Nghiên cứu: Mối liên hệ giữa hút cần sa với thay đổi DNA và rối loạn tâm thần
- George Citroner
- •
Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc sử dụng thường xuyên cần sa có độ mạnh cao có thể để lại những thay đổi đo được trong DNA của con người, làm dấy lên lo ngại về tác động đến sức khỏe tâm thần từ những sản phẩm cần sa ngày càng phổ biến và mạnh mẽ hơn.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những thay đổi trong gen liên quan đến chức năng ty thể và miễn dịch ở những người sử dụng cần sa thường xuyên với nồng độ tetrahydrocannabinol (THC) lớn hơn 10%. Đây là hợp chất tác động tâm thần chính trong cây cần sa, có khả năng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng và phản ứng miễn dịch.
Những tác động tâm lý bất lợi liên quan đến cần sa
Một số lượng lớn người Mỹ – khoảng 129 triệu người – cho biết đã từng sử dụng cần sa vào một thời điểm nào đó trong đời. Khi các tiểu bang khác nhau thông qua các giải pháp hợp pháp hóa [chấp nhận cho việc hút cần sa], con số này dự kiến sẽ tăng lên.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy xu hướng này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nghiên cứu cho thấy rằng cần sa đưa lượng hắc ín vào phổi ít nhất gấp bốn lần so với thuốc lá điếu tương đương.
Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên The Lancet Psychiatry chỉ ra rằng việc sử dụng cần sa hàng ngày, đặc biệt là cần sa có tác dụng mạnh, có mối tương quan chặt chẽ với sự khởi phát của chứng rối loạn tâm thần.
Các phát hiện này cho thấy sự gia tăng đáng kể các trường hợp rối loạn tâm thần mới ở các thành phố nơi có sẵn cần sa tác dụng mạnh.
Tiến sĩ Marta Di Forti, tác giả chính của Viện Tâm thần, Tâm lý học và Khoa học thần kinh cho biết trong một tuyên bố: “Phát hiện của chúng tôi phù hợp với các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng việc sử dụng cần sa với nồng độ THC cao có nhiều tác động có hại đến sức khỏe tâm thần hơn so với việc sử dụng các dạng yếu hơn. Họ cũng lần đầu tiên chỉ ra việc sử dụng cần sa ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ mắc chứng rối loạn tâm thần ở cấp độ dân số”.
Những hiểu biết mới về cần sa tác dụng mạnh và DNA
Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Molecular Psychiatry (Tạp chí Tâm thần học phân tử), Di Forti và nhóm của bà đã phát hiện ra rằng cần sa tác dụng mạnh có thể để lại dấu vết rõ ràng trên DNA của con người. Họ lưu ý rằng đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh tác động có thể đo lường được của cần sa tác dụng mạnh đối với sinh học con người.
Nghiên cứu tập trung vào quá trình methyl hóa DNA, một quá trình hóa học làm thay đổi biểu hiện gen mà không sửa đổi trình tự DNA, sử dụng mẫu máu của 682 người tham gia, bao gồm 188 người hiện đang sử dụng cần sa và 494 người không có tiền sử sử dụng.
Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hai nhóm thuần tập: các bệnh nhân rối loạn tâm thần giai đoạn đầu ở Nam Luân Đôn (nghiên cứu sự sai biệt GAP) và mạng lưới các bệnh tâm thần phân liệt quốc gia châu Âu nghiên cứu về tương tác gen-môi trường (EU-GEI), bao gồm các bệnh nhân và những người đối chứng khỏe mạnh từ nhiều quốc gia Châu Âu và Brazil.
Theo kết quả, những người tham gia được phân loại là người sử dụng cần sa thường xuyên cho biết họ bắt đầu sử dụng cần sa ở độ tuổi trung bình là 16, chủ yếu là cần sa tác dụng mạnh nhiều hơn một lần một tuần.
Phân tích xác định rằng những người sử dụng thường xuyên cần sa tác dụng mạnh với hàm lượng delta-9-tetrahydrocannabinol (delta-9-THC) từ 10% trở lên, cho thấy những thay đổi trong gen CAVIN1, có liên quan đến chức năng ty thể và miễn dịch. Những thay đổi này có khả năng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng và phản ứng miễn dịch.
