanh nhân Đài Loan dùng Trung Quốc làm nơi chính đặt cơ sở sản xuất.
Ông Henry Wu phân tích, việc tái phân bổ toàn cầu của doanh nhân Đài Loan tương đương với việc mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế của Đài Loan ra thế giới bên ngoài, qua đó giúp lãnh thổ kinh tế của Đài Loan vượt qua lãnh thổ chính trị. Đầu tư ra nước ngoài của doanh nhân Đài Loan không còn tập trung ở Trung Quốc, cũng không chỉ ở Đông Nam Á, trong tương lai còn tập trung ở châu Mỹ và châu Âu. Ông cho rằng Đài Loan sẽ vươn lên trong nền kinh tế toàn cầu nếu xu hướng này tiếp tục phát triển mạnh.
Bùng nổ đầu tư mới hướng nam mang lại 3 hiệu quả
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, vào ngày 5/9 Bộ trưởng Bộ Tài chính Chuang Tsui-yun và Thứ trưởng Chính trị của Bộ Kinh tế là Zheng QI Chan đã tham dự diễn đàn về vấn đề đẩy mạnh chuỗi cung ứng hướng nam của Đài Loan. Họ cho hay những vấn đề như dịch bệnh COVID-19 và địa chính trị khiến những năm gần đây nhiều doanh nhân Đài Loan đã tăng tốc triển khai tại các nước mới hướng về phía nam. Để giúp xây dựng chuỗi cung ứng phân tán rủi ro và có khả năng phục hồi công nghiệp cao, Bộ Tài chính Đài Loan cung cấp hai khoản hỗ trợ chính là thuế và tài chính.
Về thuế, bà Chuang Tsui-yun cho biết Đài Loan đã ký thỏa thuận thuế với 8 nước mới hướng về phía nam, bao gồm Indonesia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, New Zealand và Úc. Thông qua cơ chế thỏa thuận về thuế giúp giải quyết các tranh chấp cũng như giảm chi phí hoạt động kinh doanh, trong tương lai sẽ tích cực ký kết hiệp định thuế với nhiều nước hơn.
Về nguồn lực tài chính, thông qua cơ chế bảo hộ của ngân hàng xuất khẩu và cơ chế cho vay của ngân hàng đại chúng, ngân hàng xuất khẩu cung cấp cho doanh nhân Đài Loan tài trợ đầu tư ra nước ngoài và bảo hiểm xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro thương mại; ngân hàng đại chúng đã thiết lập tổng cộng 78 cơ sở dịch vụ ở các nước mới hướng về phía nam.
Bà Chuang Tsui-yun cho biết, những năm qua Đài Loan đã tích cực thúc đẩy chính sách hướng nam mới, năm 2022 kim ngạch thương mại của Đài Loan với các nước hướng nam mới đạt 180,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục mới trong lịch sử Đài Loan khi đạt 96,9 tỷ USD. Bà hy vọng rằng các doanh nghiệp Đài Loan ở nước ngoài và ngành tài chính Đài Loan có thể giống như “cá giúp nước, nước giúp cá”, củng cố thương hiệu của Đài Loan và để đôi bên cùng có lợi.
Còn ông Zheng QI Chan thì cho hay, bây giờ nhìn lại thấy chính sách hướng nam mới của Đài Loan mang tính hướng tới tương lai. Với những tác động của địa chính trị và tái cơ cấu chuỗi cung ứng, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang tích cực triển khai ở Đông Nam Á. Đầu tư của các doanh nhân Đài Loan vào Đông Nam Á đã cho thấy sự tăng trưởng bùng nổ và thu được 3 hiệu quả lớn.
- Thứ nhất, hình thành các cụm công nghiệp. Bảng mạch in (PCB) của Thái Lan, ngành công nghiệp điện tử miền Bắc Việt Nam, các nhà máy đóng gói và thử nghiệm của Malaysia, hay như đầu tư năng lượng mới của Indonesia đều là các cụm công nghiệp địa phương do các doanh nhân Đài Loan tại đó gây dựng. Hàng năm Bộ Kinh tế Đài Loan tổ chức diễn đàn cấp cao công nghiệp với 6 nước ASEAN, qua đó thảo luận với nhau về các chính sách công nghiệp và hỗ trợ các doanh nhân Đài Loan bố trí và nâng cấp công nghệ.
- Thứ hai, thúc đẩy thương mại. Ông Zheng QI Chan cho biết, năm 2016 kim ngạch thương mại của Đài Loan với các nước mới hướng về phía nam chưa đến 100 tỷ USD, nhưng năm 2017 đã vượt mốc 100 tỷ USD, còn số đầu tư vào năm 2022 vượt 180 tỷ USD.
- Thứ ba, làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế và thương mại. Bằng cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương giúp các doanh nhân Đài Loan xóa bỏ những trở ngại đầu tư, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh công nghiệp.
Theo quan chức Đài Loan này, đi cùng xu hướng doanh giới toàn cầu đẩy mạnh giảm rủi ro thì Đông Nam Á đã trở thành ưu tiên trong xu hướng bố trí quốc tế của doanh giới Đài Loan. Doanh nhân Đài Loan được hưởng lợi thế là sớm triển khai và hình thành mạng lưới để có nền tảng cuộc sống chặt chẽ tại địa phương. Ngoài ra, Đài Loan cũng có thể lan tỏa những thành tựu công nghiệp của mình sang các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như chip, hệ thống làm mát và máy chủ trong ngành AI đều được phát triển, kiểm định và sản xuất tại Đài Loan. Với cách bố trí của các doanh nhân Đài Loan, họ cũng có thể cùng phát triển với các nước Đông Nam Á, tham gia chuỗi cung ứng quốc tế và tăng cường khả năng phục hồi công nghiệp.
Từ khóa Đài Loan chuỗi cung ứng từ Trung Quốc Kinh tế Đài Loan