Tiền gửi ngân hàng sụt giảm mạnh, tăng trưởng tín dụng âm 4 tháng đầu năm, thị trường vàng đang thu hút càng ngày càng nhiều người dân tham gia. Chính phủ “đau đầu” với dòng tiền đang bị vàng hóa. 

vang
Vàng đang hút tiền khỏi hệ thống ngân hàng. Nguồn Trithucvn

Tiền gửi ngân hàng đang giảm mạnh

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), huy động vốn của ngành ngân hàng trong Quý I giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 25/3, tăng trưởng tín dụng giảm 0.76% so với đầu năm.

Cụ thể, có đến 10 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng huy động vốn ở mức âm trong quý 1 vừa qua, như ABBank giảm 14.3%; MBBank giảm 4.7%; TPBank giảm 4.2%; OCB giảm 2.8%; VCB giảm 2.7%; SHBgiảm 2.1%; KienLong Bank giảm 1.4%; VIB giảm 1.2%; BacA Bank giảm 0.4% và SaigonBank giảm 0.2%. Trong khi đó, các ngân hàng có quy mô lớn như Vietinbankhay BIDV cũng chứng kiến mức tăng trưởng huy động vốn khiêm tốn tương ứng ở 0.2% và 1.1%.

Ngoài ra kênh huy động vốn qua giấy tờ có giá (chủ yếu là trái phiếu) cũng giảm sút tương đối. Một số ngân hàng có mức giảm rất mạnh như MBBank giảm hơn 23,980 tỷ, tương đương giảm 19%; Vietinbank giảm gần 13.832 tỷ, tương đương giảm 12%. Các con số này ở BIDV lần lượt là -8,922 tỷ và -4.7%; SHB là -6,878 tỷ và -16.1%; LPBank là 5,412 tỷ và -11.3%; OCB là 5,365 tỷ và 14.2%;…

Huy động vốn thấp nhưng ngân hàng cũng không dễ cho vay

Sau hai tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đã dần phục hồi kể từ tháng 3 nhưng tốc độ tăng trưởng rất thấp. Tính đến hết tháng 4/2024, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,52% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4 chỉ tăng xấp xỉ 24.400 tỷ đồng, trong số tổng dư nợ nên kinh tế đến cuối tháng 4 là 13,78 triệu tỷ đồng.

Một số ngân hàng có dư nợ cho vay giảm như Vietcombank giảm 0,3%, SHB giảm 0,2%, TP Bank giảm 2,2%, BV Bank giảm 1,2%, Saigon Bank giảm 1,1%, PG Bank giảm 0,4%. ABBank có mức giảm tới 19,3%.

Ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ với hoạt động cho vay thường chậm trong giai đoạn đầu năm, rủi ro nợ xấu tăng nhanh trong thời gian qua cũng khiến các ngân hàng kiểm soát hoạt động cho vay theo cách thận trọng hơn. Báo cáo quý 1 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều chứng kiến nợ xấu tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm nay, sau khi đã tăng mạnh trong năm 2023.

Sau Tết nguyên đán, hoạt động sản xuất kinh doanh đã có một số dấu hiệu khôi phục trở lại. Tuy nhiên, tổ chức thượng tầng đang có sự sắp xếp lại khiến các hoạt động kinh tế cũng chững lại theo. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh liên tục tăng mạnh. Tính đến hết tháng 4, đã có tới 86,4 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2023.

Bên cạnh đó, Chính phủ thời gian qua liên tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sân sau của ban lãnh đạo các ngân hàng. Điều này cũng hạn chế dòng vốn cho vay không nhỏ rót vào các doanh nghiệp sân sau của các cổ đông ngân hàng.

Dòng tiền khỏi ngân hàng chảy về vàng

Trong lúc lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục, sản xuất chưa phục hồi thì tại thị trường vàng tăng trưởng mạnh, thu hút lượng lớn tiền của dân chảy về khu vực này.

Liên tục trong những ngày qua, lượt khách mua vàng miếng, nhẫn trơn ở các thương hiệu vàng lớn liên tiếp phá đỉnh. Nhiều người đội mưa, nghỉ làm xếp hàng để mua vàng. Các cửa hàng vàng phải hạn chế số lượng mua tối đa, xếp giấy hẹn lịch giao dịch với khách.

Xu hướng mua vàng tích trữ không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,… tạo điều kiện thuận lợi cho các thương hiệu vàng kiếm bội tiền.

Liên tục trong thời gian qua, giá thương hiệu vàng SJC đã vượt khỏi giá vàng nguyên liệu khoảng 15 triệu đồng/lượng.

Từ tháng 4, NHNN đã gọi thầu 6 lần và đấu thầu thành công 14.000 lượng vàng SJC, thu về 1279,6 tỷ đồng. Các phiên đấu thầu sau giá tham chiếu và giá trúng thầu đều cao hơn lần trước. Số lượng đặt cọc tối thiểu cũng giảm từ 1400 lượng xuống 500 lượng.

Trước mỗi phiên đấu thầu giá vàng trên thị trường sẽ giảm xuống và sau khi có kết quả đầu thầu giá vàng lại “tăng bốc lên” kích thích nhiều người hơn tham gia vào thị trường này.

Dòng tiền chảy vào vàng đang gây áp lực cho cả khối ngân hàng lẫn tỷ giá. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa nhận Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng “hết sức đau đầu” về thị trường vàng.

Các giải pháp Chính phủ đưa ra trước mắt là tăng cường các rào cản kỹ thuật giám sát thị trường như siết chặt buôn lậu vàng, thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh vàng, giám sát việc phát hành hóa đơn điện tử,…

Nguyên Hương (t/h)