Xuất siêu cao kỷ lục 6,3 tỷ USD, chủ yếu đến từ khu vực FDI
- Tường Văn
- •
Tốc độ tăng xuất khẩu nhanh hơn đà nhập khẩu đã giúp Việt Nam đạt được mức xuất siêu 6,3 tỷ USD sau 9 tháng, đánh dấu mức cao kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước đó. Mặc dù vậy, kết quả trên vẫn chủ yếu đến từ khu vực FDI.
Xuất siêu đến từ khu vực FDI
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 352,6 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng 42,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017 và vượt mức kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2016 (351,4 tỷ USD). Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 179,5 tỷ USD, tăng 16% và nhập khẩu đạt 173,1 tỷ USD, tăng gần 12%.
Do tốc độ tăng xuất khẩu nhanh hơn so với đà nhập khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa trong tháng Chín thặng dư 1,6 tỷ USD. Kết quả thực hiện này đã làm tăng mức xuất siêu của Việt Nam trong 9 tháng năm 2018 lên con số kỷ lục là 6,3 tỷ USD.
Đóng góp vào kết quả trên là khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực này đạt 230,4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm hơn 65% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu của khu vực FDI trong 9 tháng đạt 126,6 tỷ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 16%; nhập khẩu đạt 103,8 tỷ USD, chiếm 60% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 12%. Như vậy, khối FDI đã xuất siêu lên tới 22,8 tỷ USD sau 9 tháng.
Mỹ và EU có vai trò quan trọng
Về thị trường, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào Mỹ với hơn 35 tỷ USD, tăng 13% và chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu; kế đến là khu vực châu Âu với 31,2 tỷ USD (chiếm 17%) và Trung Quốc xếp thứ ba với 28,8 tỷ USD, tăng tới 30% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 16% tổng kim ngạch.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc để trở thành thị trường cung cấp nhiều hàng hóa vào Việt Nam nhất với 47,3 tỷ USD, tăng 13% và chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước; tiếp sau đó là Hàn Quốc với 35,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2% và chiếm 20% tổng kim ngạch. Nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN cũng có dấu hiệu tăng mạnh với 23,2 tỷ USD, tăng 13% và cao hơn gấp 1,3 lần lượng hàng hóa Việt Nam xuất sang khu vực này.
Về tổng thể, hai thị trường Mỹ và EU tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thương mại của Việt Nam khi đóng góp tới gần 50 tỷ USD thặng dư thương mại sau 9 tháng. Trong khi đó, mặc dù tốc độ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đã có nhiều cải thiện, song thâm hụt thương mại đối với thị trường này vẫn ở mức cao (-18,45 tỷ USD), cùng với Hàn Quốc (-21,62 tỷ USD) vẫn là hai thị trường Việt Nam bị thâm hụt thương mại lớn nhất.
Tường Văn
Xem thêm:
Từ khóa xuất nhập khẩu Nhập khẩu xuất khẩu xuất siêu