Delta-9-THC là dạng phổ biến nhất trong nhóm cannabinoids THC và có tác dụng đến tâm sinh lý mạnh mẽ.
Các phát hiện cũng cho thấy tác động của cần sa lên DNA khác nhau giữa những người trải qua giai đoạn rối loạn tâm thần đầu tiên và những người không trải qua trải nghiệm đó. Điều này làm tăng triển vọng phát triển các xét nghiệm máu DNA để xác định những người sử dụng cần sa có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần.
Bà Di Forti cho biết trong một tuyên bố: “Với tỷ lệ sử dụng cần sa ngày càng tăng và ngày càng có nhiều cần sa tác dụng mạnh, nhu cầu cấp thiết là phải hiểu rõ hơn về tác động sinh học của nó, đặc biệt là đối với sức khỏe tâm thần”.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần xảy ra đồng thời với việc sử dụng cần sa
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần và rối loạn sử dụng chất gây nghiện đôi khi đi cùng nhau. Theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện, việc sử dụng chất gây nghiện có thể gây ra các triệu chứng về sức khỏe tâm thần và các tình trạng sức khỏe tâm thần có thể dẫn đến việc sử dụng chất gây nghiện như một hình thức tự dùng thuốc.
Nguyên nhân đằng sau của cả hai vấn đề này là yếu tố di truyền, thay đổi não bộ và chấn thương. Hơn một phần tư số người trưởng thành có tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cũng phải vật lộn với việc sử dụng chất gây nghiện, đặc biệt là những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt hoặc rối loạn nhân cách.
The Epoch Times đã tham khảo ý kiến của Tiến sĩ Matthew Sherman, trưởng khoa tâm thần ngoại trú và sức khỏe hành vi dành cho người lớn tại Stony Brook Medicine, về mối quan hệ giữa việc sử dụng cần sa và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Ông cho biết, dựa trên kinh nghiệm của ông, việc sử dụng cần sa cùng với các rối loạn sức khỏe tâm thần là phổ biến và thường ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị.
Ông nói thêm: “Tôi tin rằng bất kỳ chất kích thích thần kinh nào như cần sa đều ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến kết quả điều trị”. Ông nhấn mạnh sự tương tác với thuốc hướng thần và ảnh hưởng của việc say hoặc cai cần sa đối với sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.
Những cân nhắc về mặt đạo đức
Bà Sanam Hafeez, nhà tâm lý học thần kinh và giám đốc của Comprehend the Mind, nhà cung cấp các đánh giá và đánh giá về tâm lý thần kinh ở Thành phố New York, nói với The Epoch Times rằng có rất nhiều cân nhắc về mặt đạo đức khi sử dụng DNA để xác định rủi ro.
Bà nói: “Đầu tiên, kiểu in dấu DNA này, mặc dù có thể có giá trị, nhưng lại mở ra cơ hội cho ‘điều gì khác’ có thể làm thay đổi gen của người bệnh”.
Nếu trở nên phổ biến hơn, xét nghiệm DNA có thể gây tác động ngược lại đối với người mắc bệnh tâm thần, chẳng hạn như “việc DNA của họ bị lạm dụng hoặc thậm chí được nghiên cứu mà không có sự đồng ý, các tác động pháp lý và [khả năng] chỉnh sửa gen bằng cách sử dụng các chất như cần sa”, bà Hafeez nói.
Ngược lại, ông Sherman bày tỏ sự lạc quan về tiềm năng xét nghiệm ADN mang lại lợi ích cho bệnh nhân.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng đây có tiềm năng trở thành một thử nghiệm rất thực tế để thực hiện cho bệnh nhân. Về mặt đạo đức, tôi nghĩ rằng điều này chỉ có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân bằng cách có thể xác định những người có nhiều nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần hơn khi sử dụng cần sa”.
Ông nói thêm rằng ông “khá bị thu hút” bởi những phát hiện này, “vì hiện tại chúng ta không có phương pháp nào ngoài đánh giá lâm sàng và các yếu tố rủi ro như tiền sử gia đình để xác định xem… bệnh nhân nào có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần cao hơn”.