Vitamin A là một loại vitamin thiết yếu hòa tan trong chất béo. Vitamin A có tác dụng giúp mắt, hệ thống miễn dịch và các cơ quan trong cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý rằng mọi công dụng được lan truyền trên mạng của vitamin A không hoàn toàn được khoa học công nhận và chứng minh.

Bạn có thể bổ sung vitamin A thông qua các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Dưới đây là 5 lợi ích của vitamin A đã được khoa học chứng minh và khuyến nghị bạn nên nạp vào bao nhiêu mỗi ngày.

Vitamin A
(Ảnh: Evan Lorne/Shutterstock)

1. Vitamin A tốt cho thị lực

Vitamin A giúp hình thành các sắc tố giúp bạn nhìn thấy màu sắc, đặc biệt là vào ban đêm và trong điều kiện ánh sáng mờ. Nếu không có vitamin A, mắt sẽ ngừng sản xuất các sắc tố này, kết quả là bạn sẽ mắc chứng quáng gà. Tình trạng này có thể khiến bạn hoàn toàn không thể nhìn thấy trong bóng tối.

Đục thủy tinh thể là một tình trạng mắt phổ biến ảnh hưởng đến hơn một nửa số người trên 80 tuổi ở Hoa Kỳ.

Theo nghiên cứu các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác do Viện mắt Quốc gia Hoa Kỳ (National Eye Institute) tài trợ, ngoài các vitamin khác có chất chống oxy hóa và kẽm thì bổ sung vitamin A có thể bảo vệ sức khỏe mắt cho những người mắc một số bệnh.

Nghiên cứu bao gồm 4.757 người tham gia có độ tuổi từ 55-80 bị ảnh hưởng bởi đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hoặc cả hai. Những người tham gia được chia thành 4 nhóm và được uống chất bổ sung hàng ngày trong 5 năm. Mỗi nhóm nhận được một trong các chất bổ sung sau:

  • Công thức chống oxy hóa (chứa 15 mg vitamin A), kẽm và đồng
  • Kẽm và đồng
  • Chỉ công thức chống oxy hóa
  • Một giả dược

Kết quả cho thấy công thức chống oxy hóa có chứa vitamin A với kẽm và đồng làm chậm 25% sự tiến triển của rối loạn chức năng hoàng điểm do tuổi tác (nó cũng làm giảm nguy cơ mất thị lực 19%). Con số ở nhóm người dùng khoáng chất kẽm và đồng là 21%, nhóm dùng chất chống oxy hóa là 17%.

2. Vitamin A cần thiết cho hệ thống miễn dịch

suc khoe
(Ảnh: Gustavo Fring / Pexels)

Hệ thống miễn dịch cần vitamin A để phát triển. Vitamin A giúp duy trì và củng cố các biểu mô và niêm mạc nằm trong các cơ quan của chúng ta. Các mô này là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể giúp chống lại các tác nhân gây bệnh và là một phần quan trọng của phản ứng miễn dịch bẩm sinh đối với nhiễm trùng. 

Vitamin A cũng có đặc tính chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa giúp ngăn tế bào bị hư hại trong một quá trình được gọi là căng thẳng oxy hóa (stress oxy hóa). Tổn thương tế bào liên tục do căng thẳng oxy hóa có thể dẫn đến các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim, giảm thị lực.

3. Hỗ trợ chức năng nội tạng

Nạp đủ vitamin A đồng nghĩa với việc bạn đang hỗ trợ tim, phổi, thận hoạt động bằng cách thúc đẩy sự phát triển của các tế bào và mô khỏe mạnh. 

Ví dụ, một đánh giá năm 2018 được công bố trên Tạp chí Nutrients cho thấy vitamin A đóng một vai trò không thể thiếu trong sự phát triển và trưởng thành của mô phổi. Từ đó, hoạt động tổng thể của phổi được diễn ra hiệu quả hơn. Đánh giá tương tự cũng cho thấy rằng sự thiếu hụt vitamin A có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về phổi như hen suyễn và nhiễm trùng đường hô hấp (như viêm phổi và cúm).

4. Vitamin A giúp làm giảm và điều trị mụn trứng cá

10 thành phần mỹ phẩm phụ nữ cần tránh khi mang thai
(Ảnh: Shutterstock)

Retinol được coi là một trong những phương pháp điều trị mụn trứng cá tại chỗ tốt nhất. Bạn có biết rằng nó chính là một loại vitamin A, được bán theo đơn hoặc với liều lượng nhỏ trong các sản phẩm không kê đơn? Trên thực tế, các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị mụn trứng cá do Tạp chí Viện Da liễu Hoa Kỳ (Journal of the American Academy of Dermatology) đề xuất đều sử dụng retinoids tại chỗ hoặc các sản phẩm chứa retinol làm bước điều trị đầu tiên đối với tình trạng mụn trứng cá từ nhẹ đến nặng.

Mụn trứng cá xuất hiện khi các lỗ chân lông trên da bị tắc nghẽn bởi các tế bào da chết và dầu. Retinol xử lý mụn trứng cá bằng cách loại bỏ các tế bào da chết và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào mới. Quá trình này được gọi là sự thay đổi tế bào.

Nếu dùng retinol tại chỗ khiến bạn gặp phản ứng phụ như ngứa, đỏ hoặc khô, hãy áp dụng các phương pháp giảm kích ứng sau:

  • Thoa một lớp retinol mỏng thay vì thoa nhiều lớp dày hoặc nhiều sản phẩm chăm sóc khác nhau.
  • Bôi cách ngày trong hai đến bốn tuần đầu tiên.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng

Retinol dễ làm bạn bị cháy nắng hơn nên đừng quên thoa kem chống nắng khi bạn ra ngoài.

5. Hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh

mang thai 1
(Ảnh: Africa Studio/Shutterstock))

Bổ sung đủ vitamin A trong thai kỳ là nhiệm vụ rất quan trọng nếu bạn muốn đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí Y học New England (New England Journal of Medicine) cho thấy bổ sung vitamin A cho các phụ nữ bị suy dinh dưỡng mãn tính trước, trong và sau khi mang thai giúp cải thiện chức năng phổi ở con cái.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh dung tích phổi của 1.371 trẻ em có mẹ được bổ sung vitamin A hoặc giả dược. Khi trẻ lên 9-13 tuổi, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra chức năng phổi của chúng và phát hiện ra rằng những đứa trẻ có mẹ được bổ sung vitamin A có phổi khỏe mạnh hơn so với những đứa trẻ có mẹ không được bổ sung. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng vitamin A có thể gây ra dị tật bẩm sinh.

Vậy chúng ta cần nạp bao nhiêu vitamin A mỗi ngày?

Điều này phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính và việc bạn có đang mang thai hay đang cho con bú hay không.

Lượng vitamin A được khuyến nghị hàng ngày, tính bằng mcg
Độ tuổiLượng khuyến nghị
Sơ sinh từ 6 tháng400
7-12 tháng500
1-3 tuổi300
4-8 tuổi400
9-13 tuổi600
Nam trên 14 tuổi900
Nữ trên 14 tuổi700
Thanh thiếu niên mang thai750
Người trưởng thành mang thai770
Thanh thiếu niên cho con bú1200
Người trưởng thành cho con bú1300

Để bổ sung vitamin A, bạn có thể uống thực phẩm chức năng hoặc xây dựng chế độ ăn gồm các thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, trứng, bí ngô, khoai lang, phô mai tươi.

ca rot
(Ảnh: Shutterstock)

Minh Minh (Theo Insider)

Xem thêm: