Ký ức tiền kiếp: Hành trình khám phá qua không gian và thời gian
- Đại Hải
- •
Nếu ý thức của chúng ta không biến mất khi qua đời, thì nó sẽ đi đâu? Những ký ức tiền kiếp của trẻ em có thể giải đáp các mảnh ghép còn thiếu cho ẩn đố này.
![tien kiep](https://trithucvn2.net/wp-content/uploads/2025/02/tien-kiep.jpg)
Vào ngày 11/10/2002 tại Lafayette, Louisiana, anh Bruce Leininger đang dọn sân sau hậu quả của cơn bảo Lili. Nghỉ ngơi một chút, anh ngồi cạnh đứa con trai bốn tuổi tên James, và ôm cậu vào lòng. Anh Bruce nói với cậu con trai rằng, “Con là đứa con trai ngoan”.
James nhìn bố và trả lời, “Đó là lý do tại sao con chọn bố. Con biết bố sẽ là người cha tốt”.
Câu nói tưởng như chỉ là suy nghĩ của một đứa trẻ, nhưng phần tiếp theo của câu chuyện lại khiến anh Bruce bối rối.
“Con thấy chúng ta ở đâu?”, anh Bruce hỏi. “Một khách sạn lớn màu hồng ở Hawaii”, cậu con trai đáp lại.
Anh Bruce hỏi tiếp: “Cha mẹ đang làm gì khi con lựa chọn cha mẹ?”
“Cha mẹ đang ăn tối trên bãi biển vào ban đêm,” James nói một cách thực tế.
Anh Bruce và vợ là Andrea cảm thấy kinh ngạc. Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 năm 1997, họ đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm ngày cưới tại Royal Hawaiian, một khách sạn màu hồng san hô tại Honolulu. Tại đó họ đã thưởng thức bữa tối trên bãi biển.
Trải nghiệm này hoàn toàn riêng tư và họ chưa từng nói trước mặt con trai. Hơn thế nữa chuyến đi diễn ra khoảng 4-5 tuần trước khi cô Andrea mang thai. Cậu con trai James không thể nào biết được những chi tiết riêng tư này.
Đoạn hội thoại được ghi lại trong bài báo “Consciousness Survives Physical Death” (Ý thức tồn tại sau cái chết vật lý). Bài báo này đã đoạt giải khi gửi đến Viện Bigelow, do Bigelow Aerospace tài trợ và thuộc sở hữu của Robert Bigelow.
Hồi ức của James không biến mất khi chọn cha mẹ. Cậu là một trong số nhiều đứa trẻ mang ký ức tiền kiếp vượt ra ngoài kiếp sống này. Một lượng lớn nghiên cứu cho thấy ý thức của chúng ta đem theo ký ức từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
Một phi công thế chiến thứ II
Kể từ khi chào đười, James đã có niềm yêu thích khác thường đối với máy bay. Khi lên hai tuổi, cậu bắt đầu mơ những cơn ác mộng về máy bay rơi, cậu mô tả trong giấc mơ mình là một phi công người Mỹ lái chiếc máy bay bị Nhật Bản bắn hạ.
James cung cấp các chi tiết bao gồm tên của tàu sân bay, tên người bạn cùng chuyến tàu và vị trí, chi tiết cụ thể về vụ tai nạn. Những chi tiết này tương ứng với trường hợp hy sinh của phi công thế chiến thứ II James McCready Huston Jr.
Hơn nữa, James biết những chi tiết lịch sử cụ thể, chính xác mà cả cha mẹ anh và công chúng nhìn chung đều không biết. Ở tuổi lên hai, cậu đã xác định được tên con tàu, USS Natoma Bay, điểm đến của máy bay, cũng như một phi công đồng nghiệp là Jack Larsen.
