Lỗ hơn 466 tỷ đồng trong quý 1, Tập đoàn FLC đối diện nhiều khó khăn
- Đức Minh
- •
Trong quý 1/2022, Tập đoàn FLC báo cáo lỗ ròng hơn 466 tỷ đồng do thu hẹp hoạt động kinh doanh, chi phí tài chính tăng vọt và gánh lỗ từ hãng hàng không Bamboo Airways.
Mới đây, Tập đoàn FLC công bố báo cáo tài chính quý 1 năm nay với kết quả kinh doanh ghi nhận doanh thu là 1.085 tỷ đồng, giảm hơn 58% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Tập đoàn này lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 108 tỷ.
Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng gấp 3 lần cùng kỳ lên hơn 161 tỷ đồng (quý 1 năm 2021 là 56,7 tỷ đồng), chủ yếu là do tăng chi phí lãi vay và dự phòng các khoản đầu tư.
Ngoài ra, Tập đoàn FLC còn chịu lỗ 265 tỷ đồng vì khoản đầu tư trong các công ty liên doanh – liên kết. Tính đến thời điểm ngày 31/3/2022, FLC đang lỗ hơn 651 tỷ đồng từ mảng hàng không (hiện Tập đoàn FLC nắm 21,7% vốn tại hàng không Bamboo Airways).
Như vậy, kết quả kinh doanh của Tập đoàn FLC ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 466 tỷ đồng trong quý 1/2022, trong khi quý 1 cùng kỳ lãi 43 tỷ đồng.
Giải trình trong báo cáo tài chính, Tập đoàn FLC chỉ ra một số nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ như: thu hẹp hoạt động kinh doanh thương mại; doanh thu bất động sản giảm; kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng sụt giảm do dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) và chi phí tài chính tăng vọt so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu tài chính của Tập đoàn này tại thời điểm 31/3/2022, vay ngắn hạn tổng cộng hơn 1.511 tỷ đồng, vay dài hạn là gần 3.080 tỷ đồng.
Cụ thể, vay ngắn hạn của ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Phương Đông (OCB) là 713,3 tỷ đồng; ngân hàng TMCP Quốc Dân là 581 tỷ đồng; ngân hàng Agribank gần 80 tỷ đồng và các tổ chức tín dụng khác là 137 tỷ đồng. Đối với trái phiếu ngắn hạn, Tập đoàn này ghi nhận khoản nợ gần 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC vay dài hạn của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 1.237 tỷ đồng; ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) là 1.776 tỷ đồng. Trái phiếu dài hạn mà doanh nghiệp này phát hành là 1.023 tỷ đồng.
Trước đó, ngân hàng Sacombank và OCB lần lượt muốn thương lượng với Tập đoàn FLC để thu nợ trước hạn.
Tại Đại hội cổ đông của ngân hàng OCB hôm 23/4, báo cáo cho biết tổng dư nợ của các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC là 2.800 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng Tập đoàn FLC vay; Bamboo Airways vay là 1.000 tỷ đồng và các công ty con của tập đoàn vay 300 tỷ đồng.
Ngân hàng OCB cho biết số hàng hóa FLC đã bán và khách hàng đang chuẩn bị chuyển tiền về khoảng 2.400 tỷ đồng, do đó bảo đảm đủ khả năng trả nợ.
Với khoản 1.000 tỷ ngân hàng OCB cho Bamboo Airways vay, thế chấp bằng bất động sản, nếu doanh nghiệp này duy trì hoạt động tốt, ngân hàng OCB tuy không cấp thêm vốn nhưng vẫn duy trì dư nợ như hiện tại.
Về phía ngân hàng Sacombank, cũng tại Đại hội cổ đông thường niên được tổ chức hôm 22/4, lãnh đạo ngân hàng này cho biết tổng dư nợ của hệ sinh thái Tập đoàn FLC hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó có Bamboo Airways), lãnh đạo Sacombank cho biết Tập đoàn FLC “đang trả tiến độ rất tốt” và một tháng nữa sẽ hết nợ.
Từ khóa FLC Dòng sự kiện Tập đoàn FLC báo cáo quý 1/2022 FLC