Nóng: Venezuela có thể vỡ nợ trong vòng 48 giờ tới
- Chân Hồ
- •
Venezuela có nguy cơ vỡ nợ trong vòng 48h nữa vì khó có khả năng thanh toán được các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Đầu tiên là khoản nợ 842 triệu USD phải trả vào thứ Sáu tuần này (thứ Bảy 28/10 theo giờ Việt Nam), ngay sau đó đó là khoản nợ lên tới 1,1 tỷ USD đến hạn vào ngày 2/11.
Cuối tuần qua, Venezuela đã không trả được khoản 237 triệu USD tiền thanh toán lãi suất trái phiếu đến hạn. Chính quyền Maduro viện cớ do “sự cố kỹ thuật”, trong khi thực tế chính quyền của ông Maduro đơn giản là không có tiền.
Cộng thêm 349 triệu USD lãi suất trái phiếu chưa thanh toán trong tháng vừa qua, đã nâng tổng hóa đơn chưa thanh toán của Caracas tăng vọt lên 586 triệu USD trong tháng này, chỉ vài ngày trước khi Venezuela phải trả một khoản nợ gốc lớn.
Và, theo nhà phân tích nợ công Jane Brauer của Ngân Hàng Hoa Kỳ (BofA), trong khi giả thuyết cơ sở của ngân hàng là Venezuela sẽ thanh toán hết các khoản nợ trong năm nay, “khả năng xảy ra vỡ nợ ngắn hạn đã tăng lên đáng kể do mất khả năng thanh toán lãi suất trái phiếu đến hạn“, và điều đó có thể xảy đến ngay trong thứ Sáu tuần này, khi một khoản nợ gốc cộng lãi là 842 triệu USD của Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) đã đến hạn phải trả.
>> Venezuela – Ảo tưởng của nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa
Không giống như các khoản thanh toán trái phiếu thông thường, các khoản nợ đến hạn này của PDVSA không có thời gian ân hạn 30 ngày. Ngay sau đó, khoản nợ thứ 2 lên tới 1,121 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 4 năm của PDVSA tiếp tục đến hạn và nó cũng không có thời gian 30 ngày ân hạn.
Theo Brauer, Venezuela đã ở trong tình huống tương tự về mức độ không chắc chắn về thanh toán các khoản nợ trong thời gian gần đây, khi giá trái phiếu giảm mạnh ngay trước khi phải trả một khoản nợ lớn.
Ví dụ, ngay trước khi khoản nợ gốc đến hạn vào tháng 4/2017, Venezuela đã nhận khoản vay trị giá 1 tỷ USD từ Nga chỉ một tuần trước ngày đáo hạn. Vào thời điểm đó, trái phiếu chính phủ Venezuela (Ven 27) đã giảm 16% chỉ trong một tháng (từ 52 USD xuống còn 45 USD), và giảm tiếp xuống mức 35 USD trong tháng tiếp theo, bởi chính phủ Venezuela đã hoàn toàn mất khả năng chi trả cho các khoản nợ đến hạn.
Sự khác biệt giữa thời điểm hiện tại và thời điểm tháng 4/2017 là sự mất khả năng thanh toán đến sau, không phải trước thời điểm khoản nợ đến hạn thanh toán.
Trong khi đó, Venezuela đã tìm cách định nghĩa lại khái niệm thanh toán “đúng hạn”, nghĩa là “vào cuối thời kỳ ân hạn”.
Khi Braueri theo dõi các khoản thanh toán trễ hạn của Venezuela, cho đến nay, tổng cộng chính phủ Venezuela đã trễ hạn 5 khoản thanh toán với tổng giá trị khoảng 350 triệu USD, mặc dù tất cả chúng đều có thời gian ân hạn 30 ngày, bao gồm cả khoản nợ đến hạn 237 triệu USD vào cuối tuần qua.
Điều đáng lo ngại của các khoản nợ gốc sắp phải trả là:
- Không có thời gian ân hạn nào trong giao kèo trái phiếu nếu xảy ra vỡ nợ
- Chỉ có ba ngày làm việc trước khi kích hoạt Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS)
Ngày đến hạn của các khoản nợ gốc đang đến rất gần, đầu tiên là vào thứ Sáu tuần này (thứ Bảy 28/10 theo giờ Việt Nam), có nghĩa là trong vòng 48 giờ nữa Venezuela có thể bị vỡ nợ, trừ khi chính quyền Maduro tìm ra 842 triệu USD để chi trả cho các khoản:
- 842 triệu USD đến hạn vào ngày 27/10
- 1121 triệu USD đến hạn ngày 2/11
Tài sản thế chấp trái phiếu đầu tiên sẽ là chi nhánh tại Houston của Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA, và chỉ trong vài giờ, các chủ sở hữu trái phiếu của công ty này có thể trở thành người chủ bất đắc dĩ của chi nhánh PDVSA đáng thương này.
Ông Russ Dallen, nhà quản lý đối tác tại Caracas Capital Markets, cho biết: “Cuối tuần này, sẽ có rất nhiều chủ sở hữu trái phiếu và nhà đầu tư uống rượu sâm banh ăn mừng, hoặc sẽ có rất nhiều nhà quản lý quỹ bị căng thẳng.”
Theo phân tích của Bloomberg, người mua trái phiếu thường không muốn quốc gia đó vỡ nợ, tuy nhiên những người nắm giữ hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng lại có thể mong muốn Hiệp hội Giao dịch Phái sinh và Hoán đổi quốc tế ISDA tuyên bố một nước vỡ nợ để họ có thể nhận được khoản thanh toán theo hợp đồng.
Theo ZeroHegde,
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Venezuela Khủng hoảng tại Venezuela venezuela vỡ nợ