Gia đình Huston cũng xác nhận những lời nói của cậu bé James về cuộc sống kiếp trước. Ví dụ, cậu biết biệt danh Huston dành cho em gái mình, vốn chỉ có người anh trai đã mất của cô ấy – James Huston – từng sử dụng
Tiến sĩ Jim Tucker, một bác sĩ tâm thần của Đại học Virginia, đã báo cáo trường hợp này trong một bài báo năm 2016, ông kết luận, “Trên thực tế, lời giải thích dễ hiểu nhất cho mối liên hệ này là cậu bé đã từng có kiếp sống trước là James Huston, Jr. trước khi đến kiếp hiện tại. Những bằng chứng trong trường hợp này cho thấy lời giải thích trên đáng được xem xét một cách nghiêm túc”.
Hiện tượng ký ức tiền kiếp được một số tôn giáo và triết học Châu Á gọi là luân hồi, nghĩa là sự tái sinh của ý thức sau khi cơ thể tử vong.
Trong thế kỷ qua, ngày càng nhiều nhà khoa học quan tâm đến chủ đề này.
Nhà khoa học nổi tiếng Carl Sagan, thành viên sáng lập của Ủy ban điều tra khoa học về các tuyên bố về hiện tượng huyền bí, đã viết trong cuốn sách “The Demon-Haunted World” (Thế giới bị quỷ ám) của mình rằng, “Có ba tuyên bố trong lĩnh vực ESP [ngoại cảm] mà theo tôi là đáng được nghiên cứu nghiêm túc”, với tuyên bố thứ ba là “trẻ nhỏ đôi khi báo cáo các chi tiết về kiếp trước, khi kiểm tra lại thì các chi tiết này là chính xác và chúng không thể hiểu được theo cách nào khác ngoài luân hồi”.
2.500 trường hợp: ‘Dữ liệu không thể bỏ qua’
Cuộc thảo luận về ký ức tiền kiếp đã mở rộng ra ngoài tôn giáo và lan sang lĩnh vực khoa học.
Tiến sĩ Ian Stevenson (1918–2007), chủ tịch Khoa Tâm thần và Thần kinh học tại Đại học Virginia, là chuyên gia y tế đầu tiên mở rộng ranh giới nghiên cứu về luân hồi.
Trong một cuộc thi do Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh Hoa Kỳ vốn chuyên nghiên cứu các hiện tượng tâm lý huyền bí tổ chức, Tiến sĩ Stevenson đã chọn phân tích 44 người có ký ức tiền kiếp. Bài báo của ông đã giành giải nhất.
Trong khi tiến hành nghiên cứu, ông đã thấy ấn tượng bởi những điểm tương đồng trong các trường hợp từ nhiều quốc gia khác nhau và cảm thấy cần phải điều tra thêm.
Tiến sĩ Stevenson đã dành hơn 30 năm để nghiên cứu một cách có hệ thống về hiện tượng ký ức tiền kiếp. Ông đã thu thập và ghi chép tỉ mỉ trong cuốn sách của mình “Reincarnation and Biology” (Luân hồi và Sinh học). Trong đó có hơn 2.500 trường hợp trẻ em trên toàn thế giới tuyên bố rằng mình nhớ được tiền kiếp.
Một trong những nghiên cứu của ông được công bố trên tập san Medical Hypotheses, liên quan đến 856 trường hợp PLM, trong đó 67% được đánh dấu là đã giải quyết. Theo phương pháp của Tiến sĩ Stevenson, một trường hợp “đã giải quyết” có nghĩa là các nhà nghiên cứu đã xác định được một cá nhân đã tử vong mà chi tiết về cuộc sống và cái chết trùng khớp chính xác với ký ức được đứa trẻ kể lại.
Trong một nghiên cứu do Tiến sĩ Ian Stevenson từ Đại học Virginia thực hiện, đã xác nhận 67% trong số 856 trường hợp từng quả quyết là có kiếp trước. (Ảnh: The Epoch Times)
Nghiên cứu của Tiến sĩ Stevenson tiến hành trên nhiều khu vực khác nhau, bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Thái Lan, Myanmar và các quốc gia ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Âu.
