Sau COVID-19, khoảng 50.000 – 60.000 lao động rời Đồng Nai về quê
- Minh Long
- •
Từ sau thời điểm dịch COVID-19 đến nay, khoảng 50.000 – 60.000 người đã rời Đồng Nai để trở về làm việc tại các khu công nghiệp ở miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên…
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 60%.
Từ sau dịch COVID-19, khoảng 50.000 – 60.000 lao động dịch chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Biên Hòa, cho biết tại thành phố hiện có trên 200.000 lao động làm việc tại 6 khu công nghiệp và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian gần đây, thị trường lao động dịch chuyển mạnh, trong khi thực tế đơn hàng của các công ty, xí nghiệp cũng không nhiều.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Ấn, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, chỉ tính riêng lao động ở trong các khu công nghiệp của tỉnh này đã giảm đến khoảng 16.000 lao động.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, Sở đã giải quyết gần 40.000 lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bình quân mỗi tháng khoảng 10.000 lao động, là con số rất lớn. Hiện tổng hợp danh sách cho thấy có gần 1.500 doanh nghiệp đang đăng ký tuyển dụng lao động, nhu cầu từ nay đến cuối năm từ 15.000 – 18.000 lao động. Tuy nhiên, dự báo chỉ có thể cung ứng được khoảng 30%, lao động chuyển đổi từ công ty này qua công ty khác, còn lao động từ các vùng khác đến là rất ít.
“Tỉnh liên kết với các vùng Tây Nam Bộ để tìm lao động nhưng họ giới thiệu không đạt số lượng đăng ký”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết.
Theo lý giải của đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân người lao động rời tỉnh là do ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… đã hình thành các khu công nghiệp, nên công nhân trở về quê sinh sống làm việc cho gần nhà.
Một nguyên nhân khác là do trong thời điểm kinh tế thế giới suy thoái, các doanh nghiệp ít đơn hàng, do vậy các lao động ngoại tỉnh trở về quê làm việc để tiện lợi, là hợp lý.
Một thực tế khác, tại thành phố Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu… là những nơi đông công nhân nhưng các phòng trọ dành cho công nhân ít được đầu tư, khá xập xệ, không đảm bảo chất lượng cuộc sống, nên khi có cơ hội làm việc ở quê gần nhà, họ thường có xu hướng muốn trở về để không còn phải sống trong những căn phòng trọ ẩm thấp, xập xệ.
Do kinh tế suy thoái, các phòng trọ trống nhiều, nhiều chủ nhà trọ còn nâng tiền thuê phòng lên để bù lỗ, khiến công nhân khó khăn càng thêm khó nên họ phải rời bỏ để về quê làm việc.
Theo ghi nhận, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 20.000 khu nhà trọ với khoảng hơn 150.000 phòng trọ. Hiện có rất nhiều khu phòng trọ bỏ trống.
Cũng theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, tỉnh có hơn 53.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tuy nhiên chỉ có hơn 43.100 doanh nghiệp đang ở trạng thái hoạt động, trong đó có hơn 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể tương đối lớn, với tổng cộng 1.895 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Mặt khác, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có 7.511 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền khoảng 826,8 tỷ đồng.
Tình trạng trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động vẫn còn xảy ra phổ biến.
Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có khả năng đóng, ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Từ khóa Đồng Nai công nhân COVID-19 Về quê người lao động