Thị trường trải qua một tuần “đứng tim” từ trạng thái bi quan tột độ sang giai đoạn giải thoát tạm thời, từ các phiên giao dịch giá lao dốc hiếm người mua tới những phiên tăng kịch trần nhưng không có người bán. Thông tin hoãn thuế quan phần nào nối lại các hoạt động giao thương nhưng vẫn treo rất nhiều rủi ro hiện hữu. Biểu đồ VN Index từ 4-11/4/2025. Nguồn Vietstock.
Thị trường chứng khoán
Thông tin Mỹ hoãn thuế quan đối ứng với 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam khiến thị trường chứng khoán trong nước giao dịch tăng mạnh hai phiên liên tiếp cuối tuần sau hai phiên giảm sàn đầu tuần.
Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index tăng 4,63% so với phiên trước, đóng cửa ở mức 1.222,46 điểm; HNX-Index đạt 213,34 điểm, tăng 2,41%. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 11,79 điểm (+0,97%), trong khi đó HNX-Index giảm 3,63 điểm (-1,67%). Thanh khoản trung bình đạt 25.543 tỷ/phiên trên HOSE và 1.597 tỷ đồng/phiên trên HNX.
Sắc xanh bao phủ các nhóm ngành. Công nghệ thông tin, tài chính tăng hơn 5%. Nhóm tiêu dùng không thiết yếu, Viễn thông tăng hơn 4%. …
Xét về mức độ ảnh hưởng, top 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất đã đóng góp tổng cộng 30,5 điểm vào đà tăng của VN-Index, trong đó VCB của Vietcombank dẫn đầu với mức đóng góp 7,5 điểm. Theo sau là VIC của VinGroup, BID của BIDV và CTG của VietinBank cũng mang về thêm 10,5 điểm Trong khi đó, chiều tác động tiêu cực hầu như không đáng kể khi top 10 mã ảnh hưởng xấu nhất chỉ khiến chỉ số giảm hơn 1 điểm, thể hiện sự thắng thế áp đảo của phe mua.Nguồn Vietstock
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với giá trị 1008 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần qua, bao gồm hơn 883 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 125 tỷ đồng trên sàn HNX.
Nguồn Vietstock.
Các sự kiện kinh tế trong tuần (7-11/4/2025)
Kinh tế thế giới:
– Mỹ đón tin tốt về lạm phát: CPI tháng 3 tăng 2,4%, thấp hơn dự báo
– Trung Quốc sẽ tăng thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ mức 84% lên 125% bắt đầu từ ngày 12/4, đồng thời tuyên bố sẽ phớt lờ bất kỳ đợt tăng thuế nào tiếp theo mà Washington công bố kể từ thời điểm này.
– Thị trường chứng khoán Châu Á diễn biến trái chiều với đa phần thị trường hồi phục, thị trường Nhật Bản giảm 2,85%
– CitiGroup hạ dự báo GDP Nhật Bản, dự đoán BOJ hoãn tăng lãi suất do cú sốc thuế Mỹ
– Nhật Bản dự tính phát tiền cho người dân giữa khủng hoảng
– Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh chính quyền của ông không có ý định miễn trừ “bất kỳ quốc gia hay công ty nào” khỏi các chương trình thuế quan mới. Ông khẳng định: “Nếu không đạt được thỏa thuận mà chúng tôi mong muốn, chúng tôi sẽ quay lại với các mức thuế quan trước đó”.
Thị trường vàng, hàng hóa nhiên liệu, tiền số
– Bitcoin tiếp tục nhích lên và chạm gần 83.000 USD/BTC vào cuối ngày 11/4
– Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều 11/4 theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,07 USD (-0,12%), xuống 60,00 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,08 USD (-0,13%), xuống 63,26 USD/thùng.
– Giá dầu WTI đã giảm 16% kể từ thông báo áp thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump vào tuần trước, khiến giá dầu xuống dưới mức mà nhiều nhà sản xuất dầu đá phiến ở Texas cần để hòa vốn, và làm dấy lên lo ngại rằng ngành này có thể buộc phải ngừng hoạt động các giàn khoan.
– Vàng thế giới bứt phá kỷ lục mới 3.237 USD/ounce giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nóng trở lại
– Giá vàng trong nước giao dịch ở mức 103 triệu đồng – 106 triệu đồng/lượng (mua-bán)
– Đồng Yên cao nhất trong 7 tháng nhờ kỳ vọng BoJ nâng lãi suất và khả năng Nhật – Mỹ đạt thỏa thuận thương mại