Ông tập trung nghiên cứu vào trẻ em vì hai lý do. Thứ nhất, trẻ nhỏ ít có khả năng bịa ra những ký ức về tiền kiếp với mức độ chi tiết có thể xác minh cao. Thứ hai, chúng thường ít tiếp xúc với các nguồn thông tin bên ngoài, nên không thể có được kiến thức chi tiết về những người đã khuất thông qua các phương tiện thông thường.
Dưới đây là một trường hợp trong nghiên cứu của ông.
Câu chuyện về Shanti Devi
Shanti Devi là một cô gái sống ở Delhi từ khi sinh ra vào năm 1926. Khi lên ba tuổi, cô bắt đầu nhớ lại kiếp trước của mình là một người phụ nữ tên Lugdi. Ban đầu, cha mẹ cô gạt bỏ và coi ký ức tiền kiếp sống động của cô như những tưởng tượng của trẻ con.
Khi Devi lớn lên, cô nhất quyết đến thăm chồng cũ của mình, Kedar Nath, ở Mathura, cách đó 162 km. Sự tò mò của họ trỗi dậy, gia đình cô đã xác định và viết thư cho Nath, người cuối cùng đã đến thăm Devi. Trước sự ngạc nhiên của ông, cô bé chín tuổi đã nhận ra chính xác ông và những người họ hàng khác, kể lại những chi tiết về cuộc sống của họ mà cô bé không thể nào biết được.
Bản tin về câu chuyện của Devi đã thu hút sự chú ý của Mahatma Gandhi. Khi Devi lên 10 tuổi, Gandhi đã thành lập một “Ủy ban điều tra” gồm 15 thành viên lỗi lạc, bao gồm luật sư, nhà báo, nhà lãnh đạo chính trị và thành viên quốc hội để điều tra những tuyên bố.
Ủy ban khẳng định Devi chưa bao giờ rời khỏi Delhi. Sau đó, họ đi cùng cô đến Mathura, nơi cô xác định chính xác ngôi nhà của Nath và ngôi nhà của bố chồng, đồng thời mô tả cách bài trí bên trong.
Hơn nữa, Devi chỉ vào một góc phòng nơi cô nói đã chôn tiền ở đó. Khi các nhân chứng khai quật khu vực này, họ phát hiện ra một chiếc tủ dùng để cất giữ đồ có giá trị, nhưng bên trong trống rỗng. Devi khẳng định cô đã để tiền ở đó, và cuối cùng, Nath thừa nhận rằng ông đã tìm thấy và lấy số tiền đó sau khi vợ ông qua đời.
Tiến sĩ Stevenson lưu ý rằng ít nhất 24 trong số những tuyên bố của cô đã được xác nhận. Đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy ký ức của cô không phải là bịa đặt.
Cuối cùng, ủy ban đã công bố một báo cáo dài 26 trang vào năm 1936, kết luận rằng Devi là kiếp sau của Lugdi. Vụ việc này cũng được đăng trên tập san American Weekly số ra ngày 12/12/1937.
Bằng chứng khó thể tin
Theo Tiến sĩ Stevenson, thông thường trẻ em nhớ về ký ức tiền kiếp ở độ tuổi từ 2 đến 4. Những đứa trẻ này tự nhiên kể lại các chi tiết về tiền kiếp, ngay cả khi nơi đó cách xa hàng nghìn dặm và các sự kiện đã xảy ra cách đây hàng chục năm hoặc hơn. Những chi tiết này thường chính xác tới 90%.
Theo Tiến sĩ Ian Stevenson, các chi tiết về tiền kiếp được trẻ em kể lại có độ chính xác lên tới 90 %. (Ảnh: The Epoch Times)
Dấu hiệu về luân hồi bao gồm “nói về những điều mà trẻ em trên thế giới hoàn toàn không thể biết được ở độ tuổi đó”, bà Carol Bowman, một nhà trị liệu hồi quy tiền kiếp đã nghiên cứu ký ức tiền kiếp ở các gia đình Mỹ trong 35 năm, nói với The Epoch Times.
