Cho trẻ ăn gì để tăng sức đề kháng giữa dịch COVID-19?
- Minh Minh
- •
Chế độ ăn uống hợp lý giúp con tăng cường sức đề kháng, phòng chống lại dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Sau khi ăn vào, ba mẹ cần lưu ý cả quá trình tiêu hóa, tránh để con bị đầy bụng, ợ nóng, dẫn đến nhiều hậu quả không tốt về sau.
Trong những ngày Tết, cả trẻ em và người lớn đều có sự xáo trộn lớn trong thói quen ăn uống. Vì cùng ba mẹ đi chúc Tết, con nhỏ sẽ ăn quà vặt ở nhà người khác, dẫn đến việc ngang bụng khi đến giờ ăn chính thức. Ba mẹ cần điều chỉnh lại ngay thói quen ăn uống đúng như ngày thường để đảm bảo sức khỏe cho con. Trong thực đơn cho bữa ăn chính, mẹ nên hạn chế sử dụng thực phẩm nhiều đạm và chất béo, thay vào đó là các thực phẩm chứa nhiều nước và chất xơ. Nhiều gia đình mua nhiều thùng nước ngọt uống Tết nhưng không hết. Hết Tết rồi, mẹ không nên để con uống quá nhiều, hãy chờ những dịp gia đình tề tựu đông đủ thì mang ra mỗi người uống một ít thì hơn. Đồng thời mẹ nên tránh phương pháp nấu ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn hấp/luộc được cắt nhỏ sẽ kích thích khả năng tiêu hóa và hấp thụ của con.
Đối với lịch sinh hoạt thông thường, các con cấp một thường được mẹ chuẩn bị một bữa ăn nhẹ lúc 10 giờ sáng hoặc 15 giờ chiều. Hiện giờ các con được nghỉ ở nhà, nhưng mẹ hãy giữ thói quen này cho con nhé. Một số thực phẩm dễ ăn, nhiều chất dinh dưỡng lại có khả năng thanh lọc cơ thể, mẹ có thể dùng để chế biến bữa phụ cho con là đậu xanh (hàm lượng vitamin C và E dồi dào, đậu xanh giúp bé phát triển hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng để chống lại tác nhân gây bệnh), táo đỏ (có tính giữ nhiệt, chứa các thành phần tốt cho cơ thể như protein, lipit, đường, canxi, phốt pho, sắt, và nhiều loại vitamin A,C, B1, B2, carotene), hạt sen (có hàm lượng kali rất cao, giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, giúp duy trì hoạt động bình thường, đặc biệt là của hệ tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu)…
Mẹ hãy đảm bảo con được ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Tuy không phải đến trường cũng không được khuyến khích ra ngoài, nhưng mẹ nên hướng dẫn con tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà. Nếu gia đình có vườn cây hoặc xung quanh nhà có đường đi ít xe cộ thì ba mẹ có thể dẫn con đi dạo thư giãn.
Men vi sinh là những vi khuẩn và vi nấm có lợi cho sức khỏe của bạn, đặc biệt là cho hệ tiêu hoá. Chúng ta thường nghĩ đến vi khuẩn như là tác nhân gây bệnh, nhưng cơ thể bạn lại có rất nhiều vi khuẩn, cả loại tốt và loại xấu. Men vi sinh thường được gọi là vi khuẩn “tốt” hoặc “có lợi” vì chúng giúp giữ đường ruột của bạn khoẻ mạnh. Dịp Tết ăn uống không điều độ dễ làm mất những lợi khuẩn, từ đó khiến chức năng tiêu hóa của con yếu đi. Để bù đắp lại, mẹ cần cho trẻ ăn nhiều trái cây (chuối, táo, dứa, dưa vàng…), hạt họ đậu (đậu hà lan, đậu nành, đậu lăng…), rau (atiso, bông cải xanh, măng tây, hành…), thực phẩm lên men như sữa chua, phô mai. Sữa chua Hy Lạp là lựa chọn tốt giúp tăng tốc độ trao đổi chất và giúp cơ bắp phát triển. So với giá của sữa chua thông thường (khoảng 5000 – 7000 VNĐ/ hộp) thì sữa chua Hy Lạp có giá đắt gấp 5 lần (khoảng 35.000 VNĐ/ hộp). Sữa chua Hy Lạp là một phiên bản sữa chua đậm đặc hơn và nhiều kem hơn sữa chua thông thường, vì đã được tách bỏ nước từ sữa chua trong quá trình lên men, chỉ còn lại những gì tinh túy với kết cấu của nó đặc như kem, có độ sánh, mịn và dẻo hơn so với sữa chua thường. Vì trong sữa chua thường có một lượng nước khá lớn (khoảng 70 – 80%), còn lại là protein trong sữa. Nên khi bỏ bớt phần nước này, ta sẽ thu được phần sữa chua đặc và dẻo hơn. Việc tăng cường men vi sinh tự nhiên, còn giúp trẻ tăng sức đề kháng, ngăn chặn sự tấn công từ các vi khuẩn gây hại, virus cảm cúm, giảm nguy cơ sốt, ho, sổ mũi.
Ngoài chế độ ăn uống, ba mẹ hãy nhắc nhở con chủ động giữ gìn vệ sinh cá nhân. Trước và sau khi ăn, mẹ nhớ cho con rửa tay sạch sẽ với xà phòng ít nhất trong 30 giây.
Minh Minh
Từ khóa Nuôi dạy con Tăng sức đề kháng COVID-19 Dinh dưỡng cho trẻ