Đức: 6.682 người nộp đơn xin trợ cấp tàn tật sau khi tiêm vắc-xin COVID-19
- Bình Minh
- •
Vắc-xin COVID-19 vốn được coi là an toàn và hiệu quả, cũng có tác dụng phụ. Ở một số ít người, các phản ứng bất lợi đã gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và lâu dài. Đến nay, hơn 6.000 người ở Đức đã nộp đơn lên chính phủ xin trợ cấp tàn tật.
Deutsche Welle đưa tin, theo thống kê chính thức, ở Đức, 64 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Đến nay, tổng cộng 192 triệu liều đã được tiêm chủng.
Mặc dù được coi là tương đối an toàn, nhưng giống như hầu hết các loại vắc-xin khác, các phản ứng bất lợi do vắc-xin COVID đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của một số ít người.
Ngành y tế và tổ chức y tế chưa bao giờ phủ nhận vấn đề này, các phương tiện truyền thông cũng đưa tin về nó. Tuy nhiên, trong những ngày đầu quảng cáo vắc-xin, tuyên truyền của giới chức nhấn mạnh rằng vắc-xin mRNA nói riêng “rất an toàn”. Điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Do đó, các trường hợp sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng do vắc-xin gây ra đã nhiều lần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm giải trình.
Theo “Đạo luật kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm” ở Đức, nếu phản ứng bất lợi của vắc-xin (không chỉ vắc-xin COVID) gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thì nó sẽ được các tổ chức hữu quan xác định là “bị tổn hại do vắc-xin” (Impfschaden), và đương sự có quyền nộp đơn xin trợ cấp hàng tháng lên tới 854 euro (khoảng 911 USD).
Mỗi trường hợp phải được chuyên gia xác nhận rằng các vấn đề sức khỏe của họ thực sự là do tiêm chủng gây ra. Theo định nghĩa của Viện Robert Koch, chỉ những vấn đề sức khỏe “vượt quá phản ứng tiêm chủng thông thường” và kéo dài hơn 6 tháng mới được xem xét.
Trong số các trường hợp chấn thương do vắc-xin COVID-19 hiện được phê duyệt, chủ yếu liên quan đến bệnh viêm cơ tim, rối loạn chức năng tim, huyết khối xoang tĩnh mạch não và các tổn thương hệ thần kinh khác. Một số ít liên quan đến rối loạn đông máu, tê liệt, huyết khối và các bệnh khác.
Thậm chí có những tổn thương như huyết khối xoang tĩnh mạch não còn dẫn đến tử vong. Đến nay, chưa đến 20 ca bị chấn thương do vắc-xin được chính thức công nhận ở Đức.
Theo báo cáo điều tra của tờ Süddeutsche Zeitung, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6.682 người nộp đơn xác nhận và xin trợ cấp liên quan từ bộ phúc lợi xã hội Đức, vì cho rằng việc tiêm vắc-xin COVID đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của họ. Trong số đó, chỉ có 285 đơn đăng ký được chấp thuận, và 2.075 đơn bị từ chối, với tỷ lệ thành công khoảng 1/7. Các trường hợp còn lại vẫn đang được xem xét, hoặc bản thân người nộp đơn đã từ bỏ. 285 trường hợp được phê duyệt, so với 64 triệu dân số được tiêm chủng, nghĩa là cứ 210.000 người được tiêm chủng, thì chỉ có 1 người được xác nhận là “sức khỏe bị tổn hại”.
Người phát ngôn của văn phòng phúc lợi xã hội North Rhine-Westphalia nói với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng lý do khiến một lượng lớn đơn đăng ký vẫn phải chờ xử lý là do đến nay, ngành y tế vẫn chưa có đủ kiến thức đáng tin cậy về mối liên hệ giữa tiêm chủng và những di chứng sau đó.
Ngoài ra, việc kiểm tra và phê duyệt các trường hợp riêng lẻ cần có chứng chỉ của chuyên gia. Số lượng nhân sự có trình độ như vậy không đủ cũng là một trong những lý do khiến việc xử lý bị chậm trễ.
Tờ Süddeutsche Zeitung báo cáo rằng ít nhất 1.000 đơn bị từ chối đã được kháng cáo, chỉ 129 người trong số đó được chính quyền chấp nhận. Ngoài ra, một số nạn nhân đã kiện nhà sản xuất vắc-xin và đòi bồi thường thiệt hại.
Bộ trưởng Y tế Đức: Doanh nghiệp dược nên cùng chịu trách nhiệm
Khi bắt đầu mua vắc-xin COVID, chính phủ của tất cả các nước EU đã ký hợp đồng, đồng ý rằng trong trường hợp kiện đòi bồi thường, các công ty dược phẩm có thể được miễn nghĩa vụ bồi thường, và chính phủ sẽ chịu mọi trách nhiệm.
