Sinh viên theo học ngành đóng tàu sụt giảm gần 90% trong hơn 10 năm
- Tuyết Minh
- •
Tổng số lượng sinh viên theo học ngành đóng tàu tại Đại học Hàng hải Việt Nam sụt giảm gần 90% kể từ năm 2008. Mặc dù trường đã lấy mức điểm sàn 14 điểm năm 2019 đến nay nhưng rất ít người theo học ngành nghề này.
Tại hội thảo về thực trạng của ngành đóng tàu được Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức hôm 15/4, báo cáo của khoa đóng tàu cho biết hiện nay nhân lực theo học ngành này đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng đầu vào trong hơn 10 năm gần đây.
Cụ thể, năm 2008, số lượng sinh viên trúng tuyển của khoa đóng tàu là 395 người (điểm cao nhất đạt 20 điểm). Đến năm 2019, tổng số lượng sinh viên nhập học chỉ còn 13 sinh viên, tương đương giảm 97% so với năm 2008, dù điểm trúng tuyển của trường đã hạ bằng điểm sàn của bộ đưa ra là 14 điểm, theo báo Tuổi Trẻ.
Năm 2021 vừa qua, tình trạng trên cũng không khả quan hơn khi lượng người đăng ký vào học năm 2021 là 38 sinh viên, giảm gần 90% so với năm 2008. Nhiều doanh nghiệp cho hay có nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhưng các trường đào tạo nghề không tuyển được người học.
Theo dự báo của trường này, từ năm 2022-2025, số lượng nhân lực ngành đóng tàu tốt nghiệp ra trường tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam sẽ rất ít, chỉ từ 10-20 sinh viên mỗi năm. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực kỹ sư đóng tàu các năm gần đây ở doanh nghiệp trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng, trung bình khoảng 100 kỹ sư/năm.
PGS.TS Đỗ Quang Khải – Trưởng khoa đóng tàu trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng hiện nhiều học sinh có xu hướng lựa chọn các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, công nghệ. Bên cạnh đó, ông Khải cho hay các thông tin tích cực về ngành đóng tàu trong nước đã “vắng bóng” trên các kênh tin tức chính thống trong thời gian dài, khiến càng ít người dân, học sinh quan tâm đến lĩnh vực này.
Ngoài ra, hiện nay quy mô của ngành đóng tàu của Việt Nam còn rất nhỏ, chưa phát triển, năng lực về thiết kế của các nhà máy gần như không có, phần lớn chỉ đang nhận gia công và sửa chữa.
Tại buổi hội thảo, bà Trần Thị Hồng Nhung – Phó tổng giám đốc Công ty CP Nosco Shipyard cho biết để đáp ứng được nhu cầu và tiến độ sửa chữa theo kế hoạch sản xuất trong năm 2022 và các năm tiếp theo, công ty này dự kiến cần tuyển vài trăm lao động phổ thông và kỹ sư có chuyên môn. Theo bà Nhung, mức lương đối với kỹ sư của công ty hiện dao động từ 15-30 triệu đồng/tháng. Với công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông, mức lương cũng dao động trong khoảng 10 – 25 triệu đồng/tháng.
“Để giải quyết bài toán nhân lực, chúng tôi mong muốn phối hợp với các cơ sở đào tạo tiếp nhận sinh viên về thực tập tại nhà máy, có các học bổng hỗ trợ sinh viên và cam kết làm việc tại nhà máy sau tốt nghiệp” – bà Nhung nói, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
Cũng tại buổi họp này, theo đại diện Công ty Đóng tàu Phà Rừng, thống kê của công ty trong ba năm qua cho thấy lao động chấm dứt việc làm và về hưu khoảng 130 người nhưng tuyển dụng vào thay thế được khoảng 35 – 40 người.
Nhiều thời điểm tiến độ đóng tàu theo đơn hàng cần gấp, không tuyển được công nhân tay nghề cao nên công ty Phà Rừng thường phải thuê lao động thời vụ. Công ty mất thêm thời gian để đào tạo kiến thức cho người mới và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, đại diện Công ty Đóng tàu Phà Rừng cho biết.
Từ khóa doanh nghiệp đóng tàu Đại học Hàng hải Việt Nam ngành đóng tàu