Những đứa trẻ này thường không có vấn đề về tâm lý xã hội, bà Bowman cho biết. Tiền kiếp của chúng thường là những gia đình bình thường chứ không phải những người nổi tiếng, vì vậy chúng không có động cơ để bịa ra những câu chuyện.
Bà Bowman đã thuật lại việc một bé gái ba tuổi tên là Megan, người đã kể về tiền kiếp của mình là một người đàn ông (John) có vợ (Mary) qua đời vì bệnh lao. Megan cũng cho biết vì bệnh tật của Mary và không có khả năng sinh con, cô bé rất buồn. Làm sao cô bé này có thể học được kiến thức y khoa về bệnh lao và vô sinh chỉ trong vài năm đầu ngắn ngủi sau khi sinh ra được?
Những đứa trẻ nhớ lại tiền kiếp thường có thể thể hiện một kỹ năng chưa từng học. Devi nói tiếng địa phương nhiên ở Mathura – nơi cô đã sống trong kiếp trước – một cách tự nhiên, mặc dù cô chưa bao giờ đến đó và chưa từng học ngôn ngữ đó trong đời.
Bà Bowman kể rằng một cậu bé người Mỹ bốn tuổi, Tommy, đã khéo léo khâu một chiếc cúc quần của mình. Khi mẹ hỏi cậu học kỹ năng đó ở đâu, cậu bé trả lời, “Ồ, chúng con thường làm điều đó trên tàu mọi lúc”, và cậu bắt đầu mô tả kiếp trước của mình là một thủy thủ.
“Những đứa trẻ chuyển sang thể hiện một cách rất nghiêm túc, rất thực tế, kiên quyết rằng những gì đã nói là đúng”, bà Bowman nói.
Một tổng quan hệ thống được công bố vào năm 2021 đã phân tích 78 nghiên cứu quan sát và phát hiện ra rằng trong số những đứa trẻ có ký ức tiền kiếp, 23% có những kỹ năng chưa học được. Đáng ngạc nhiên hơn, 37% có vết bớt hoặc khuyết tật trùng khớp với vết thương từ kiếp trước.
Vết bớt xuất hiện rất phổ biến, vậy vì sao vết bớt có thể kết nối kiếp trước với kiếp hiện tại?
Vết bớt và khuyết tật – Sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Trong một nghiên cứu trên 895 trẻ em có ký ức tiền kiếp, 35% có vết bớt bất thường hoặc khuyết tật bẩm sinh.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Stevenson chỉ ra tỷ lệ tương đồng đáng kể là 88% giữa vết thương kiếp trước và vết bớt, với bằng chứng là các báo cáo sau khi tử vong hoặc các tài liệu xác nhận khác.
Ví dụ, trong một trường hợp, một cậu bé người Thổ Nhĩ Kỳ bị dị tật tai phải. Cậu bé nhớ rằng mình đã bị bắn vào bên phải hộp sọ trong kiếp trước. Tiến sĩ Stevenson đã xác định được kiếp trước và xác nhận nguyên nhân tử vong bằng cách xem xét hồ sơ bệnh viện.
Bà Bowman cũng đã thu thập bằng chứng liên quan đến vết bớt và hành vi. Ví dụ, đứa con đầu lòng của Kathy, (cũng tên là) James, đã qua đời một cách bi thảm vì bệnh u nguyên bào thần kinh ngay sau sinh nhật thứ hai của cậu. James gặp vấn đề với mắt trái, tai phải và chân trái, và một mũi tiêm tĩnh mạch đã để lại một vết sẹo trên cổ cậu.
