Một nghiên cứu gần đây cho thấy, virus cúm gia cầm H3N8 ở người có thể lây qua không khí giữa các con chồn sương, chỉ còn một bước là phá vỡ rào cản lây từ người sang người.

id14081778 shutterstock 2289056137 600x400 1
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, virus cúm gia cầm H3N8 ở người có thể lây lan qua không khí giữa các con chồn sương, chỉ còn một bước nữa là phá vỡ rào cản lây từ người sang người. (Ảnh: Shutterstock)

Năm 2023, đã xuất hiện trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm H3N8 ở Trung Quốc. Tháng 3 năm nay, một bệnh nhân đã chết vì viêm phổi sau khi nhiễm virus này.

Theo tạp chí khoa học nổi tiếng “Cell”, các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình cơ quan hô hấp của con người được nuôi trong phòng thí nghiệm, để nghiên cứu khả năng lây nhiễm sang người của virus H3N8.

Kết quả cho thấy, virus H3N8 có thể lây nhiễm và nhân lên trong tế bào biểu mô khí quản và tế bào biểu mô phế nang của con người. Hơn nữa, khả năng lây nhiễm của virus có nguồn gốc từ người mạnh hơn rõ rệt so với virus có nguồn gốc từ gà. Chúng có thể gây viêm phổi nặng và viêm não do virus.

Trong các mô hình động vật có vú, mặc dù virus H3N8 có nguồn gốc từ gà có thể lây nhiễm sang chồn sương, nhưng nó không thể lây truyền hiệu quả giữa các con chồn sương. Trong khi virus H3N8 có nguồn gốc từ người có thể lây nhiễm hiệu quả qua tiếp xúc giữa các con chồn sương.

Hơn nữa, nó có thể lây lan trong không khí thông qua các hạt khí dung do virus tạo ra. Điều này cho thấy, virus cúm gia cầm H3N8 có thể nhanh chóng thích nghi với vật chủ là động vật có vú và gây nhiễm bệnh.

Phân tích trình tự sâu cho thấy, virus có thể nhanh chóng trải qua quá trình “điều chỉnh gen”, và tích lũy các đột biến thích nghi sau khi lây lan giữa các loài chồn sương. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể người, virus cúm gia cầm H3N8 có thể nhanh chóng biến đổi trong vật chủ người, và có khả năng lây lan giữa người với người.

Virus cúm gia cầm H3N8 hiện không thể lây lan từ người sang người, do protein hemagglutinin (HA) không đủ độ ổn định axit. Môi trường đường hô hấp trên của con người có tính axit. Trong môi trường này HA của virus cúm gia cầm H3N8 khó lây nhiễm vào tế bào hô hấp.

Các nhà nghiên cứu tin rằng một khi protein HA của virus biến đổi và trở nên ổn định hơn trong môi trường axit, nguy cơ bùng phát trên diện rộng sẽ tăng lên rất nhiều.

Vắc-xin cúm hiện tại không hiệu quả đối với virus H3N8

Các nhà nghiên cứu lấy mẫu và xét nghiệm 30 người đã được tiêm vắc-xin cúm mùa “tam liên” và 394 người trong nhóm người bình thường, kết quả cho thấy những người bình thường thiếu kháng thể chống lại virus H3N8 mới, vắc-xin cúm mùa H3N2 không hiệu quả đối với virus H3N8.

Điều đáng chú ý là virus cúm phân nhóm H3 ở gia cầm chủ yếu lây lan vào mùa lạnh đông xuân, trùng với thời gian dịch bệnh của virus cúm mùa ở người.

Nếu hai chủng virus này đồng lây nhiễm sang người hoặc vật chủ trung gian như lợn và chồn, thì có thể tạo ra virus tái tổ hợp mới thoát khỏi sự bảo vệ của các kháng thể vắc-xin hiện có.

Ví dụ, “vỏ” virus có nguồn gốc từ virus cúm gia cầm phân nhóm H3, còn gen “lõi” có nguồn gốc từ các loại virus mới như H1N1 hay H3N2 có nguy cơ gây ra đại dịch.

Hiện tại ở Trung Quốc, tỷ lệ phát hiện virus cúm gia cầm H3N8 ở gia cầm vẫn ở mức cao. Làm thế nào để đối phó với nguy cơ đại dịch H3N8 và các loại virus cúm gia cầm tái tổ hợp mới tiềm ẩn khác?

Các nhà nghiên cứu tin rằng điều quan trọng là kiểm soát nguồn, tức là kiểm soát sự lây lan của virus ở gia cầm. Ví dụ, thực hiện giám sát cúm gia cầm H3 một cách có hệ thống, nắm rõ mức độ lây lan của virus ở các nhóm động vật.

Từ năm 2022 – 2023, tại Trung Quốc Đại Lục, 3 trường hợp nhiễm virus H3N8 ở người đã được báo cáo. Tháng 4/2022, ca nhiễm virus cúm gia cầm H3N8 đầu tiên ở người được báo cáo tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Bệnh nhân là một cậu bé 4 tuổi, mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính và sau đó đã hồi phục.

Tháng 5/2022, một cậu bé 5 tuổi ở tỉnh Hồ Nam được chẩn đoán nhiễm virus. Cậu bé xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ, ớn lạnh, đau họng và sổ mũi, chúng biến mất sau 7 ngày. Tháng 3 năm nay, một phụ nữ 56 tuổi ở tỉnh Quảng Đông đã phải nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng sau khi nhiễm virus cúm gia cầm H3N8 và cuối cùng đã tử vong.

Nghiên cứu truy xuất nguồn gốc trước đó của nhóm nghiên cứu được công bố trên tạp chí “The Lancet Microbe” cho thấy, tháng 12/2021, lần đầu tiên virus H3N8 mới gây bệnh ở người được phát hiện tại một trang trại gà ở Quảng Đông, sau đó xuất hiện ở nhiều tỉnh của Trung Quốc. Phân tích trình tự cho thấy virus đã trải qua nhiều lần tái tổ hợp.