Cha mẹ hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc đa xơ cứng ở trẻ em
- Minh Minh
- •
Những đứa trẻ thường xuyên phải hít khói thuốc thụ động sẽ dễ mắc bệnh đa xơ cứng hơn. Các bậc cha mẹ nên cân nhắc bỏ thuốc để bảo vệ sức khỏe cho con của mình.
Mới đây, một nghiên cứu đã cho thấy: Đối với trẻ em có khuynh hướng mắc bệnh đa xơ cứng (MS) di truyền, việc tiếp xúc với khói thuốc lá trong gia đình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Rinze Frederik Neuteboom (thuộc Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam) cho biết khói thuốc trong không gian sống có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ vậy nên những đứa trẻ sống ở đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng cao hơn.
Họ cũng lưu ý rằng hầu hết mọi người sẽ tự sinh ra miễn dịch ở độ tuổi từ 20 đến 40 nhưng không thể loại trừ nguy cơ bệnh đã xuất hiện sớm từ thời thơ ấu.
Đa xơ cứng MS xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhắm mục tiêu bất thường vào hệ thống thần kinh trung ương (CNS) và làm tổn thương myelin và các sợi thần kinh được myelin bảo vệ. Tổn thương này sẽ làm gián đoạn hoặc làm biến dạng các xung thần kinh truyền xuống tủy sống…Theo thời gian, tình trạng này có thể khiến người bệnh mất khả năng vận động, giữ thăng bằng, khả năng nhận thức cùng nhiều triệu chứng khác.
Trong nghiên cứu, nhóm của Neuteboom đã xem xét dữ liệu từ một cơ sở dữ liệu lớn chuyên theo dõi sức khỏe của trẻ em Hà Lan.
Bên cạnh đó, họ cũng thu thập thêm thông tin về các yếu tố khác có thể gây ra đa xơ cứng như nhiễm vi-rút Epstein Barr, nồng độ vitamin D trong máu, tình hình hút thuốc của cha mẹ, cân nặng thời thơ ấu và mức độ hoạt động ngoài trời ở độ tuổi 5.
Hơn 5.000 trẻ em trong độ tuổi từ 9 đến 13 đã được quét não để các nhà nghiên cứu xem xét thể tích não và “cấu trúc vi mô” của não.
Họ cũng thu thập dữ liệu di truyền từ hơn 2.800 trẻ em.
Kết quả cho thấy có 642 trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với nhiễm vi-rút Epstein Barr và 405 trẻ em đã tiếp xúc với khói thuốc lá của cha mẹ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra một điều rất quan trọng: Khuynh hướng mắc bệnh đa xơ cứng di truyền của trẻ, việc tiếp xúc với khói thuốc lá của cha mẹ và những thay đổi về não (trên phim chụp) có mối liên hệ với nhau.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của Neuteboom cho biết những đứa trẻ mang gen có nguy cơ cao mắc đa xơ cứng và đồng thời thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động tại nhà có xu hướng có thể tích não và thể tích “chất xám” trong não thấp hơn.
Họ vẫn chưa biết chính xác gen và khói thuốc lá kết hợp với nhau như thế nào để làm tăng nguy cơ mắc bệnh về não ở trẻ em. Tuy nhiên, họ đưa ra giả thuyết rằng chính đặc điểm gen mà trẻ có là nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch của trẻ dễ bị tổn thương trước vi-rút Epstein-Barr. Trong những năm gần đây, loại vi-rút này được cho là một trong những tác nhân lớn gây ra bệnh đa xơ cứng.
Khói thuốc lá có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và gây rối loạn hệ thống miễn dịch nên trẻ càng có nguy cơ mắc bệnh hơn.
Các tác giả nghiên cứu cho biết: “Cha mẹ hút thuốc có thể làm tăng khả năng tiếp xúc của các kháng nguyên [hệ thần kinh trung ương] trong cơ thể trẻ với hệ thống miễn dịch đang trên đà phát triển. Kết quả là con cái của họ sẽ dễ có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn đặc hiệu ở não [như bệnh đa xơ cứng]”.
Các nhà khoa học hy vọng sau khi biết đến phát hiện này, các bậc phụ huynh sẽ cân nhắc bỏ thuốc lá (ít nhất là không hút khi ở gần con) để phòng ngừa bệnh tật cho con. Họ đã công bố những phát hiện của mình lên Tạp chí Phẫu thuật thần kinh và Tâm thần học.
Từ khóa cha mẹ đa xơ cứng hút thuốc