Mải mê xuất khẩu, dệt may Việt Nam bỏ lỡ miếng bánh 4,5 tỷ USD thị trường trong nước
- Chân Hồ
- •
Năm 2017 đánh dấu nhiều thương hiệu thời trang quốc tế xâm nhập vào Việt Nam. Trong đó phải kể đến sự khai trương rầm rộ của hãng thời trang quốc tế H&M vào đầu tháng 9 vừa qua. Trước đó, Old Navy đã đặt cửa hàng đầu tiên vào tháng 6. Điều gì đã khiến các thương hiệu thời trang quốc tế tấp nập hội tụ vào Việt Nam, một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người không quá cao để chi tiêu các mặt hàng xa xỉ.
Thị trường Việt hiện đang có sự góp mặt của khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% thị phần với đủ các phân khúc từ cao cấp đến bình dân.
Với kết cấu dân số trẻ, ưa thích thời trang, tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong những năm qua và sự giàu lên nhanh chóng của một bộ phận dân số, trong khi ngành dệt may trong nước chỉ chú trọng chủ yếu vào xuất khẩu đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất “màu mỡ” bị bỏ quên được các thương hiệu nước ngoài thèm muốn.
Người Việt đam mê thời trang và làm đẹp
Một trong những lý do hãng thời trang nổi tiếng H&M quyết định đầu tư vào Việt Nam là giới trẻ Việt Nam rất quan tâm và yêu thích thời trang.
Ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á bộc bạch, “họ đi dự một bữa tiệc với gu ăn mặc sành điệu, quan tâm tạo cho mình những cá tính ăn mặc riêng biệt.”
Trong ngày đầu khai trương, với dòng người xếp dài tấp nập, chen chúc nhau trước giờ mở bán, với hơn 12.000 người chực chờ từ sáng sớm, ông Fredrik Famm đã không khỏi bất ngờ, “Tôi không thể nghĩ người Việt yêu thích thời trang đến vậy.”
Cũng đúng thời điểm này vào năm ngoái, một hãng thời trang tên tuổi khác là Zara đã lần đầu tiên ra mắt thị trường Việt Nam với cảnh chen chúc tương tự. Hãng này công bố doanh thu trong ngày đầu mở bán hơn 5,5 tỷ đồng, mức doanh thu cao nhất từ trước đến giờ của một cửa hàng Zara khiến hãng này vô cùng sững sốt trước mức độ đam mê thời trang của người Việt.
Có lý do để Zara phải bất ngờ, bởi dựa trên các thông tin nghiên cứu thị trường, mặc dù Việt Nam là nước có mức thu nhập xếp vào loại thấp trên thế giới, giới trẻ của đất nước này lại rất đam mê thời trang và hàng hiệu là ưu tiên hàng đầu của các tầng lớp mới giàu lên và có địa vị xã hội.
Mặc dù GDP chỉ xếp thứ 42, mức độ mê hàng hiệu của người Việt lại đứng top 3 thế giới
Theo khảo sát của công ty AZ, bình quân hàng tháng, người tiêu dùng Việt chi 1 triệu đồng cho việc mua sắm quần áo. Những sản phẩm với mức giá 100 – 300.000 đồng được chọn nhiều nhất.
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen gần đây cho biết, có đến 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng chi tiêu cho hàng hiệu. Đây là tỷ lệ cao thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Còn theo báo cáo về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng được công bố vào ngày 23/8/2017, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản mục lớn. Cụ thể, sau khi chi trả cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, có khoảng 33% người Việt sẵn sàng chi tiền cho du lịch (38%), mua sắm quần áo mới (36%), các sản phẩm công nghệ mới (31%), sữa chữa nhà (30%), và các dịch vụ giải trí khác (29%).
Doanh nghiệp Dệt may trong nước bỏ quên thị trường nội địa
Với dân số hơn 90 triệu người và kết cấu dân số trẻ, thị trường thời trang Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 15-20%/năm, với 4,5 tỷ USD doanh thu hàng năm.
Trong khi đó, quy mô ngành dệt may Việt Nam là không hề nhỏ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2016 của các doanh nghiệp nội đạt hơn 23 tỷ USD, một con số khá lớn khi so sánh với 4,5 tỷ USD nhu cầu trong nước. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp mải mê với việc gia công, xuất khẩu và bỏ quên thị trường nội địa vốn đầy tiềm năng và đang tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, lực cạnh tranh của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam tại ngay thị trường nội địa vẫn còn yếu. Các khâu từ thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối đều tỏ ra lép vế so với các thương hiệu nước ngoài.
NinoMax và Blue Exchange là hai thương hiệu nội địa khá quen thuộc với nhiều người Việt trước đây. Blue tập trung vào nhóm sản phẩm bình dân, trong khi NinoMax định vị tại một phân khúc cao cấp hơn. Tuy nhiên, cả hai hãng này cũng ngày càng mờ nhạc và lạc lõng trên các tuyến thương mại với đầy rẫy các thương hiệu thời trang nước ngoài.
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Việt Nam dệt may Hàng may mặc khảo sát người tiêu dùng tiêu dùng thông minh thời trang