Từ 0 giờ ngày 11/2, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dừng hoạt động
- Quang Minh
- •
Sau 15 ngày thông xe đầu tiên (từ 0 giờ ngày 25/1), cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 11/2.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 11/2. Sau khi dừng hoạt động, chủ đầu tư dự án sẽ tiếp tục hoàn thành những hạng mục công trình còn lại. Hiện chưa có thông báo chính thức về thời gian dự kiến thông xe trở lại của tuyến cao tốc này.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết khi không sử dụng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, lộ trình các lái xe sử dụng khi đi từ TP.HCM về miền Tây là: cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Quốc lộ 1A – các tỉnh miền Tây và ngược lại. Ông Bon cho hay lực lượng công an giao thông sẽ tham gia điều tiết cho phương tiện lưu thông trở lại trên Quốc lộ 1A, không vào cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Hai nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) và An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang) sẽ được đóng lại, ông Bon cho biết.
Tại buổi trao đổi với báo chí ngày 10/2, ông Cao Văn Hòa – Phó giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết từ ngày 25/1-9/2 đã có khoảng 450.000 lượt xe lưu thông trên cao tốc này, trung bình khoảng 28.100 lượt xe/ngày đêm.
Sau khi cho lưu thông tuyến cao tốc này, nhiều bất cập đã bộc lộ như tình trạng kẹt xe (thường xảy ra trên Quốc lộ 1A, nay chuyển sang cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận), không có làn dừng khẩn cấp nên xe cấp cứu khó lưu thông khi xảy ra ùn ứ, tốc độ tối đa cho phép chỉ 80 km/giờ (thấp hơn nhiều so với tốc độ tối đa 120 km/h ở một số cao tốc hiện hành như Hà Nội – Hải Phòng, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây,…), bảng chỉ dẫn trên đường cao tốc dễ gây nhầm dẫn, v.v…
Ông Hòa cho biết trong 15 ngày lưu thông, tuyến đường này đã xảy ra 24 vụ va chạm giao thông, 99 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, 249 trường hợp xe bị nổ lốp, 80 trường hợp xe hết xăng, dầu…
TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường của Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết làn dừng khẩn cấp thiết kế phía ngoài cùng bên phải của cao tốc. Làn đường này thường hẹp hơn các làn khác, giúp xe bị sự cố có thể lập tức tấp vào, hạn chế ùn tắc, giảm thiểu tai nạn so với việc phải dừng trên phần đường chính. Làn dừng khẩn cấp còn tác dụng để các xe ưu tiên như cứu thương, cứu hoả, cảnh sát… chạy vào trong trường hợp khẩn cấp.
Theo ông Minh, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thiết kế 6 điểm dừng khẩn cấp. Tuy nhiên điều này không thay thế được tác dụng làn dừng khẩn cấp. Ông Minh nêu ví dụ, khi lưu thông ô tô không biết khi nào sẽ xảy ra sự cố, nếu vị trí xảy ra sự cố khiến xe không thể di chuyển đến điểm dừng khẩn cấp, việc này sẽ dễ gây ra tai nạn nếu xe dừng ngay trên đường chính và nguy hiểm cho các xe phía sau. Các xe cứu nạn, cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường kịp thời.
“Tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận khi khai thác có mật độ xe rất lớn, bởi là trục giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy nếu chỉ sự cố nhỏ sẽ xảy ra gây ùn tắc nghiêm trọng”, ông Minh nói, báo Vnexpress dẫn lời.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 51 km với mặt đường rộng 17 m, được thiết kế có 4 làn xe (không có làn dừng khẩn cấp), tốc độ tối đa 80 km/h – tốc độ tối thiểu 60 km/h. Tổng vốn đầu tư cho tuyến cao tốc này là trên 12.200 tỷ đồng. Dự án này nằm trong trục tuyến cao tốc Bắc Nam, được khởi công vào năm 2009 với kế hoạch đưa vào sử dụng năm 2013 nhưng đến nay mới đưa vào sử dụng thử nghiệm.
Quang Minh
Xem thêm:
Từ khóa cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận cao tốc Bắc - Nam