Mười hai năm sau khi James qua đời, đứa con trai khác của Kathy, Chad, đã chào đời. Chad bắt đầu cho thấy những điểm tương đồng về ngoại hình đáng kinh ngạc với James. Chad bị mù mắt trái, gặp vấn đề với tai phải, bị khuyết tật ở chân trái và có một vết sẹo ở đúng vị trí trên cổ giống James.
Hơn nữa, Chad ít nói và lo lắng giống James. Khi mới bốn tuổi, Chad bắt đầu khẳng định rằng mình sống trong một ngôi nhà có đồ nội thất màu sô cô la và chơi một số đồ chơi nhất định, hoàn toàn trùng khớp với mọi chi tiết trong cuộc sống của James.
Các báo cáo sau khi tử vong và hồ sơ y tế xác nhận rằng phương thức tử vong trong kiếp trước phù hợp với vết bớt hiện tại, điều này không thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Những lời giải thích không rõ ràng
Những lời giải thích thay thế cho ký ức tiền kiếp bao gồm sự bóp méo ký ức, ảnh hưởng của cha mẹ và điều kiện văn hóa hoặc xã hội. Tuy nhiên, những giả thuyết này có điểm yếu.
Một nghiên cứu năm 2007 cho rằng ký ức tiền kiếp dường như là do sự nhầm lẫn trong ký ức hoặc ký ức sai lệch. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn trong ký ức không thể giải thích tính chính xác và các chi tiết có thể xác minh đã được các nhà nghiên cứu chứng minh qua nhiều trường hợp được ghi chép rõ ràng.
Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thái độ ban đầu của các bà mẹ đối với ký ức tiền kiếp của con mình rất khác nhau. Nhìn chung, 51% các bà mẹ trung lập hoặc chấp nhận các ký ức tiền kiếp, 28% ngăn cản và 21% khuyến khích.
Một số người cho rằng vết bớt là do ấn tượng của người mẹ. Họ tuyên bố rằng nhận thức của một phụ nữ mang thai về vết thương của người đã khuất có thể ảnh hưởng đến phôi thai và thai nhi đang phát triển, dẫn đến các đặc điểm vật lý tương ứng với những vết thương đó.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Stevenson, các bà mẹ thường không biết về vết thương tiền kiếp của con. Giả thuyết này cũng không thể giải thích được suy nghĩ của người mẹ có thể thay đổi cơ thể đứa con chưa chào đời của mình như thế nào hoặc tại sao những đứa trẻ lại có những ký ức đó.
Đối với giả thuyết về điều kiện văn hóa hoặc xã hội, một tổng quan hệ thống năm 2021 đã phát hiện ra rằng các trường hợp ký ức tiền kiếp không chỉ được báo cáo ở các quốc gia Châu Á có niềm tin về luân hồi trong văn hóa và tôn giáo, mà còn ở Châu Mỹ và Châu Âu. Điều này cho thấy đây là một hiện tượng gặp ở nhiều nền văn hóa.
Các trường hợp nhớ lại tiền kiếp được báo cáo ở các quốc gia trên khắp thế giới, cho thấy đây là hiện tượng gặp ở nhiều nền văn hóa. (Ảnh: The Epoch Times)
Những người khác giải thích hiện tượng nhớ lại tiền kiếp là những sự kiện ngẫu nhiên, một vết bớt hoặc khuyết tật xảy ra một cách tình cờ và sau đó người đó biết về một cá nhân đã qua đời có vết bớt tương tự. Sự giống nhau khiến họ cảm thấy gắn bó với người đó. Tuy nhiên, không có bằng chứng chắc chắn nào và có vẻ như không có khả năng, đặc biệt là khi xét đến hầu hết các trường hợp nhớ lại tiền kiếp đều là trẻ em.
