Kinh tế miền Trung: Vẫn chưa có lời giải về ‘mô hình’ phát triển
- Chân Hồ
- •
Thực trạng các tỉnh miền Trung đua nhau áp dụng theo cùng một mô hình kinh tế với cảng biển và khu kinh tế ven biển đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn nhau mà không thể hình thành được vùng liên kết kinh tế trọng điểm và đa dạng hóa kinh tế trong vùng.
Diễn đàn Kinh tế miền Trung (lần thứ 2) với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” được tổ chức ngày 25/9 tại TP. Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 700 chuyên gia trong và ngoài nước, phần nhiều là các doanh nghiệp, cùng lãnh đạo của các tỉnh miền Trung đưa ra nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc tồn tại của khu vực, nhưng thực tế liệu có thể thay đổi bức tranh cũ kỹ của miền Trung hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Du lịch và dịch vụ chưa thể mang lại giá trị kinh tế cao
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế miền Trung vẫn phụ thuộc lớn vào ngành du lịch và dịch vụ với tỷ trọng 40%, nông nghiệp chiếm 15-16% trong cả nước, giảm từ mức 28% trong những năm trước.
Mặc dù miền Trung là nơi thu hút nhiều khách du lịch của cả nước nhờ thế mạnh các bãi tắm sẵn có, nhưng giá trị gia tăng mà du lịch ở đây mang lại còn chưa cao, dẫn đến mức thu nhập bình quân theo đầu người ở miền Trung vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước.
Quá nhiều cảng biển và khu kinh tế
Vùng duyên hải miền Trung sở hữu đến 13 cảng biển trải dài dọc khắp các tỉnh trong vùng như cảng Chân Mây (Huế), cảng Đà Nẵng và Kỳ Hà, cảng Dung Quất (Quãng Ngãi), cảng Quy Nhơn, cảng Nha Trang… Việc có quá nhiều cảng biển phân bố trải dài tạo nên sự cạnh tranh giữa các tỉnh và xảy ra tình trạng dư thừa công suất hoạt động gây lãng phí nguồn lực. Miền Trung liệu có cần nhiều cảng biển đến thế ở khu vực vốn chưa có nhiều hoạt động giao thương tấp nập như hai đầu đất nước? Đây có phải là việc copy mô hình giữa các tỉnh thành?
Cùng với đó, toàn vùng có 6 khu kinh tế ven biển, diện tích quy hoạch 152.000 ha, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu. Tuy nhiên, trong thực tế, các khu kinh tế trên chưa được khai thác đáng kể bởi sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và công nghiệp phụ trợ.
Khi lợi thế trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển
Theo TS. Huỳnh Thế Du – Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, có một nghịch lý đang xảy ra ở duyên hải miền Trung, đó là khả năng thành công cao nhưng không có câu chuyện thành công ở cả 9 tỉnh thành.
Theo TS.Du, những gì mà Quảng Nam và Quảng Ngãi đang làm được là “rất cám dỗ”. Điều này có thể đưa đến tình trạng các địa phương sẽ tìm nhiều cách khác nhau để thu hút được những công trình và dự án lớn, mà không phát triển theo thế mạnh riêng và tạo nên các ngành mũi nhọn đa dạng cho vùng, thay vào đó là tình trạng đầu tư theo “mô hình quả mít” tại các khu kinh tế (tức tất cả đều là gai nhưng không có mũi nhọn nào), vị chuyên gia Đại học Fulbright nhấn mạnh.
“Giờ đây, các ưu đãi trực tiếp như đất đai hay thuế khóa gần như đã được sử dụng hết ở các địa phương, cửa gần như đã mở toang. Cuộc chạy đua xuống đáy giữa các địa phương hay được nhắc đến từ trước đến nay, thực ra giờ đã chạm đáy, vậy giờ đây bước tiếp theo sẽ như thế nào”, TS.Du đặt câu hỏi.
Đối với việc phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung, PGS.TS Vũ Minh Khương – ĐHQG Singapore cho rằng thách thức lớn nhất đối với các tỉnh miền Trung là còn nghèo, mức thu nhập bình quân hàng tháng của người dân ở 9 tỉnh miền Trung, ngoại trừ Đà Nẵng, đều thấp hơn so với mức trung bình cả nước và chưa trở thành điểm hấp dẫn đầu tư, tạo việc làm dẫn đến một xu thế mất dân do họ phải đi tìm cơ hội việc làm ở các địa phương khác.
Do đó, theo nhiều chuyên gia, muốn phát huy được tiềm năng vốn có của miền Trung, cần có các chiến lược đầu tư phù hợp giữa các tỉnh miền Trung, tránh tình trạng áp dụng cùng một mô hình cho nhiều tỉnh, thành dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn nhau mà không thể hình thành được vùng liên kết kinh tế trọng điểm.
Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 lần thứ 2 sẽ đề cập và bàn thảo 3 chuyên đề chính gồm: Giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng Duyên hải miền Trung; Giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung bền vững; Phát triển kinh tế tư nhân – động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững. Hiện nay, cả nước có 04 vùng KTTĐ, chiếm 27,42% diện tích và 51,27% dân số cả nước; trong đó, vùng KTTĐ miền Trung gồm 05 tỉnh, thành phố (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định), chiếm khoảng 8,5% diện tích và 7,1% dân số cả nước (năm 2010). |
Chân Hồ (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa miền Trung Kinh tế Việt Nam Chính sách kinh tế cải cách kinh tế