Theo phân tích của các chuyên gia pháp lý, điều này có nghĩa là nếu các công ty dược phẩm thua kiện, và buộc phải bồi thường cho bên bị thiệt hại, thì cuối cùng chính phủ sẽ là người thanh toán hóa đơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông cách đây vài ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Lauterbach cho biết, các công ty dược phẩm đã thu được lợi nhuận khổng lồ nhờ vắc-xin COVID, vì vậy việc mong đợi các công ty này tham gia vào trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân của vắc-xin là điều hợp lý.
Ông cũng ủng hộ việc đẩy nhanh quá trình xử lý đơn đăng ký cho những người bị ảnh hưởng bởi vắc-xin, đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu có liên quan, và cải thiện phương pháp điều trị để giúp đỡ bệnh nhân.
Nhưng với những người suy kiệt sức khỏe vì tiêm vắc-xin, lời nói của Bộ trưởng Bộ Y tế như thể nước xa không cứu được lửa gần. Ông Carsten Watzl, Tổng thư ký của Hiệp hội Miễn dịch học Đức, nói với tờ Süddeutsche Zeitung rằng: “Mỗi cá nhân bị thiệt hại do vắc-xin gây ra đều rất đáng buồn, nhưng điều này phải được nhìn nhận trên quy mô lớn hơn”.
Ông nói, gần 65 triệu người ở Đức đã được tiêm vắc-xin. Điều này đã cứu sống hàng chục ngàn người, và ngăn ngừa hàng triệu người mắc bệnh nặng.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng nhiều lần điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng các loại vắc-xin khác nhau trên cơ sở quan sát tác dụng phụ của vắc-xin, để nâng cao hệ số an toàn.
Ví dụ, vắc-xin Adenovirus của AstraZeneca được phát hiện là gây ra nguy cơ đông máu não hoặc xuất huyết cao hơn ở một số người ngay sau khi sử dụng. Do đó, Bộ y tế Đức đã thay đổi hướng dẫn tiêm chủng cho các nhóm tuổi khác nhau và sẽ ngừng sử dụng vắc-xin sau tháng 12/2021.
Giám đốc bệnh viện tại Trung Quốc thừa nhận vắc-xin COVID-19 có thể gây viêm cơ tim tối cấp
Theo tờ “Người quan sát kinh tế” tại Trung Quốc đưa tin ngày 10/3, ông Uông Đạo Văn, giám đốc danh dự của Khoa Nội, Bệnh viện Đồng Tế trực thuộc Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tề, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, đã đề xuất tại cuộc họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại) năm nay, rằng nên thông qua Ủy ban Y tế Quốc gia để thành lập “Trung tâm Chẩn đoán và Đào tạo điều trị viêm cơ tim thể tối cấp” và “Trung tâm kiểm soát chất lượng điều trị và chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp”.
Ông nói: “Vắc-xin COVID-19 thực sự có thể gây viêm cơ tim, thậm chí gây viêm cơ tim thể tối cấp. Chúng tôi đã điều trị một số trường hợp viêm cơ tim thể tối cấp sau khi tiêm vắc-xin. Bản thân vắc-xin là một kháng nguyên, cho dù đó là vắc-xin protein, vắc-xin bất hoạt hay vắc-xin mRNA, thì đều có khả năng gây viêm cơ tim tối cấp.”
Theo báo cáo, viêm cơ tim thể tối cấp là bệnh do virus và các yếu tố khác xâm nhập vào tim gây ra, đối tượng mắc bệnh này chủ yếu là trẻ em và thanh niên. Bệnh khởi phát nhanh, thường đến muộn do thiếu hiểu biết làm lỡ thời điểm điều trị từ đó dẫn đến tử vong, hiện nay tỷ lệ tử vong của bệnh này ở các bệnh viện lớn (ở Trung Quốc) là trên 50%, tỷ lệ tử vong ở các bệnh viện tuyến cơ sở còn cao hơn.
“Bệnh viêm cơ tim thể tối cấp khởi phát rất nhanh, nhưng lúc mới phát bệnh giống như cảm lạnh, cảm thấy yếu ớt. Bệnh tiến triển cực kỳ nhanh, sẽ xuất hiện suy tuần hoàn rất nhanh, sốc tụt huyết áp, thậm chí đột tử, có thể tử vong trong vài ngày.” Ông Uông Đạo Văn nói, “Tỷ lệ tử vong sớm của căn bệnh này rất cao. Ở Trung Quốc, nó thường được báo cáo ở 3 bệnh viện hàng đầu. Được biết, tỷ lệ tử vong là hơn 50%, và nhiều trường hợp không được cấp cứu thành công và không được báo cáo, tỷ lệ tử vong thực tế cao hơn nhiều so với 50%.”
Ông Uông Đạo Văn cũng nói: “Virus corona mới có thể gây ra viêm cơ tim thể tối cấp. Lần này, chủng Omicron thực sự có nhiều khả năng xâm nhập vào tim hơn so với chủng ban đầu. Đợt dịch này, tỷ lệ xâm hại tim tương đối lớn, và có rất nhiều trường hợp viêm cơ tim thể tối cấp.”
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Tác dụng phụ của vắc-xin Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán COVID-19 Vắc xin COVID-19