Những người hoài nghi thường bác bỏ và cho rằng vết bớt hoặc khuyết tật tương đồng với kiếp trước chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Cần bao nhiêu sự trùng hợp ngẫu nhiên diễn ra để xác thực một trường hợp ký ức tiền kiếp có các sự kiện được ghi chép phù hợp với ký ức? Khi mối liên kết càng chi tiết và có thể xác minh được thì càng khó bác bỏ những tuyên bố như vậy là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Tiến sĩ Eben Alexander là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nổi tiếng đã nghiên cứu não bộ trong nhiều thập niên và đã có trải nghiệm cận tử. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông đã nói với The Epoch Times, “Tôi cho rằng ý thức của con người có thể khá hạn chế vì những định kiến và giả định của chúng ta, khi chúng ta nghĩ rằng mình hiểu mọi thứ nhưng lại không chú ý đến tất cả các bằng chứng”.
Sự trở lại của những ký ức tiền kiếp
Ký ức đau thương trong quãng thời gian đầu của kiếp sống hiện tại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, thường dẫn đến hội chứng căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD). Các nhà tâm lý học có thể sử dụng liệu pháp trò chuyện để giúp bệnh nhân loại bỏ tổn thương để chữa lành về mặt tinh thần và thể chất. Các phương pháp trị liệu tâm lý như vậy giúp hỗ trợ cho phương pháp điều trị dược lý do bác sĩ tâm thần kê toa.
Tương tự như vậy, một số bác sĩ đã khám phá ra liệu pháp hồi quy tiền kiếp, một loại liệu pháp thôi miên, để điều trị bệnh. Giống như phương pháp điều trị PTSD, liệu pháp hồi quy tiền kiếp dựa trên đối thoại có hướng dẫn trong quá trình thôi miên, nhà trị liệu giúp bệnh nhân khám phá những gì họ tin là ký ức từ tiền kiếp.
Mặc dù vẫn đang có cuộc tranh luận liên tục xung quanh tính hiệu quả rõ rệt của liệu pháp hồi quy tiền kiếp, nhưng đã ghi nhận những bệnh nhân được hưởng lợi từ phương pháp điều trị này.
Tiến sĩ Jason Liu, một bác sĩ y khoa toàn diện tại California có bằng tiến sĩ về khoa học thần kinh, nói với The Epoch Times rằng ông đã chứng kiến một bệnh nhân bị đau cơ xơ hóa trở lại cuộc sống bình thường sau liệu pháp hồi quy tiền kiếp.
Cô Marilyn, một phụ nữ 46 tuổi, đã phải chịu đựng cơn đau mạn tính liên tục, gây suy nhược trong nhiều năm, khiến bà nghĩ đến tự tử. Ngoài bệnh đau cơ xơ hóa, bà còn phải vật lộn với các bệnh đi kèm, bao gồm hội chứng mệt mỏi mạn tính, lo âu, trầm cảm và mất ngủ.
Mặc dù có chồng là bác sĩ y khoa, nhưng phương pháp điều trị thông thường không giúp ích gì cho bà. Tiến sĩ Liu quyết định thử liệu pháp hồi quy tiền kiếp.
Khi thôi miên bằng sóng não theta, cô Marilyn đã bước vào trạng thái thôi miên thanh bình. Trong trạng thái thôi miên, cô đã tiếp cận được một phần ký ức rằng bà từng một người lính trong chiến tranh và bị tấn công. Thông qua một loạt cuộc trò chuyện với tiến sĩ Liu, cô đã hiểu rằng nỗi sợ hãi tột cùng đã trải qua trong kiếp trước có liên quan đến nỗi đau thể xác mà cô phải chịu đựng trong kiếp hiện tại.
Dưới sự hướng dẫn nhẹ nhàng của Tiến sĩ Liu, cô Marilyn đã có thể tách biệt sang chấn cảm xúc trong kiếp trước khỏi hiện thực. Kể từ đó, cô cảm thấy bình yên và tràn đầy hy vọng hơn nhiều. Các triệu chứng về thể chất và tinh thần của cô đã cải thiện nhanh chóng, giúp cô hồi phục hoàn toàn.
Con trai của bà Bowman cũng có ký ức về kiếp trước. Cậu bé bị bệnh chàm mạn tính và chứng sợ tiếng ồn lớn khi mới năm tuổi.
“Khi chúng tôi hỏi cậu bé về chuyện này, cậu bé kể với chúng tôi, theo ngôi thứ nhất, rằng cậu từng là một người lính và đã tử trận trên chiến trường sau một khẩu pháo”, bà Bowman cho biết.
Sau khi con trai bà kể về ký ức kiếp trước của mình, tình trạng bệnh chàm mạn tính của cậu bé đã biến mất và chứng sợ tiếng ồn lớn cũng biến mất.
“Có một số [loại] ký ức cơ thể, ký ức về thể chất, liên quan đến những ký ức này”, bà Bowman cho biết, gợi ý rằng tiền kiếp có thể được lưu trữ trong ý thức và cơ thể của chúng ta.
Dòng sông lưu chuyển
Một con sông mang theo cát, dưỡng chất và sự sống khi chầm chậm chảy từ đỉnh núi tới đích đến của mình. Tương tự, các nghiên cứu về ký ức tiền kiếp cho thấy rằng ý thức của chúng ta giống như một dòng sông mải miết trôi, mang theo những ký ức, trải nghiệm và bản chất linh hồn từ đời này sang đời khác, kết nối chúng ta với sự sống phức tạp.
“Tôi nghĩ điều này thật kỳ diệu, vì như Tiến sĩ Ian Stevenson đã đề cập – tình huống hiện tại của chúng ta, nhân cách hiện tại của chúng ta, có thể có nguồn gốc từ những trải nghiệm trong kiếp trước,” bà Bowman chia sẻ với The Epoch Times.
Bà tiếp lời: “Ý thức tồn tại sau cái chết, cùng với những đặc điểm tính cách, cảm xúc và những đặc trưng thể chất. Tất cả đều chuyển sang một thân xác mới, một kiếp sống mới, trong những hoàn cảnh khác biệt, nhưng tất cả đều liên kết với nhau. Có một dòng chảy liên tục từ kiếp này sang kiếp khác”.
Sau khi Tiến sĩ Stevenson qua đời, người kế nhiệm ông, Tiến sĩ Jim Tucker, giáo sư ngành tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Virginia, tiếp tục sứ mệnh nghiên cứu về ký ức tiền kiếp.
Tiến sĩ Brian L. Weiss và Tiến sĩ Bruce Greyson cũng tham gia nghiên cứu về ký ức tiền kiếp. Tiến sĩ Weiss là một bác sĩ tâm thần nổi tiếng, tốt nghiệp Đại học Columbia và Trường Y Yale, đồng thời là chủ tịch danh dự của khoa tâm thần tại Trung tâm Y tế Mount Sinai ở Miami. Tiến sĩ Greyson là giáo sư danh dự ngành tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Virginia.
Bằng chứng tích luỹ từ ba bài viết đầu tiên trong loạt bài này gợi ý một khả năng rằng ý thức vượt ra ngoài thực tại vật chất của chúng ta.
Cuối cùng thì ai cũng phải chết. Tuy nhiên, nếu ý thức là bất diệt và ký ức tiền kiếp vẫn tồn tại, thì điều này có ý nghĩa sâu sắc cho sức khỏe tinh thần của chúng ta trong đời này và cả trong tương lai.
Nếu ký ức có thể xuyên suốt qua các kiếp sống, vậy câu hỏi đặt ra là: Ý thức của chúng ta trú ngụ ở đâu giữa những kiếp sống? Đâu là nguồn gốc ban đầu hay mái nhà cuối cùng của ý thức?
Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục khám phá nguồn gốc của ý thức dựa trên nhiều hướng nghiên cứu khoa học.
Từ khóa ký ức tiền kiếp
![](https://trithucvn2.net/wp-content/themes/trithucvn_v2/images/ajax-loader.gif)